TNO

Bạo lực học đường: Đừng để áo học trò vấy bẩn

26/12/2014 14:35 GMT+7

(Tin Nóng) Mới 15 tuổi, gương mặt còn non choẹt, thế nhưng cậu bé P. C. B. phải đứng trước vành móng ngựa và nhận án đến 11 năm tù vì tội “giết người” trong phiên toà diễn ra tại Đắk Lắk ngày 25.12.2014 vừa qua. Bản án này lại như một hồi chuông báo động cho nạn bạo lực học đường.

(Tin Nóng) Mới 15 tuổi, gương mặt còn non choẹt, thế nhưng cậu bé P. C. B. phải đứng trước vành móng ngựa và nhận án đến 11 năm tù vì tội “giết người” trong phiên toà diễn ra tại Đắk Lắk ngày 25.12.2014 vừa qua. Bản án này lại như một hồi chuông báo động cho nạn bạo lực học đường.


Một cảnh học trò đánh nhau được quay clip rồi tung lên mạng - Ảnh cắt từ clip

Cũng như nhiều vụ đâm chết bạn học trong hoặc ngay trước cổng trường, câu hỏi đặt ra là vì sao học trò đi học thời nay lại có nhiều em, không chỉ nam mà còn cả nữ, mang hung khí theo khi vào trường? Đó là một phương thức “tự vệ” hay mang ý định tấn công dù là vô thức? Chuyện học trò đánh nhau thì thời nào cũng có, nhưng vì sao thời nay lại có những trò nhục hình đáng sợ như đánh đập dã man, cắt tóc, lột trần nạn nhân giữa đám đông để được hò reo tán thưởng?

Những thống kê gần đây cho thấy nhà trường có lẽ không còn là nơi tuyệt đối an toàn cho người đi học. Viện nghiên cứu y - xã hội học và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam gần đây đã thống kê và cho thấy có đến 80% học sinh từng bị bạo lực học đường ít nhất một lần. Không chỉ là các hình thức bạo hành tay chân, các nhà xã hội học còn phân biệt thêm các loại bạo lực khác như vu khống, nói xấu, chê bai, dè bỉu… Riêng những trường hợp này, thống kê của thạc sĩ Đinh Anh Tuấn, khoa Tâm lý giáo dục và công tác xã hội thuộc đại học Quy Nhơn trình bày tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường” diễn ra vào ngày 24.12.2014,  nghiên cứu trên tám trường phổ thông tại thành phố Quy Nhơn cho thấy, có đến 60% học sinh là nạn nhân.

Nhiều người, kể cả người trong ngành giáo dục, tỏ ý trách nhà trường là không đủ năng lực để giáo dục nhân cách cho học sinh. Thế nhưng điều cần phải thấy ở đây chính là sự “xâm thực”, vẩn đục từ xã hội bên ngoài vào nhà trường. Chẳng có nhà trường nào dạy dỗ học sinh bạo lực cả, điều mà các học sinh thực hiện những hành vi bạo hành đa số là tiêm nhiễm từ xã hội và gia đình.

Hãy điểm qua các vụ án nghiêm trọng đâm chết bạn bè. Đa số các em gây án là những học sinh bị liệt vào nhóm “cá biệt” vì học hành kém, thường vô kỷ luật và có những mối quan hệ với những phần tử bất hảo bên ngoài. Một số trường hợp các hành động bạo lực của các em còn nhận được sự kích động hay hỗ trợ của người thân, gia đình. Có thể dẫn chứng ở đây một vụ tiêu biểu, vụ nữ sinh L. T. H. T thuộc trường THCS Đồng Tâm, Hà Nội, đâm chết một bạn học và làm trọng thương một bạn khác vào năm ngoái chỉ vì thấy “ngứa mắt”. Trước đó, những hành vi bạo lực của em này đối với các nạn nhân không những không bị ngăn cấm mà còn được cha và anh trai cô này ủng hộ…

Có mối liên hệ nào giữa nạn bạo lực học đường và thế giới mạng không? Vì sao có sự song hành giữa sự gia tăng nạn bạo hành ấy và sự xuất hiện ngày càng nhiều những video clip quay khá tỉ mỉ những cảnh tượng đánh đập, hành hạ dã man ấy?  Thậm chí nhiều vụ bạo hành đơn giản chỉ xuất phát từ những lời nói xấu nhau trên facebook.

Theo các nhà xã hội học, đó là vì có sự gia tăng của “hội chứng  tự yêu” (Narcicist) nơi giới trẻ trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Một sự “chứng tỏ”, “thể hiện” mình dù ở phương cách tiêu cực như bạo hành và được nghĩ là có nhiều người ủng hộ trên mạng cũng là một cách để thể hiện “cái tôi” của mình, nhất là những người ở vào độ tuổi thanh thiếu niên.

Khó có thể trách nhà trường và các giáo viên trong chuyện bạo lực học đường, bởi vì họ phải “quản” một lượng học sinh vừa quá đông vừa xuất thân từ nhiều môi trường văn hoá gia đình khác nhau. Chuyện uốn nắn từng cá nhân một trong nhà trường là điều bất khả và chuyện mỗi trường có những chuyên viên tâm lý là còn quá xa vời. Những kiến thức nhân bản thì thời nào học trò lại không được dạy dỗ kỹ lưỡng ở các trường học.

Thế cho nên vấn đề hạn chế nạn bạo lực học đường đầu tiên nên xuất phát từ gia đình, những tế bào xã hội. Đừng để các tà áo dài tha thướt, những bộ đồng phục tinh tươm của tuổi học trò phải vấy bẩn trước khi bước vào cổng trường; để rồi sau đó lại đổ lỗi cho thầy cô, cho nền giáo dục...

Đoàn Đạt

>> Ghen tuông, học sinh lớp 8 'xử' bạn bằng dao
>> Cướp giật, 4 học sinh bị bắt
>> Sàm sỡ, giết người dã man, một học sinh lớp 12 bị bắt
>> Hỗn chiến vì mâu thuẫn trên Facebook, một học sinh bị đâm chết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.