Chạy chiếc Graham Paige gần trăm tuổi qua 44 nước

04/03/2013 13:25 GMT+7

Suốt 13 năm, vợ chồng Herman và Candelaria Zaap lái chiếc Graham Paige gần trăm tuổi qua 44 nước, vừa vi vu vừa tranh thủ... đẻ con. Bốn đứa trẻ đã chào đời tại 4 nước khác nhau.

Suốt 13 năm, vợ chồng Herman và Candelaria Zaap lái chiếc xe Graham Paige gần trăm tuổi qua 44 nước, vừa vi vu vừa tranh thủ... đẻ con. Bốn đứa trẻ đã chào đời tại 4 nước khác nhau.

Ngôi nhà biết... lăn

Herman và Candelaria “phải lòng nhau” từ hồi mới lên 8, lên 10, tíu tít lớn lên bên nhau. Tình bạn trong vắt đó dần biến thành tình yêu khi 2 đứa trẻ đến tuổi trưởng thành. Rồi họ cưới nhau, bắt đầu một cuộc sống ổn định và hạnh phúc trong một căn nhà xinh xắn có hồ bơi ở Argentina, nơi Herman mở công ty máy tính và điện thoại riêng. Bốn năm trôi qua, cặp vợ chồng trẻ dường như có trong tay tất cả. Nhưng họ vẫn thấy thiếu một cái gì đó rất quan trọng. Đó là chuyến du lịch vòng quanh thế giới mà họ vẫn thường mơ tưởng trong những ngày yêu nhau. Vậy là họ tức tốc lên xe, nổ máy chạy đến bang Alaska ngập tràn cát trắng và biển xanh của Mỹ, tranh thủ khi còn chưa bận bịu con cái. Kế hoạch là đi 6 tháng.

MSNBC dẫn lời Herman nhớ lại: “Chúng tôi đã nghĩ rằng đến lúc có con, chúng tôi sẽ không bao giờ có thể đi nữa. Vậy nên chúng tôi lên đường, dự định khi trở về nhà sẽ có con”. Cô vợ Candelaria tiếp lời: “Tuy nhiên, trên đường đi, tôi phát hiện đã có thai với anh chàng này (chỉ vào Herman)”. Rồi họ cũng trở về nhà nhưng là sau khi sinh con và cũng chỉ ở được có vài tuần. Những ngày rong ruổi liên miên trên những vùng đất mới lạ ám ảnh họ cả trong giấc mơ. Khái niệm “nhà” mau chóng được định nghĩa lại: chiếc Graham Paige mà ông nội của Herman để lại. Thế rồi họ lại lên xe, nổ máy, lăn bánh dọc theo khắp chiều dài châu Mỹ, đến Úc, đến New Zealand, sang châu Á và bây giờ đang ở châu Phi. Giữa những ngày lái xe bất tận đó, họ kiến tạo thêm 3 người bạn đường trung thành mới. Tổng cộng 4 đứa con chào đời liên tù tì: 10 tuổi, 7 tuổi, 5 tuổi và 3 tuổi, lần lượt ở Mỹ, Argentina, Canada và Úc. “Xem này, chúng tôi không thích mua quà lưu niệm. Chúng tôi chỉ tạo ra chúng”, Herman hóm hỉnh. Và “những món quà lưu niệm” đó cùng với cha mẹ chúng biến chiếc Graham Paige có giá chỉ khoảng 4.000 USD thành túp lều, ngôi nhà, ngôi trường, thành một phần không thể thiếu của gia đình họ Zaap, dù chiếc xe đó chưa bao giờ có thể chạy quá 65 km/giờ, có bánh bằng gỗ và chào đời từ tận thập niên 20 của thế kỷ trước. Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc hành trình của nhà Zaap khi nào sẽ hoàn tất. Herman có sẵn câu trả lời: “Rong ruổi đã là cách sống của gia đình tôi”.

 Mồi lửa giấc mơV chồng Herman và Candelaria Zaap bên chiếc Graham Paige gần trăm tuổi xuyên qua 44 nước - Ảnh: Ilocandiatreasures, Tem-bhp

Trường học khắp thế gian

Chắc chắn sẽ có không ít người bảo vợ chồng Zaap là điên rồ, là ích kỷ. Hai người rày đây mai đó đã đành, lại còn lôi theo cả 4 đứa trẻ, vốn rất cần một cuộc sống ổn định, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hơn hết, cần phải đến trường. Đằng này, chẳng đứa nào được đi học lấy một ngày. Cha mẹ chúng tự dạy con học dựa trên một chương trình online cập nhật liên tục. Mỗi khi xe dừng và được tiếp cận với máy tính, hai người lại in ra những bài học mới cho con. Nhưng trường đời mới là ngôi trường quan trọng nhất cho lũ trẻ. “Làm gì có cách dạy nào tốt hơn cách được tận mắt nhìn thấy cả thế giới? Các con tôi đã được chứng kiến tàu con thoi rời bệ phóng, được nhìn thấy chuột túi nhảy nhót ở Úc, thấy gấu xám Bắc Mỹ gầm rống trong rừng, được học những từ mới bằng nhiều ngôn ngữ, được trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau. Chúng tôi gọi đó là trường học khắp thế gian”, Herman giải thích.

Bản thân ông bố, bà mẹ cũng học được vô vàn điều thú vị. Một trong những điều họ tâm đắc nhất là được nhìn thấy cuộc sống của thổ dân Uros trên một hòn đảo nổi toàn lau sậy ở Peru. “Ngôi nhà của họ tinh giản tối thiểu, bởi nếu có quá nhiều thứ, họ sẽ chìm cùng với hòn đảo. Nếu họ nhẹ nhàng, họ sẽ sống thoải mái, tự do” - Herman kể lại. Thế nên gia đình Zaap vẫn cứ ngày ngày rộn rã lên đường với một hành trang gọn gàng và những cái đầu nhẹ tênh.

Cứ đi và bất ngờ

Cả Herman và Candelaria đều không phải là những nhà hoạch định du lịch chuyên nghiệp. “Cứ đi và bất ngờ. Không mong đợi, không thất vọng. Điểm mấu chốt là hãy bắt đầu” - đó là chia sẻ của Candelaria với IOL. “Lúc mới khởi đầu, chúng tôi buộc phải dừng lại sau km thứ 55. Đó là vì cái bánh xe bằng gỗ trục trặc. Nhưng mọi chuyện ngày càng ổn hơn, kể cả chiếc xe già cỗi. Nó được sơn lại ở Philippines, mạ chrome ở Mexico và làm lại động cơ ở New York”, cô kể. Vậy là họ cứ đi, không lên một kế hoạch nào quá cứng nhắc, không có lịch trình cụ thể, không thiết bị định vị GPS, không liên hệ trước với các công ty du lịch, không đọc quá nhiều về vùng đất họ sắp đặt chân tới. Họ cũng đã nhiều lần bị từ chối cấp visa, đối mặt với cái chết khi bị cướp tấn công, thiếu thốn, gian nan, buộc phải ăn những thứ mà họ không tưởng tượng ra như kiến sống. Nhưng họ vẫn cảm nghiệm niềm hạnh phúc vô biên trên hành trình mà nhiều người khác thấy là quá vất vả.

Nguồn tài chính chủ yếu để gia đình Herman suốt ngày đi chơi là từ cuốn sách Spark Your Dream (tạm dịch: Mồi lửa giấc mơ) mà họ viết về hành trình của mình, vốn được dịch ra nhiều thứ tiếng và thuộc hàng best seller ở quê hương Argentina. Khi hết tiền mua thức ăn, họ sống dựa vào sự giúp đỡ của những người xa lạ. Ngủ thì 90% là ngủ nhờ. Nếu không được ai cho vào nhà cũng không sao, họ dựng lều ngay bên cạnh chiếc xe thân yêu, đánh một giấc ngon lành để ngày mai đi tiếp. “Đi đâu tôi cũng được cảnh báo là phải dè chừng những người xung quanh nhưng chúng tôi thấy chẳng có gì phải sợ cả. Chúng tôi nhận ra rằng người tốt có ở khắp mọi nơi.

Kiều Oanh

>> David Beckham thanh lý dàn siêu xe khủng
>> 5 siêu xe hybrid tương lai
>> Chevrolet ra mắt siêu xe “lạ thường”
>> Dấu ấn siêu xe tại Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.