Cảnh vệ Hoàng gia

14/09/2010 04:50 GMT+7

(TNTS) Được đặt dưới sự điều động trực tiếp của Thủ tướng Hun Sen, cảnh vệ quân đội hoàng gia Campuchia được coi là “nắm đấm thép” có mặt ở mọi điểm nóng, sẵn sàng tác chiến chống khủng bố, chống bạo động và làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho thủ tướng và gia đình.

Lực lượng đặc biệt

Những tiếng súng nổ đanh vang trong nắng sớm tại buổi huấn luyện tác xạ chuyên ngành bắn súng ngắn nhắm trúng đích mục tiêu 50m cho thấy các xạ thủ đã đạt trình độ khá cao. Họ là những người lính dày dạn kinh nghiệm, qua nhiều giai đoạn từ đào tạo cơ bản đến nâng cao, có thể bắn đa tư thế với nhiều mục tiêu và cả mục tiêu ẩn hiện trong đám đông. Sĩ quan huấn luyện L. là người khá nghiêm khắc, anh cho biết từng có học viên không tuân thủ thao tác và qui trình bắn tạo nên tình huống nguy hiểm và bị xử lý kỷ luật. “Muốn trở thành xạ thủ giỏi, phải chuẩn bị tâm lý thật tốt, khéo léo và biết phán đoán, lâu ngày hình thành bản lĩnh”, sĩ quan huấn luyện giải thích.

Là lực lượng được đánh giá là đặc biệt tinh nhuệ hàng đầu của quân đội hoàng gia, cảnh vệ ngoài sử dụng thuần thục nhiều loại vũ khí và khí tài quân sự, còn phải học võ thuật và kỹ thuật đánh cận chiến. Kể cả các chiến thuật đặc biệt như “leo dây tử thần”, vượt chướng ngại vật, tiến chiếm đỉnh cao. Lính cảnh vệ còn học được chiến thuật “tàng hình” luồn sâu đánh hiểm của đặc công bộ, cách đánh tàu, cầu, cảng của đặc công nước. 

Đại tá Kim Hên, trợ lý đại tướng Dieng Sa Run - phó tư lệnh lục quân kiêm phó tư lệnh và tham mưu trưởng Bộ tư lệnh cảnh vệ hoàng gia, cho biết: “Chúng tôi học kỹ thuật và nghiệp vụ của nhiều nước có quan hệ hợp tác với Campuchia. Đó là các nước Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Úc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Mỗi nước có những nét đặc thù riêng như Đức giỏi sử dụng chó nghiệp vụ, Mỹ rất độc đáo về kỹ thuật cận vệ, Indonesia huấn luyện về tác chiến và võ thuật. Thường học ở nước nào về chuyên ngành gì thì họ viện trợ kèm theo vật tư, thiết bị nghiệp vụ đó. Do điều kiện của Campuchia khác với các nước nên kỹ năng học được vận dụng thường không phù hợp. Chỉ có học ở Việt Nam là sát với thực tế nhất”.


Tập đội ngũ

Lực lượng cảnh vệ là binh chủng duy nhất được mặc nhiều loại quân phục, kể cả thường phục dân sự để hóa trang tùy theo yêu cầu chiến đấu. Được trang bị cả tàu cao tốc chiến đấu trên sông nước, xe thiết giáp cơ động trên mọi địa hình, các tiểu đoàn cảnh vệ thiện chiến đã đổ quân nhanh chóng tới vùng biên giới khi xảy ra căng thẳng do tranh chấp ngôi đền cổ Preah Vihear với Thái Lan. Dựa vào lực lượng này Hun Sen mới mạnh mẽ cảnh báo sẵn sàng biến nơi tranh chấp thành “vùng chết” nếu bên láng giềng không rút quân! 

Trung thành với Hun Sen

Chính trường Campuchia luôn có nhiều biến động, có giai đoạn vai trò Hun Sen trong chính phủ chỉ là đồng thủ tướng thứ hai sau Ranariddh. Thế nhưng chỗ “ngồi” của ông không lúc nào yên. Các phe cánh đối lập  luôn tìm cách loại trừ Hun Sen ra khỏi đời sống chính trị. Đã có nhiều cuộc ám sát và khủng bố nhằm trực tiếp vào cá nhân ông. Chỉ riêng việc ông giữ được sinh mạng được coi như một “phép mầu”.

Các tay súng bắn tỉa từng phục kích nã đạn vào xe ông khi đi ngang qua một nhà máy ở thành phố Kandal để trở về tư dinh ở Takhmau. Hun Sen thoát nạn nhưng người lính lái xe mô-tô hộ tống bị thương nặng. Ở tỉnh Siem Reap, một quả đạn B40 phóng thẳng vào chiếc ô tô có ông đang ngồi nhưng nổ trượt cách 10m gây ra cái chết cho một bé trai và làm bị thương 3 thường dân. Bọn khủng bố còn đặt một dàn 3 quả rocket gắn bộ điều khiển từ xa đón lõng đoạn đường ông đi qua để khai hỏa. Mưu toan bất thành vì đã bị phát hiện trước khi hành động.


Rèn võ nghệ

Vì sự thiếu an toàn thường xuyên, nên đích thân Hun Sen tuyển chọn các lính bảo vệ đáng tin cậy và bố trí họ tại các mục tiêu then chốt. Vốn xuất thân là một chỉ huy quân sự đầy mưu lược, ông xây dựng một mạng lưới an ninh nhằm ngăn chặn và đập tan các âm mưu bạo động. Từ đây lực lượng cảnh vệ được hình thành và phát triển đội quân đông đảo tuyệt đối trung thành với Hun Sen. Làm nhiệm vụ bảo vệ thủ tướng và phu nhân Bun Rany cùng các thành viên trong gia đình, lính cảnh vệ luôn được thủ tướng ưu ái và cư xử thân thiện như “người trong nhà”.  

Hình ảnh người lính

Không chỉ làm nhiệm vụ chiến đấu, cảnh vệ hoàng gia còn là lực lượng luôn gắn bó với dân. Có thể bắt gặp hình ảnh người lính cảnh vệ xắn tay áo cùng với nông dân chống hạn, hoặc giúp dân gặt lúa chạy mùa nước lụt. Khi có bão lũ, họ luôn xông lên phía trước để làm công tác cứu hộ. Một sĩ quan chỉ huy thẳng thắn nói rằng bài học giúp dân đã học được từ bộ đội tình nguyện Việt Nam.

Vốn xuất thân hầu hết từ tầng lớp nông dân, người lính cảnh vệ dù đã qua trui rèn vẫn còn mang đậm tính chất phác, hiền lành. Gặp anh lính trẻ Houng Vichet  23 tuổi, người còn ướt đẫm mồ hôi sau buổi thao dượt, anh cười rất tươi thổ lộ: “Từ nhỏ tôi đã mơ ước vô ngành cảnh vệ, nhưng nghe nói tiêu chuẩn xét tuyển rất cao, tôi cứ nghĩ mình không với tới được. Cho đến khi đăng ký lọt qua khâu sàng lọc, tôi mừng tưởng chừng phát khóc”.  Còn sống độc thân, được đưa đi đào tạo dài hạn, Houng Vichet vẫn còn nhớ bố mẹ lắm, nhưng cố nén tình cảm để sớm hoàn thành nhiệm vụ. Dù là lính mới, anh đã có vinh dự đi theo bảo vệ Thủ tướng Hun Sen hơn mười chuyến.

Ở độ tuổi 35, thiếu tá y Saran đã có 13 năm thâm niên vào lính. Làm nhiệm vụ ở thủ đô xa xôi, nhiều đêm trăn trở nhớ hai đứa con còn nhỏ dại ở quê nhà tỉnh Svây Riêng. Cũng may anh có được người vợ tốt bụng thay chồng chăm sóc, dạy dỗ con cái. Công tác ở tiểu đoàn cảnh vệ chống khủng bố, trực tiếp bảo vệ nhà thủ tướng, y Saran luôn tuân thủ nội qui nghiêm ngặt. Nhiều khi tháp tùng thủ tướng đi các tỉnh, hoặc bảo vệ tiếp cận các đoàn quốc khách đến thăm Campuchia, anh luôn tỏ ra là một sĩ quan mẫn cán và có năng lực. Từng được gửi đi đào tạo ở trường nghiệp vụ biên phòng Sơn Tây (Việt Nam), ở các bộ môn võ thuật và bắn súng anh đều tốt nghiệp hạng khá. Luôn lạc quan về tương lai, y Saran tin tưởng một ngày nào đó khi đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ, anh sẽ được chính phủ cấp đất và sẽ làm nhà để đưa vợ con về Phnom Penh sinh sống.

Nói tiếng Việt rất giỏi, thật bất ngờ khi đại tá Kim Hên cho biết anh sinh ra ở vùng đất Trà Vinh. Tham gia lực lượng công an Campuchia từ năm 1979, chứng kiến bao cảnh thăng trầm của thời cuộc, anh có một kiến thức chính trị rất sâu sắc. Từ khi chuyển qua lực lượng cảnh vệ hoàng gia, Kim Hên đã có 6 lần làm trưởng đoàn dẫn quân đi học nghiệp vụ ở các nước. Là sĩ quan trợ lý cho đại tướng Dieng Sa Run, anh nói đại tướng phó tư lệnh cảnh vệ rất tự hào về những người lính dưới quyền. Ông đã từng làm lãnh đội tham dự Hội thao quốc phòng các nước ASEAN, cảnh vệ hoàng gia đại diện quân đội Campuchia thi đấu và đoạt hạng 3 toàn đoàn.

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.