Trung Quốc phát hiện hóa thạch khủng long cổ nhất

16/02/2006 11:02 GMT+7

Một hóa thạch động vật ăn thịt dài 3m sống cách đây khoảng 160 triệu năm đã được các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ xác định là đại diện sớm nhất của dòng khủng long bạo chúa T-Rex.

Hóa thạch mới được phát hiện tại tỉnh Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc, được xác định là thành viên đầu tiên của dòng khủng long tyrannosaurus - loài khủng long nhỏ hơn nhiều so với khủng long bạo chúa T-Rex có kích thước tới 13m.

Với miệng há rộng, đầu có răng nhọn, chân khỏe cho thấy chúng là những động vật săn mồi. Các nhà khoa học đặt tên chúng là “Khủng long ngũ sắc”. Tên này xuất phát từ cái mũi mào lớn trên đầu con vật, và được phát hiện ở nơi có nhiều đá màu sắc tại Trung Quốc.

Khủng long ngũ sắc là loài khủng long lâu đời nhất và có những đặc điểm như xương chậu thời kỳ sơ khai. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, những hóa thạch xương chân của khủng long ngũ sắc có một vài đặc điểm từ khủng long coelurosaurs có chung với những dòng khủng long tiền sử khác.

Các mẫu hóa thạch khủng long có đặc điểm này là hiếm vì cho đến nay, hầu hết những hóa thạch khủng long kỷ Jurassic đều được khai quật tại châu Mỹ.

Theo các nhà nghiên cứu, cái mào dẹp của khủng long ngũ sắc có chức năng như một dấu hiệu để thu hút những con khủng long khác giới hoặc là đặc điểm nhận biết các loài. Sự hiện diện của mũi mào là điều đặc biệt thú vị đối với các nhà nghiên cứu bởi nó tương tự như mào trang trí trên đầu của nhiều giống chim hiện nay. Phát hiện này phù hợp với giả thuyết cho rằng chim và các khủng long ăn thịt như tyrannosaurus đều xuất phát từ một dòng tiến hóa.

Phát hiện này được đăng trên tạp chí Nature số tháng 2/2006. Tác giả của bài viết là nhà nghiên cứu Xing Xu tại Viện cổ sinh vật xương sống và nhân chủng học tại Bắc Kinh.

Theo báo Nhân Dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.