Xây dựng chính sách xã hội phải có sự tham gia của nhân dân

27/04/2022 20:25 GMT+7

Để có hệ thống an sinh xã hội (ASXH) bền vững, một trong những yếu tố có tính quyết định là công tác dân vận cần phát huy vai trò nhân dân với việc tham gia xây dựng và thực hiện chính sách ASXH.

Đây là ý kiến của Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng tại Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam” do Ban Dân vận T.Ư phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức ngày 27.4.

Trên 12 triệu lượt người được hưởng các chế độ bảo hiểm mỗi năm

Chia sẻ về những kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) thời gian qua, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tính đến hết ngày 31.12.2021, số người tham gia BHXH là hơn 16,5 triệu người, trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 15,1 triệu người (tăng gấp gần 6,6 lần so với năm 1995); số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,45 triệu người (gấp 6,65 lần so với năm 2015), đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Số người tham gia BHYT đạt hơn 88,8 triệu người (gấp 1,27 lần so với năm 2015), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.

Toàn cảnh Hội thảo “Phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện chính sách ASXH ở Việt Nam”

D.Nguyễn

Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho trên 12 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN với số tiền chi trả khoảng 250.000 tỉ đồng/năm; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trên 169,3 triệu lượt người, với số tiền trên 100.000 tỉ đồng/năm.

Thủ tục hành chính (TTHC) trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT ngày càng được cải tiến, rút gọn. Từ 263 TTHC năm 2009 đến nay chỉ còn 25 TTHC, trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4.

Hiện BHXH Việt Nam đã hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu (CSDL) của hơn 98 triệu dân, là nền tảng CSDL quốc gia về bảo hiểm; liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, nhất là kết nối, chia sẻ đồng bộ hóa dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 10.4.2022, đã chia sẻ để xác thực thông tin của trên 40 triệu công dân với Bộ Công an; chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19… Cùng với đó là việc BHXH Việt Nam đưa vào cung cấp sử dụng ứng dụng “VssID - BHXH số” đã đem lại nhiều tính năng, tiện ích thiết thực cho người tham gia BHXH, BHYT.

Ông Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh: “Bảo đảm ASXH và phúc lợi xã hội là một thành công lớn của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua, nhất là trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn do thiên tai, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài. Để đạt được những thành công đó, có vai trò đóng góp quan trọng là sự tham gia của người dân vào xây dựng và thực hiện chính sách ASXH. Quá trình tham gia này nhằm bảo đảm cho các chính sách khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng chính đáng của người dân”.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội thảo

D.Nguyễn

Lấy con người làm trung tâm trong thực hiện các chính sách ASXH

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, đơn vị đã trình bày các tham luận liên quan đến thực trạng tham gia của tổ chức công đoàn, hội phụ nữ, hội nông dân… trong việc xây dựng và thực hiện chính sách ASXH; vai trò của BHXH Việt Nam trong tham gia xây dựng và thực thi chính sách BHXH; các giải pháp thúc đẩy sự tham gia của người dân trong xây dựng và thực hiện chính sách BHYT…

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số ý kiến tại hội thảo cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong thực tiễn tổ chức, thực hiện các chính sách ASXH như: nguồn lực bảo đảm chính sách ASXH chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được mạnh mẽ sự tham gia của toàn xã hội, việc phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng và thực hiện chính sách ASXH ở một số lĩnh vực còn chưa thực sự rõ nét …

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao vai trò tích cực của các tổ chức và nhân dân trong tham gia xây dựng và thực hiện chính sách ASXH ở nước ta thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tất Thắng cho rằng để có một hệ thống ASXH đúng đắn, phù hợp, bền vững thì một trong những yếu tố có tính quyết định đó là công tác dân vận cần phát huy vai trò nhân dân với việc tham gia xây dựng và thực hiện chính sách ASXH trong chiến lược phát triển.

Với mục tiêu phát triển vì con người, lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm để mọi người dân có thể tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ASXH, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, ông Thắng góp ý cần thực hiện thêm các giải pháp khác như: phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách ASXH; vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách ASXH; đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực ASXH thành chương trình hành động của tất cả các bộ, ngành, địa phương một cách thực chất, hiệu quả…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.