Chặn đứng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Thu Hằng
Thu Hằng
14/05/2024 07:00 GMT+7

73% người dùng internet nhận được tin nhắn lừa đảo. Đó là thông tin được nêu ra tại hội thảo về phòng chống lừa đảo trên không gian mạng do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) tổ chức ngày 13.5.

Hoạt động của các đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp

Tại hội thảo, thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch NCA, cho biết tại Việt Nam năm 2023 tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống của người dân.

Diễn tập săn lùng mối đe dọa trên hệ thống thông tin quan trọng do Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) tổ chức

Diễn tập săn lùng mối đe dọa trên hệ thống thông tin quan trọng do Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) tổ chức

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin (Bộ TT-TT) ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

"Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy hoạt động của các đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, trú chân tại địa bàn các nước láng giềng lừa đảo, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ đưa người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội", thượng tướng Lương Tam Quang thông tin. 

Về phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, sử dụng công nghệ deepface giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán. "Với thực trạng này, việc ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do lừa đảo qua không gian mạng đang đặt ra rất cấp thiết hiện nay", ông Quang nhấn mạnh.

Hành lang pháp lý chưa theo kịp vấn đề phát sinh

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác phòng chống lừa đảo trên không gian mạng còn nhiều khó khăn. Đó là hành lang pháp lý chưa điều chỉnh theo kịp các vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định cụ thể về nhận diện người dùng internet dẫn đến khó khăn trong quản lý trẻ em, trong khi 1/3 người dùng internet tại VN là chưa thành niên, phần lớn không có kỹ năng sử dụng mạng an toàn.

Quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn tồn tại một số khó khăn, nhất là phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để truy vết dòng tiền lừa đảo mất nhiều thời gian, hiệu quả thu hồi kém; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao, thông tin cung cấp chậm và chưa xác định được địa chỉ IP của đối tượng khi dùng mạng qua 3G, 4G.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), nhìn nhận hệ thống pháp luật của Việt Nam còn chưa hoàn chỉnh, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và ngân hàng… sử dụng biện pháp hành chính nên thường có độ trễ, trong khi các đối tượng dùng online chuyển tiền, xóa dấu vết rất nhanh.

Theo ông Trần Quang Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ TT-TT), Bộ TT-TT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Một trong những nội dung được quan tâm là yêu cầu xác thực số điện thoại khi đăng ký tài khoản trên mạng xã hội. "Cùng với việc xác thực số điện thoại đồng bộ với Cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, khi chúng ta biết ai là ai, với những biện pháp nghiệp vụ, sẽ tiết kiệm được thời gian công sức để đưa ra những đối sách với bọn tội phạm", ông Hưng nói.

Thông tin tại hội thảo cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ra quy định từ 1.7.2024 chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho hay: "Trung bình mỗi ngày có 3 triệu giao dịch, nhưng giao dịch dưới 1 triệu đồng chiếm 70%, giao dịch trên 10 triệu đồng rất ít, nhưng giá trị giao dịch lại rất lớn. Với quy định triển khai từ 1.7, người dân bị lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản ăn cắp, đối tượng muốn rút tiền ra sẽ lưu lại khuôn mặt và đây là cơ sở để chúng tôi báo cáo với cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý".

Phần mềm phòng chống lừa đảo

Tại hội thảo, NCA đã giới thiệu Phần mềm phòng chống lừa đảo cho người dân. Đây là ứng dụng cho smartphone, được cung cấp hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ 2 hệ điều hành phổ biến nhất là Android và iOS, dự kiến ra mắt tháng 7 tới. Phần mềm sẽ phát hiện các dấu hiệu không an toàn thông qua kiểm tra số điện thoại, địa chỉ website, kiểm tra số tài khoản, quét mã độc và kiểm tra mã QR.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.