Bất cập trong việc phân làn xe

14/02/2009 22:50 GMT+7

Có nhiều nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại TP.HCM, trong đó phải kể đến việc bố trí phân luồng xe không phù hợp.

Ông Nguyễn Minh Đồng - Việt kiều Đức, một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, nhà ở Q.2, hằng ngày phải qua cầu Sài Gòn để vào trung tâm thành phố. Chiếc cầu này mỗi bên có 2 làn đường xe ô tô, gồm 1 làn dành cho ô tô con, làn còn lại dùng chung cho ô tô tải và ô tô khách. Giờ cao điểm, ô tô tải bị cấm vào nội thành nên làn xe này hầu như trống vắng, trong khi ô tô con thì nối đuôi nhau trên làn quy định để qua cầu. Câu hỏi được đặt ra là tại sao cơ quan chức năng không cho phép ô tô con chạy vào làn của ô tô khách và ô tô tải trong những giờ cao điểm để giải tỏa lượng xe ùn ứ trên cầu. Cảnh bất hợp lý này diễn ra hằng ngày và đó là một trong rất nhiều ví dụ cụ thể về tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Minh Đồng còn bỏ ra hơn 1 tháng trời để đi khảo sát tại nhiều tuyến đường, các giao lộ... rồi đưa ra nhận định: tình hình giao thông ở TP.HCM sẽ không đến nỗi bị ùn tắc nếu việc phân luồng giao thông được tổ chức lại một cách hợp lý, khoa học bên cạnh việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho mọi người. Ông Đồng nêu lên tình trạng ùn tắc giao thông thường xảy ra tại các nút vòng xoay mà ngã bảy Dân Chủ (Q.3, Q.10) là một điển hình. Tại đây, vào bất cứ thời điểm nào, dù giờ cao điểm hay thấp điểm, xe cộ đều qua lại rất lộn xộn, không theo một trật tự, quy luật nào. Tất cả các loại xe từ nhiều hướng đường (Võ Thị Sáu, Nguyễn Phúc Nguyên, Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai) đều đổ dồn vào vòng xoay, rồi tự xoay trở để thoát ra một cách cực nhọc. Ông Đồng nói: Nếu đi theo đúng quy định hiện nay, ô tô khi vào các nút giao thông như thế này đều phải ôm sát vòng xoay chứ không được chạy vòng ngoài. Cho xe chạy vô trong đã khó, khi ra càng khó vì muốn rẽ trái để thoát ra khỏi vòng xoay đều phải cắt qua đầu hàng loạt chiếc xe khác. Điều này dễ xảy ra va quệt, thậm chí tai nạn, dẫn đến ùn tắc giao thông. Tại vòng xoay này, trước đây có thời gian Sở Giao thông - Công chính (nay là Sở Giao thông vận tải) sử dụng đèn tín hiệu để giảm bớt lượng xe vào bên trong nút (giải pháp này đang được áp dụng tại vòng xoay Hàng Xanh, vòng xoay Lăng Cha Cả, ngã sáu Phù Đổng...). Cách giải quyết là nên có đèn tín hiệu giao thông để giảm lượng xe vào nút, đồng thời cho phép xe được trộn dòng, xe nào muốn rẽ phải thì chạy ở làn bên phải, muốn rẽ trái thì cứ việc ôm sát vòng xoay... "Nguyên tắc” này cũng cần được áp dụng cả ở các ngã ba, ngã tư. Hiện nay, nếu tài xế tuân thủ cứng nhắc quy định phân làn thì sẽ rất vất vả khi cho xe quẹo trái hoặc quẹo phải. Ví dụ xe đi trên đường Điện Biên Phủ hướng từ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm vào gặp đường Đinh Tiên Hoàng bắt buộc phải rẽ phải. Nếu vẫn đi theo đúng làn đường quy định thì việc cho xe rẽ phải sẽ không thuận lợi so với việc cho xe chuyển làn sang bên phải sớm hơn. Hướng giải quyết, theo ông Đồng là nên cho phép những xe sắp quẹo phải được chuyển làn sang hẳn bên phải và xe sắp quẹo trái được chuyển sang hẳn làn đường bên trái trước khi đến các giao lộ.

 
Một cảnh lưu thông lộn xộn do đường bị ùn xe - Ảnh: M.Vọng

Cũng trên những con đường một chiều, việc đón xe taxi sẽ rất khó đối với hành khách đứng bên trái đường vì xe không được phép dừng, đậu bên trái. Muốn sang bên phải đường thì hành khách phải tới giao lộ có đường dành cho người đi bộ, rồi phải đi tiếp một đoạn nữa vì taxi không được phép dừng đậu đón khách tại giao lộ. Ông Đồng đề nghị nên tổ chức những điểm cho phép ô tô được dừng đón, trả khách ở làn bên trái của những tuyến đường một chiều. Theo ông Đồng, việc chỉnh sửa những quy định bất cập về phân làn hiện nay sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Tất nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành luật giao thông của mọi người.

Bạn Mỹ Phương - sinh viên khoa Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM đề xuất: Tại các giao lộ ngã ba, ngã tư thường thấy tình trạng lấn ép, cản trở nhau của các phương tiện đi thẳng và rẽ trái, từ đó dẫn tới ùn tắc. Ngoài ra phần đường dành cho người đi bộ không được thông suốt cũng góp phần gây thêm cản trở. Giải pháp đơn giản, đỡ tốn kém và có thể thực hiện ngay là lắp đặt đèn tín hiệu rẽ trái. Trong giờ cao điểm, khi luồng xe cộ đang di chuyển vẫn thường thấy có một vài phương tiện đi thành từng nhóm nhỏ đâm ngang gây cản trở. Tình trạng này xảy ra nhiều lần sẽ gây nên ách tắc dòng giao thông đông đúc chỉ vì một vài cá nhân. Vì vậy nên làm dải phân cách liên tục trên toàn bộ tuyến đường, thay vào đó bố trí cho phép quay xe ở các giao lộ. Như vậy, hệ thống đèn tín hiệu giao thông sẽ bao gồm: đèn tín hiệu cũ (ô tô đi thẳng, xe máy đi thẳng, xe máy rẽ phải, người đi bộ); đèn tín hiệu rẽ trái và quay xe (ô tô, xe máy rẽ trái và quay xe); đèn tín hiệu rẽ phải dành cho ô tô.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.