Bán sách giá cao bất hợp lý: Kiến nghị NXB Giáo dục VN phải nộp lại tiền

31/12/2022 07:20 GMT+7

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải nộp ngân sách toàn bộ số tiền mà gia đình học sinh đã mua sách giáo khoa với giá cao bất hợp lý, trước mắt là hơn 85 tỉ đồng.

Trong thông báo kết luận thanh tra vừa được ban hành, Thanh tra Chính phủ (TTCP) kiến nghị chuyển tới Bộ Công an 2 vụ việc “có dấu hiệu lợi ích nhóm về sách bài tập” và “lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in có nhiều bất thường”, xảy ra tại Bộ GD-ĐT và Công ty TNHH MTViệt Nam Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD Việt Nam). TTCP còn “điểm mặt” hàng loạt vi phạm của 2 đơn vị nêu trên trong công tác quản lý nhà nước, in ấn, xuất bản sách giáo khoa (SGK).

Từ năm 2014 đến hết tháng 8.2019, giá trị lãng phí tạm tính cho gia đình học sinh và xã hội lên tới gần 2.400 tỉ đồng

NGỌC THẮNG

Tại Bộ GD-ĐT, khi biên soạn SGK theo Nghị quyết 40/2000 của Quốc hội, bộ này thiết kế một số bảng số liệu để trống nên học sinh (HS) có thể viết vào SGK. Cơ quan thanh tra xác định, từ năm 2014 đến hết tháng 8.2019, 73/193 cuốn SGK HS có thể viết vào sách đã được in, phát hành và bán, với tổng số hơn 303 triệu bản. Nếu tính 65% SGK có các trang sách HS có thể viết vào không dùng lại được, giá trị lãng phí tạm tính cho gia đình HS và xã hội lên tới gần 2.400 tỉ đồng.

Tại NXBGD Việt Nam, giai đoạn 2014 - 2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in SGK và hạch toán của đơn vị này có sai sót dẫn đến gia đình HS phải mua SGK bằng giá NXBGD Việt Nam đã đăng ký giá từ năm 2011, cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá, với số tiền hơn 85 tỉ đồng.

Cùng với đó, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in, nhà thầu in, phát hành, kinh doanh SGK còn một số vi phạm, dẫn đến giá SGK đã được NXBGD Việt Nam đăng ký từ năm 2011 cao bất hợp lý.

TTCP nhận định NXBGD Việt Nam có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng độc quyền bị cấm theo quy định của luật Cạnh tranh; xây dựng mức giá để đăng ký giá sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực giá, quy định về đăng ký giá SGK.

Từ những vi phạm đã nêu, TTCP kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo, yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thực hiện nghiêm nội dung “không tạo cơ hội cho HS viết, vẽ vào SGK” và “SGK được sử dụng lâu dài”, hạn chế tối đa việc HS viết, vẽ vào SGK; đồng thời ban hành ngay quy định về sử dụng lại SGK để không lãng phí cho gia đình HS, xã hội.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, ban hành chỉ thị chấn chỉnh việc lựa chọn tài liệu tham khảo của cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn tài liệu tham khảo của cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước.

TTCP cũng kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra các yếu tố hình thành giá SGK từ năm 2011 của NXBGD Việt Nam, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý.

Sau khi Bộ Tài chính ban hành kết luận, NXBGD Việt Nam nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền gia đình HS đã mua SGK cao hơn giá SGK mà đơn vị phải đăng ký đúng giá từ năm 2011 đến nay (trong đó có hơn 85 tỉ đồng mà gia đình HS mua sách giá cao do hạch toán sai).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.