5 lực lượng không quân hùng mạnh nhất mọi thời đại

18/07/2015 17:35 GMT+7

(TNO) Trong thế kỷ 20, quân đội và hải quân các nước đã bắt đầu nghĩ đến lợi ích của máy bay quân sự. Chuyên san The National Interest (Mỹ) đã đăng tải bài viết bình chọn 5 lực lượng không quân hùng mạnh nhất mọi thời đại.

(TNO) Từ đầu thế kỷ 20, quân đội và hải quân các nước đã bắt đầu nghĩ đến lợi ích của máy bay quân sự. Chuyên san The National Interest (Mỹ) ngày 18.7 đã đăng tải bài viết của chuyên gia Robert Farley bình chọn 5 lực lượng không quân hùng mạnh nhất mọi thời đại.

Không quân Hoàng gia Anh
Máy bay Spitfire nổi tiếng thời chiến tranh thế giới lần 2 của Không quân Hoàng gia Anh xuất hiện trong một triển lãm hàng không quốc tế năm 2009 - Ảnh: Reuters
Vào ngày 1.4.1918, chính phủ Anh kết hợp hai lực lượng không quân riêng lẻ là Quân đoàn Bay Hoàng gia Anh và Cục Hải quân Không quân Anh thành một là Không quân Hoàng gia Anh (RAF).
Mặc dù RAF chật vật trong giai đoạn thập niên 1920 và 1930 vì các vấn đề ngân sách và chính trị nội bộ, nhưng Bộ tư lệnh Chiến đấu cơ của RAF đã lập chiến công, đánh bại chiến dịch không kích của phát xít Đức trong cuộc không chiến tại Anh. Đây cuộc không chiến dai dẳng giữa quân phát xít Đức và Anh vào mùa hè - thu năm 1940 trong Chiến tranh thế giới lần 2 (1939-1945).
Trong khi đó, Đội không quân bờ biển của RAF giúp quân đồng minh tiêu diệt những tàu ngầm của phát xít Đức ở Đại Tây Dương.
Kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, RAF vẫn là một lực lượng không quân quan trọng trên thế giới, thực hiện sứ mạng của quân đội Anh và đồng minh. Mặc dù không còn đóng vai trò chiến lược, nhưng các máy bay tiêm kích ném bom của RAF hiện vẫn tiếp tục hỗ trợ phòng thủ cho NATO.
Không quân Mỹ
Máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ cùng các vũ khí mang theo - Ảnh: Không quân Mỹ
Không quân Mỹ hay còn gọi là Không lực Mỹ (USAF) hình thành vào ngày 18.9.1947, là lực lượng bao gồm Không quân Quân đội Mỹ (USAAF), Cục Không quân Quân đội Mỹ và Quân đoàn Thông tin Quân đội Mỹ.
Trong giai đoạn 1941 và 1945, USAAF, với chiến thuật ném bom, đã cung cấp sức mạnh từ trên không cho quân đồng minh giúp đánh bại quân đội đế quốc Nhật Bản và phát xít Đức.
Mặc dù quân đội Mỹ có những thay đổi về mặt chiến lược gây cản trở sự phát triển sức mạnh của Không quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên, nhưng Không quân Mỹ vẫn đóng vai trò then chốt trong những hoạt động quân sự của Mỹ trong hai cuộc chiến này.
Ngày nay, Không quân Mỹ là lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới. Năng lực tấn công, hậu cần và giành ưu thế trên không của Không quân Mỹ đã giúp Mỹ có nhiều lợi thế và có thể tham chiến ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Không quân Hải quân Mỹ
Không quân Hải quân Mỹ gắn liền với các tàu sân bay - Ảnh: Hải quân Mỹ
Hải quân Mỹ lần đầu tiên cho máy bay cất cánh từ tàu chiến USS Birmingham (được cải tiến để có thể chở máy bay) vào năm 1911. Từ đó Hải quân tiến hành chương trình tàu sân bay, đóng mới hoặc nâng cấp các tàu chiến có sẵn để chúng có khả năng chở máy bay. Chương trình đóng tàu sân bay của Mỹ được đánh là thành công hơn quân đội Anh.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, không quân Hải quân Mỹ đã giúp quân đội nước này giành chiến thắng trong trận chiến Đại Tây Dương, bảo vệ tàu chiến quân đồng minh và tiêu diệt nhiều tàu ngầm của phát xít Đức.
Ở Thái Bình Dương, không quân Hải quân Mỹ giúp đánh lùi lực lượng Nhật trong giai đoạn 1943-1944. Hải quân Mỹ vận hành hơn 100 tàu sân bay thuộc nhiều kích cỡ khác nhau, cùng với hàng loạt thủy phi cơ, máy bay cất cánh từ đất liền, và máy bay ném bom chiến lược phục vụ mục tiêu săn ngầm.
Không quân Hải quân Mỹ đóng vai trò quan trọng trong những cuộc xung đột thời Chiến tranh lạnh và hậu Chiến tranh lạnh. Lực lượng này được đánh giá là lực lượng không quân thuộc hàng mạnh nhất thế giới, có khả năng tiến hành bất kỳ sứ mạng nào đòi hỏi dùng đến không quân, với 10 tàu sân bay hạt nhân (cùng với 8 hàng không mẫu hạm hạng nhẹ).
Không quân Hải quân đế quốc Nhật Bản
Máy bay tiêm kích A6M “Zero”, thứ vũ khí đáng gờm của Nhật Bản thời chiến tranh thế giới thứ 2 - Ảnh chụp màn hình Youtube
Hải quân đế quốc Nhật Bản đã bắt đầu chương trình không quân hải quân trong những năm trước chiến tranh thế giới lần 1. Vào năm 1922, Hải quân đế quốc Nhật Bản có tàu sân bay đầu tiên HIJMS Hosho, đây là chiến hạm đầu tiên trên thế giới được đóng với mục tiêu làm tàu sân bay. Từ đó, Không quân Hải quân đế quốc Nhật Bản tăng cường phát triển lực lượng.
Không quân Hải quân đế quốc Nhật Bản có loại máy bay tiêm kích A6M “Zero”, được đánh giá là máy bay hoạt động trên tàu sân bay tốt nhất thế giới trong thời chiến tranh thế giới lần 2.
Các máy bay quân sự, phi công và tàu sân bay của Hải quân Nhật Bản thống trị Thái Bình Dương trong vòng 6 tháng thời chiến tranh thế giới thứ 2, từng tấn công Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đánh chìm 5 tàu chiến và gây hư hỏng ba tàu chiến khác trong trận tấn công Trân Châu Cảng ngày 7.12.1941.
Ba ngày sau đó, vào ngày 10.12.1941, Không quân Hải quân Nhật Bản đánh chìm thiết giáp hạm Prince of Wales và Repulse của Hải quân Hoàng gia Anh. Sau đó, hạm đội tàu sân bay của Hải quân Nhật Bản đánh đuổi Hạm đội Cực Đông của Anh sâu vào Ấn Độ Dương, tiến hành những đợt tấn công lớn từ Columbo đến Darwin (Úc), tàn phá lực lượng Hải quân Anh và Úc.
Nhưng cuối cùng, sức mạnh Không quân Hải quân đế quốc Nhật Bản trở nên yếu ớt. Những yêu cầu khắc nghiệt trong quá trình tuyển chọn phi công mới khiến họ không thể tuyển được nhiều phi công. Bốn tàu sân bay của Nhật bị hủy diệt trong trận hải chiến Midway ở Thái Bình Dương (từ 4 - 7.6.1942) cũng làm giảm thiểu sức mạnh Hải quân đế quốc Nhật Bản.
Bên cạnh đó, công nghệ máy bay quân sự Mỹ dần dần cải thiện và qua mặt Nhật Bản lúc bấy giờ. Không quân Hải quân Nhật Bản xem như đã chết khi bại trận trước Mỹ trong trận chiến ở biển Philippines, còn được gọi là "Cuộc bắn gà ở quần đảo Mariana" diễn ra từ ngày 19 - 20.6.1944. Khi đó, Nhật Bản mất đến 475 máy bay và 3 hàng không mẫu hạm.
Không quân phát xít Đức Luftwaffe
Máy bay ném bom Junkers Ju 88 của không quân phát xít Đức - Ảnh chụp màn hình Youtube
Theo Hòa ước Versailles ký kết nhằm kết thúc chiến tranh thế giới thứ 1 (1914 - 1918), Đức không được phép có không quân.
Nhưng trong thời gian giữa chiến tranh thế giới lần 1 và 2, phát xít Đức âm thầm huấn luyện phi công, phát triển lực lượng không quân, vi phạm Hòa ước Versailles.
Và quân đội phát xít Đức thành lập lực lượng không quân Luftwaffe vào năm 1935 trước khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ vào năm 1939. Và người dân Anh sẽ không bao giờ quên được Blitz, là cuộc oanh kích dữ dội của Luftwaffe nhắm vào các thành phố Anh trong chiến tranh thế giới thứ 2, từ ngày 7.9.1940 đến 10.5.1941 (267 ngày đêm).
Mặc dù Luftwaffe chỉ tồn tại trong vòng 10 năm, nhưng trong khoảng thời gian đó, Luftwaffe đã làm thay đổi bản đồ châu Âu khi hỗ trợ quân đội phát xít Đức chinh phục gần hết châu Âu.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền phát xít Đức, chỉ trong vòng vài năm các kỹ sư máy bay đã xây dựng Luftwaffe trở thành lực lượng không quân hùng mạnh trong lịch sử, nhưng cuối cùng cũng bị quân đồng minh qua mặt về sức mạnh không quân.
Cuối cùng, bài viết cho rằng trong vài thập niên tới, không quân của quân đội Trung Quốc và Ấn Độ, mặc dù thiếu kinh nghiệm tham chiến, nhưng có thể trỗi dậy đứng vào hàng những lực lượng không quân hùng mạnh của thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.