BOT Phú Hữu sắp thu phí trên đường độc đạo, doanh nghiệp đồng loạt kêu cứu

15/05/2024 16:30 GMT+7

Sau khi UBND TP.HCM ban hành quyết định mức giá thu theo đề xuất của chủ đầu tư dự án BOT Phú Hữu, nhiều doanh nghiệp dịch vụ vận tải và xuất nhập khẩu đã lập tức gửi đơn cầu cứu đến lãnh đạo thành phố, bức xúc vì phí chồng phí.

Ngày 8.3, UBND TP.HCM ban hành Công văn số 705 về việc “Ban hành mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án BOT xây dựng đường nối từ Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, TP.Thủ Đức” nhằm thu hồi vốn đầu tư cho nhà đầu tư (Công ty Xi măng Hà Tiên - Vicem) đường Nguyễn Thị Tư. Mức thu cụ thể là 66.000 đồng/lượt/cont 20' và 133.000 đồng/lượt/cont 40'.

BOT Phú Hữu sắp thu phí trên đường độc đạo, doanh nghiệp đồng loạt kêu cứu- Ảnh 1.

Quá nhiều phí BOT, cầu đường "đè" doanh nghiệp logistics

Q.H

Khốn khổ vì phí chồng phí

Trong đơn kiến nghị vừa gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và Công ty Xi măng Hà Tiên, ông Lê Quang Lâm, Giám đốc Công ty QTL Logistics khẳng định rằng, việc triển khai kế hoạch thu phí cầu đường và trạm BOT trên đường Nguyễn Thị Tư  diễn ra vào thời điểm này thật sự không hợp lý, tạo thêm những áp lực không đáng có với hoạt động của đại đa số doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK).

Theo ông Lê Quang Lâm, tình hình XNK hàng hóa năm 2023 từ Việt Nam đi các nước giảm sút rất nghiêm trọng trong đa dạng các ngành hàng, đặc biệt là các ngành hàng trọng điểm như dệt may, da giày, gỗ... Trong khi đó, những chỉ số dự báo được cho là lạc quan nhất về tình hình kinh tế chung cho năm 2024 vẫn còn bỏ ngỏ, chưa khẳng định ngành XNK của Việt Nam sẽ khởi sắc trong thời gian ngắn sắp tới.

Trong bối cảnh đó, để đưa một container hàng hóa từ TP.HCM xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và ngược lại, hiện các doanh nghiệp XNK đã và đang phát sinh rất nhiều chi phí như: phí XNK mỗi container hàng hóa thông qua các cảng, hãng tàu, phụ phí XNK, thuế XNK; lệ phí cầu đường tại các trạm BOT hiện hữu. 

Cụ thể,  hàng từ các tỉnh phía đông - tây khi vận chuyển vào khu vực TP.HCM phải chịu thêm phí cầu đường tại trạm BOT Xa lộ Hà Nội (160.000 đồng/lượt xe, không phân loại container), trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (163.000 đồng/lượt/cont rỗng, 342.000 đồng/lượt/cont hàng).

Hàng từ các tỉnh phía nam thành phố bắt buộc phải trả phí BOT cầu Phú Mỹ (80.000 đồng/lượt xe) và BOT đường Nguyễn Văn Linh (35.000 đồng/lượt xe). Chưa kể, doanh nghiệp phải đóng phí cơ sở hạ tầng cảng biển cho TP.HCM (250.000 đồng/cont 20', 500.000 đồng/cont 40') và rất nhiều các chi phí phát sinh khác do hoạt động vận hành sản xuất.

Đáng chú ý, lãnh đạo QTL Logistics nhận định, nếu thu phí BOT đường Nguyễn Thị Tư, doanh nghiệp đưa hàng XKN vào các cảng khu vực Phú Hữu sẽ phải chịu phí chồng phí. Đây là khu vực tập trung nhiều cảng biển có những tuyến dịch vụ đặc thù, là cửa ngõ xuất/nhập khẩu nơi các chủ hàng đều mong muốn sử dụng dịch vụ, đồng thời tuyến đường này là huyết mạch độc đạo, xe ra vào bắt buộc phải trên cùng một tuyến đường. Vì thế, nếu thêm 1 trạm BOT, doanh nghiệp sẽ phát sinh 132.000 đồng/2 lượt/cont 20' và 266.000 đồng/2 lượt/cont 40'. 

"So sánh với các trạm BOT hiện hữu, chiều dài 2,6 km đường Nguyễn Thị Tư với mức thu phí cầu đường như vậy đang thực sự khá chênh lệch, ảnh hưởng rất lớn tới các chi phí XNK của chúng tôi, phát sinh không đáng có quá nhiều, trực tiếp đưa doanh nghiệp vào trạng thái bù lỗ trên mỗi chuyến vận tải" - ông Lê Quang Lâm chỉ rõ.

BOT Phú Hữu sắp thu phí trên đường độc đạo, doanh nghiệp đồng loạt kêu cứu- Ảnh 2.

Các doanh nghiệp lo ngại thêm trạm thu phí sẽ thêm kẹt xe đường vào cảng

ĐỘC LẬP

Đội vốn khủng, nguy cơ tắc nghẽn giao thông

Tương tự, Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương và Công ty TNHH Thương mại và Tiếp vận Việt Long cũng gửi đơn kêu cứu với cùng nội dung, nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch thu phí cầu đường và trạm BOT trên đường Nguyễn Thị Tư thời điểm này gây áp lực "quá khủng khiếp" lên doanh nghiệp XNK.

Với những doanh nghiệp có quy mô lớn như Công ty Chánh Dương, với số lượng hàng hóa XNK khoảng 140.000 cont/năm, chi phí sẽ đội lên rất nhiều.

Theo tính toán, mỗi chuyến hàng qua Trạm BOT Phú Hữu sẽ "cõng" thêm 10 USD. Chưa tính các xe tải nhỏ giao nhận hàng tại kho, chỉ với số lượng bình quân xe container ra/vào 2 cảng thuộc khu vực Phú Hữu khoảng 3.500 lượt/ngày (Cảng Tân Cảng - Phú Hữu 2.336 lượt xe/ngày và SP-ITC 1.168 lượt xe/ngày), thì tổng chi phí cho hàng container giao nhận qua 2 cảng sẽ đội thêm xấp xỉ… 13 triệu USD/năm.

"Hơn thế nữa, với khoảng cách từ ngã 3 đường Nguyễn Duy Trinh rẽ vào đường Nguyễn Thị Tư đến vị trí đặt trạm thu phí BOT chỉ khoảng 300m cùng mật độ xe container lưu thông lớn tại các thời điểm sau các khung giờ cấm thì việc duy trì khoảng cách quá ngắn để các xe nối đuôi nhau qua 2 lần ra/vào sẽ gây nguy cơ kẹt xe, tắc nghẽn nghiêm trọng khu vực này. Từ đó, càng ảnh hưởng việc lưu thông, quay vòng xe và phát sinh thêm chi phí nhiên liệu do kẹt xe, xe phải xếp hàng..." - các doanh nghiệp lo ngại.

Trước những khó khăn trên, lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải, XNK đề nghị UBND TP.HCM xem xét miễn giảm hoặc giảm trừ chi phí thu qua trạm; thay đổi phương án hoặc có phương án bù đắp riêng cho chủ đầu tư dự án BOT này. 

Năm 2012, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên được chấp thuận và bắt đầu thi công dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, trên địa bàn P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Con đường rộng 30m, dài 2,6 km, khởi công ngày 6.6.2012 với tổng mức đầu tư khoảng 461 tỉ đồng, theo phương thức BOT. Dự án được khai thác theo phương án hợp đồng trong vòng 24 năm. Đến nay, sau 12 năm đầu tư xây dựng, dự án BOT này đã hoàn thành và dự kiến sẽ vận hành, thu phí từ quý 3/2024.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.