Bán lẻ xăng dầu trước nguy cơ lập lại viễn cảnh chiết khấu 0 đồng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/02/2024 16:30 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh chiết khấu từ doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối đưa về tiếp tục bị "bóp" dưới mức chi phí trong thời gian dài, thậm chí nhiều nơi chỉ còn 0 đồng.

Chiết khấu bán lẻ xăng dầu giảm dần

Liên tục trong nhiều ngày qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước cho hay, mức chiết khấu - thù lao bán hàng của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu - giảm liên tục, dao động từ 50 - 200 đồng/lít. Với mức thù lao này, sau khi trừ chi phí vận chuyển, nhân công, hao hụt, quản lý bán hàng... các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khẳng định họ đang lỗ nặng.

Sáng 1.2, Công ty Petro Times thông báo chiết khấu đối với mặt hàng dầu diesel 550 - 600 đồng/lít, nhưng với các mặt hàng xăng chỉ còn 50 đồng/lít, lấy hàng tại các kho khu vực phía bắc. Còn kho Nhà Bè (TP.HCM), doanh nghiệp này chỉ thông báo chiết khấu đối với mặt hàng dầu 600 đồng/lít, không thấy thông báo mức chiết khấu của xăng.

Trước đó 2 ngày, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng cho hay, chiết khấu với xăng, lấy hàng từ kho của các thương nhân phân phối báo về 200 - 250 đồng/lít, tập trung hàng từ kho khu vực Hải Phòng. Các kho xăng thuộc khu vực miền Trung như Phú Yên, Bình Định cũng báo mức chiết khấu với xăng chỉ 100 đồng/lít, dầu cao hơn.

Trao đổi với Thanh Niên, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thuộc vùng 2 (xa cảng, xa kho...) cho hay, hiện một lít xăng bán ra, doanh nghiệp đang lỗ khoảng 700 - 800 đồng/lít, do phải bù các chi phí vận chuyển, vận hành cửa hàng, chi phí bán hàng và lương nhân viên.

Bán lẻ xăng dầu trước nguy cơ lập lại viễn cảnh chiết khấu 0 đồng- Ảnh 1.

Một cây xăng tại quận 8, TP.HCM đóng cửa bán liên tục mấy ngày qua

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tại sao chiết khấu xăng dầu lại giảm đột ngột như vậy? Chủ một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho hay, bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu nói do giá thế giới biến động khó lường, nay giảm mai tăng, nên nguồn cung nhập khẩu vừa đủ để cung cấp cho hệ thống. Hơn nữa, các doanh nghiệp đầu mối tư nhân bị thu hồi giấy phép do vi phạm, nguồn nhập sẽ được Bộ Công thương phân giao lại, nên có thể nguồn cung bị hạn chế trong ngắn hạn.

Trước đó, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã yêu cầu cục hải quan các tỉnh thành dừng thủ tục hải quan với xăng dầu, nguyên liệu của Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) và Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil. Lý do, Bộ Công thương đã thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Hải Hà Petro và Xuyên Việt Oil. Nên hai công ty này không đủ điều kiện thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu để pha chế.

Hải Hà Petro là một trong những đầu mối kinh doanh xăng dầu bị Bộ Công thương thu hồi giấy phép do lạm dụng Quỹ bình ổn giá, nợ thuế hôm 12.1. Doanh nghiệp này có mạng lưới đại lý, cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng NinhThái Bình. Trong khi đó, Xuyên Việt Oil đã bị Bộ Công thương thu hồi giấy phép từ tháng 8.2023 vì nợ Quỹ bình ổn và vi phạm về thuế. Doanh nghiệp này khi chưa bị rút giấy phép, nắm khoảng 40% thị phần xăng dầu tại khu vực TP.HCM và một số tỉnh Nam Trung bộ.

Bộ Công thương "hỏa tốc" chỉ đạo

Trao đổi với Thanh Niên, một số doanh nghiệp bán lẻ cho hay, tình trạng "bóp" chiết khấu, cấp hàng tuy chưa siết nhưng giới hạn bằng hình thức phải báo trước 1 ngày, số lượng lấy bao nhiêu... của nhà phân phối cho thấy nguồn cung không mấy dồi dào trong giai đoạn này.

Trước nguy cơ có thể khan hàng vào dịp tết, ngày 30.1, Bộ Công thương có công văn đóng dấu "hỏa tốc" gửi thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu; thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu yêu cầu đảm bảo nguồn cung.

Theo đó, Bộ đề nghị các thương nhân xăng dầu thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng và Chỉ thị của Bộ Công thương về giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

"Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh", Bộ Công thương nhấn mạnh và yêu cầu các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu chủ động nguồn cung, thực hiện việc dự trữ; còn các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn cung, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.

"Trong mọi tình huống, phải cung cấp đủ xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên", Bộ Công thương chỉ đạo.

Trước tình trạng chiết khấu giảm mạnh, công văn hỏa tốc của Bộ Công thương cũng lưu ý các bên "chú trọng chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý" để đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.