Bộ TT-TT nói về 'sự cố' Facebook

Thu Hằng
Thu Hằng
06/03/2024 22:14 GMT+7

Việc Facebook 'sập' tối 5.3 khiến người sử dụng mạng xã hội xuyên biên giới sẽ có ý thức hơn trong việc đổi mật khẩu; tạo bảo mật 2 lớp để phòng tránh lừa đảo. Ở một góc nhìn khác mang lại 'giá trị tích cực' cho người dùng Việt Nam.

Đây là chia sẻ của ông Trần Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ TT-TT ngày 6.3, trước câu hỏi của báo chí liên quan đến "sự cố" Facebook.

Bộ TT-TT nói về 'sự cố' Facebook- Ảnh 1.

Ông Trần Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin

THẢO ANH

Theo ông Trần Quang Hưng, "sự cố" Facebook tối 5.3 khiến hàng triệu người dùng không thể đăng nhập được vào nền tảng này cho thấy người dùng tại Việt Nam đang lệ thuộc khá nhiều vào Facebook và các mạng xã hội.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, người dùng đã chuyển sang các mạng xã hội khác như Zalo, Viber, Telegram… Ông Hưng nhìn nhận, việc Facebook bị "sập" còn là "tín hiệu tốt", không phải do Việt Nam đã có mạng xã hội để chia sẻ thông tin mà quan trọng là sau sự cố, người sử dụng mạng xã hội xuyên biên giới này sẽ phải "giật mình" lo lắng không biết mình có phải là nạn nhân của hacker hay không. Phần lớn người dùng đều có các biện pháp xác thực bảo mật, thay đổi mật khẩu.

Cảnh báo nguy cơ lừa đảo ăn theo 'sự cố' Facebook

Ở một góc nhìn khác, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin cho rằng, Facebook "sập" mạng cũng mang lại "giá trị tích cực" cho người dùng Việt Nam. Hiện, nhiều người dùng đang phụ thuộc vào các nền tảng mạng xã hội, nếu không có, không dùng biện pháp bảo mật tài khoản thì phần lớn sẽ mất tài khoản.

"Khi người dân có kiến thức căn bản, có các biện pháp để bảo vệ tài khoản của mình ngay cả khi bị tấn công thì cũng không lo lắng, hoang mang tới vậy", ông Hưng nói.

Còn theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Bộ TT-TT), khi phát hiện Facebook có dấu hiệu bất thường, người dùng nên thay đổi mật khẩu và sử dụng một mật khẩu mạnh, bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt.

Bước tiếp theo, báo cáo sự cố thông qua mạng xã hội hoặc các liên hệ khác như điện thoại, email. Thông báo cho bạn bè và người thân trong danh sách bạn bè về tình huống và cảnh báo họ không nên tin tưởng hoặc phản hồi vào những tin nhắn lừa đảo.

Ngoài ra, hãy luôn giữ cảnh giác và tuân thủ các biện pháp bảo mật cơ bản như: bật xác thực 2 yếu tố; không chia sẻ thông tin cá nhân và mật khẩu với bất kỳ ai; không bấm vào các liên kết không rõ nguồn gốc hoặc tin nhắn đáng ngờ; cập nhật phần mềm bảo mật định kỳ để tránh các lỗ hổng bảo mật.

Xem nhanh 12h ngày 6.3: Tỉ phú Elon Musk đăng bài mỉa mai trên X sau sự cố sập Facebook

Trong khi đó, các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo về các "dịch vụ" ăn theo chào mời lấy lại tài khoản, khôi phục mật khẩu Facebook nhằm lừa đảo, chiếm tài khoản, mật khẩu.

Trước đó, tối 5.3, hàng triệu người dùng Facebook, Instagram, Messenger trên khắp thế giới có thời điểm đột ngột bị "văng" khỏi các nền tảng này và không thể đăng nhập lại được. Nhiều người dùng báo cáo rằng Facebook đã tự động đăng xuất mà không có tùy chọn đăng nhập lại và vấn đề này xảy ra trên cả ứng dụng lẫn trang web Facebook. Nguyên nhân ngừng hoạt động vẫn chưa được xác nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.