Cẩn thận khi mua hàng trả góp

18/07/2013 11:00 GMT+7

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM vừa nhận được khiếu nại của anh N.Đ.D (ngụ Q.12, TP.HCM) về việc vay tiền mua xe trả góp qua một công ty tài chính với lãi suất lên đến... gần 65%/năm.

Vụ việc này được thỏa thuận: giá xe là hơn 36 triệu đồng, người mua trả trước cho cửa hàng xe 10.980.000 đồng, số tiền còn lại là 25.080.000 đồng vay trả góp hằng tháng qua một công ty tài chính. Nhưng để được vay, người mua xe phải mua bảo hiểm 2.615.000 đồng nên tổng số tiền vay lên đến 28.235.000 đồng. Mỗi tháng trả góp 2.138.000 đồng (chưa kể bị phạt 150.000 đồng/tháng nếu đóng tiền trễ 4 ngày trở lên). Tính ra, lãi suất lên đến 5,4%/tháng, tương đương 64,8%/năm; tổng số tiền người mua xe Air Blade phải trả lên tới 64.907.000 đồng.

Khổ hơn, anh Lê Thiết Dũng, ngụ đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM không chỉ bỏ ra số tiền gần gấp đôi (27.600.000 đồng) để mua xe Honda Wave RS giá 14.500.000 đồng sau hai năm trả góp mà còn phải chịu sự “ngang nhiên thay đổi điều kiện trong hợp đồng” của công ty cho vay.  “Theo thỏa thuận, chiếc xe Honda Wave RS được bán với giá 14,5 triệu đồng, tôi trả trước 6 triệu đồng, còn lại 8,5 triệu đồng trả góp, mỗi tháng trả 900.000 đồng. Trong hợp đồng có ghi rõ nếu tôi không trả đầy đủ khoản thanh toán hằng tháng đúng ngày quy định thì tôi sẽ phải trả lãi cho công ty trên khoản thanh toán phải trả với lãi suất bằng 0,5%/ngày, tính từ ngày phải thanh toán. Thế nhưng một thời gian ngắn sau, tôi đến đóng tiền thì nhận được thông báo rằng, tôi phải đóng phạt mức cao hơn nhiều. Tính ra, trong hợp đồng đó tôi đã bị cho vay với mức cắt cổ”, anh Dũng bức xúc.

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, những vụ việc vay tiền trả góp như trên là do người tiêu dùng và công ty tài chính thỏa thuận. Nên người tiêu dùng cần đọc thật kỹ hợp đồng, ngoài tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch và mức góp hằng tháng để “tự lượng sức mình”; còn phải để ý, nếu thấy điều khoản nào bất hợp lý thì phải yêu cầu điều chỉnh ngay. Bởi trong hợp đồng của các công ty cho thuê tài chính, phần thiệt thường thuộc về khách hàng, thậm chí có đơn vị ghi hẳn trong hợp đồng là đơn vị đó có quyền điều chỉnh tăng mức lãi suất hay mức phạt khi khách hàng đóng tiền trễ.

Cẩm Nhi

>> Hàng chục người “dính bẫy” mua xe trả góp giá rẻ
>> Xâm nhập đường dây lừa đảo mua xe trả góp: Công an vào cuộc
>> Xâm nhập đường dây lừa đảo mua xe trả góp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.