Bờ rào miền Tây

29/10/2022 09:30 GMT+7

Mỗi lần về nhà dượng ở miền Tây, tôi đều thật sự ngỡ ngàng và mê mẩn khi nhìn thấy những bờ rào xanh mướt màu cây lá. Tuy rất đỗi mộc mạc, chân quê nhưng lại "gây thương gây nhớ".

Nhà dượng tôi ở xã An Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) có cái bờ rào bằng hàng mai chấn thủy đã tồn tại ngót nghét đã ba mươi hai năm. Ba mươi hai năm, bằng đúng số năm dượng với dì nên duyên chồng vợ. Và cái bờ rào ấy bao bọc nhà dì dượng suốt hơn ba mươi mùa nắng mưa.

Những bờ rào xanh mướt màu cây lá ở miền Tây "gây thương gây nhớ"

n.x.p

Dượng kể, ở xã này có nhiều nhà còn giữ vẹn nguyên những bờ rào kiểu xưa cũ. Như cách nhà dượng vài căn, có nhà cô Bé Bảy cũng có cái bờ rào bông trang tuyệt đẹp. Nhà cô Bé Bảy được dựng lên khoảng 18 năm, cũng là chừng ấy thời gian cái bờ rào bông trang khoe sắc rực đỏ quanh nhà, chứng kiến đủ đầy những thăng trầm, chát cay mặn đắng của cuộc đời người đàn bà góa phụ.

Nhà cha ruột của dượng ở xóm trên cũng có cái bờ rào được tạo hình từ những cây ngâu thẳng tắp bốn bên nhà. Mà mỗi lần ai đi qua cũng "mắt tròn mắt dẹt" để rồi phải thốt lên cảm thán: "Chao ôi là đẹp!".

Bản thân tôi từng đã nhiều lần được đặt chân ghé đến An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang.... Có một điểm chung, là dù ở địa phương nào tôi cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng những bờ rào dung dị, thanh bình và yên ả. Những cây chuỗi ngọc, những cây dâm bụt, những cây ngâu, những cây ngải cứu, những cây cúc tần..., được người miền Tây chọn lựa trồng quanh nhà. Họ dày công chăm chút từng li từng tí. Rồi cắt tỉa, tạo hình đều đặn mỗi ngày. Và theo thời gian, chúng đã trở thành những bờ rào "rặt" miền Tây.

Có lần tôi hỏi dượng, sao không làm hàng rào bằng bê tông, gạch đá cho kiên cố? Dượng chẳng nói chẳng rằng gì cả. Dượng chỉ ngó qua nhà bên cạnh gọi: "Ông Tư Quang! Qua đây hớp ngụm trà với tui". Người hàng xóm nhanh chóng đáp lại: "Đợi xí! Tui qua liền!".

Dượng cười giòn tan, cháu thấy đó, nếu làm "kín cổng cao tường" che khuất thì sẽ "gần nhà xa ngõ", làm sao có cái không gian giao tiếp với hàng xóm một cách thoải mái như thế được. Bao nhiêu năm đã vậy, thôi thì cứ để vậy. Và bên chum trà, qua câu chuyện của hai người đàn ông miền Tây thuần hậu, tôi chợt nhận ra, với họ, cái bờ rào có thể là cái mốc để phân chia ranh giới giữa các gia đình với nhau. Tuy nhiên, chỉ phân chia chứ không hề ngăn cách. Cái bờ rào bằng hàng mai chấn thủy vẫn cứ tồn tại theo năm tháng. Dẫu mộc mạc, giản đơn nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao khi thấm đượm tình quê và sự gắn kết cộng đồng. Cái bờ rào tạo cảm giác gần gũi, man mác ấy nằm uy nghiêm, trầm mặc với thời gian như là "chứng nhân" cho... ti tỉ cuộc hàn huyên chuyện trò của dượng với bà con lối xóm. Cũng cái bờ rào ấy đã chứng kiến tình nghĩa xóm làng thêm bền chặt khi cả... vạn lần trở thành nơi để những người dân quê miệt vườn này trao nhau những bát canh, con cá, mớ rau...

Có một điều thật sự thú vị, là dượng tôi hay ông Tư Quang đều chẳng dùng từ "hàng rào" mà nói đó là "bờ rào". Ông Tư Quang giải nghĩa, "hàng rào" nghe là thấy toát lên sự kiên cố. Giống như một bức tường, tựa như sự ngăn cách, rào cản người khác. "Hàng rào" có lẽ sẽ cản trở tình làng nghĩa xóm "tối lửa tắt đèn có nhau". Còn "bờ rào", cái nghĩa của nó linh hoạt hơn, thoải mái hơn. "Bờ rào" sẽ giúp khoảng cách của xóm láng giềng gần xích lại gần nhau hơn, khi phảng phất sự bao dung, giống như cái tính hào phóng, nghĩa tình vốn là tính cách đặc trưng của người miền Tây.

Dượng kể, khoảng chục năm trước ở miền Tây, những bờ rào xanh còn hằng hà sa số, hiện diện khắp các tỉnh. Có bờ rào nhìn vào vô cùng cuốn hút, mê đắm. Có bờ rào níu chân người lạ bởi vẻ đẹp mềm mại, nên thơ. Có bờ rào tạo nên nét kiều diễm kiêu sa với sự hấp dẫn lạ lùng, khó cưỡng. Có bờ rào càng nhìn càng thấy thích mắt... Dù những bờ rào ấy chỉ được tạo nên bởi những cây đinh lăng, đinh hương, sử quân tử, trắc bách diệp, ngâu, dâm bụt... nhưng khi được người miền Tây dồn cả cái tâm, sự khéo léo và tinh tế của mình trong những lần chăm sóc, tạo dáng, uốn thế, họ đã "thổi hồn" cho chúng trở thành những bờ rào vừa chắc chắn, vững chãi, lại vừa có tính mỹ thuật cao như những công trình kiến trúc nghệ thuật.

Nhưng rồi khi cuộc sống chuyển mình theo xu hướng phát triển của thời đại, những bờ rào xanh cũng vơi dần đi và chỉ còn trong hoài niệm, trong vô vàn ký ức xa xăm. Thay vào đó là những hàng rào bê tông nặng nề, vô cảm, vô hồn và khô khốc.

Dượng thở dài, bảo hơi chạnh lòng và tiếc nuối nhưng biết làm gì được. Chỉ ước mong sao nhà nào còn những bờ rào truyền thống đầy thân thiện với môi trường thì hãy nâng niu và lưu giữ lại. Để qua đó có thể bảo tồn, phát huy và lưu truyền cái bản sắc văn hóa, và cũng là cái di sản, cái nét đặc trưng của hồn cốt làng Việt ngày xưa.

Khi viết những dòng này, tôi lại thấy lòng mình dâng lên ăm ắp những dư vị bình yên, trong lành và dân dã của những bờ rào bằng cây xanh "rặt" miền Tây. Chắc hẳn là một ngày không xa, tôi lại về miền đất ấy, để thả hồn mình vào không gian làng quê thoáng đãng với những bờ rào "gây thương gây nhớ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.