Chiến sự Ukraine ngày 800: Nga nói Pháp, Anh có lập trường ‘rất nguy hiểm’

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
04/05/2024 04:34 GMT+7

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng tuyên bố mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Anh David Cameron "rất nguy hiểm" và có nguy cơ gây mất an ninh châu Âu.

Điện Kremlin cảnh báo tuyên bố "nguy hiểm", Anh ký thỏa thuận 100 năm với Ukraine?

“Nguyên thủ nước Pháp liên tục nói về khả năng can thiệp trực tiếp vào xung đột Ukraine. Đây là xu hướng rất nguy hiểm”, Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Dmitry Peskov nói ngày 3.5. Trước đó một ngày, trả lời phỏng vấn tờ The Economist, ông Macron cho rằng có 2 điều kiện để có thể gửi quân đến Ukraine, bao gồm Moscow có đột phá tại tiền tuyến và nhận được yêu cầu từ Kyiv.

Ông Dmitry Peskov cũng nhắc đến “một tuyên bố rất nguy hiểm khác” từ Ngoại trưởng Anh David Cameron, khi ông Cameron nói Ukraine có thể dùng vũ khí Anh viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga. Theo ông Cameron, "Ukraine có quyền làm điều đó vì Nga đang tấn công vào Ukraine... Bạn có thể hiểu tại sao Ukraine cảm thấy cần phải tự vệ".

Điểm xung đột: Israel loại biên Patriot, Ukraine xin về; ông Macron quyết tâm không để Nga thắng

Ông Peskov coi những tuyên bố này "là sự leo thang căng thẳng trực tiếp xung quanh cuộc xung đột Ukraine, có khả năng gây ra mối đe dọa đối với toàn bộ cấu trúc an ninh châu Âu”.

Báo The Guardian dẫn lời ông Cameron cho biết Anh cam kết viện trợ 3 tỉ bảng Anh mỗi năm cho Kyiv “miễn là còn cần thiết”. Ngoại trưởng Anh cũng nói thêm sẽ tăng gấp đôi năng lực sản xuất đạn dược trong nước, qua việc đầu tư 10 tỉ bảng Anh trong vòng 10 năm.

Ngoại trưởng Anh David Cameron (phải) gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv ngày 2.5

Ngoại trưởng Anh David Cameron (phải) gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv ngày 2.5

REUTERS

Trang Facebook Đại sứ quán Anh tại Kyiv ngày 3.5 thông tin Ngoại trưởng Cameron đã khởi động đàm phán về thỏa thuận đối tác 100 năm với Ukraine, với mục tiêu xây dựng mối liên kết lâu dài giữa hai nước trên các lĩnh vực hợp tác thương mại, an ninh và quốc phòng, khoa học và công nghệ, giáo dục, văn hóa.

Tình báo Nga nói diệt được điệp viên Ukraine

Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 3.5 cho biết đã hạ gục một sĩ quan trinh sát Ukraine đang có ý định phá hoại các cơ sở quân sự và kho nhiên liệu tại thủ đô Moscow và vùng Leningrad của Nga.

Theo FSB, đặc vụ này đã đến Moscow từ Lithuania vào tháng 3, hoạt động dưới chỉ thị của Tổng cục tình báo Quốc phòng Ukraine. Cơ quan an ninh Nga nói đặc vụ Ukraine đã chuẩn bị các vật liệu nổ để tấn công vào khu quân sự và cơ sở năng lượng ở ngoại ô Moscow. Các sĩ quan FSB đã có cuộc đọ súng và hạ gục đặc vụ này. Hiện Bộ Quốc phòng Ukraine chưa bình luận về vụ việc.

Cũng trong ngày 3.5, Bộ Quốc phòng Nga nói đã đánh chặn 5 máy bay không người lái của Ukraine tại vùng Belgorod (Nga), song không đưa ra chi tiết. Ukraine không xác nhận thông tin này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov

TASS

Đức cảnh báo Nga sẽ chịu hậu quả nếu tấn công mạng

Đức cho biết một số website của nước này đã bị tin tặc Nga đánh sập vào đầu năm 2023, sau thông tin Berlin cung cấp xe tăng cho Ukraine. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết cuộc tấn công được thực hiện bởi nhóm tin tặc Nga APT28, mà bà cho là dưới quyền kiểm soát của cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU).

“Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ không tránh khỏi hậu quả”, bà Baerbock nói ngày 3.5.

Quan chức tình báo Ukraine hé lộ thời điểm ngồi xuống đàm phán với Nga

Vào đầu năm nay, công ty an ninh mạng Mandiant của Google đã phát hiện một chiến dịch lừa đảo của tin tặc Nga nhằm vào các đảng chính trị ở Đức. Ngoài Đức, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech ngày 3.5 nói nước này cũng bị nhóm APT28 tấn công vào năm ngoái, bằng việc khai thác lỗ hổng trên phần mềm Microsoft Outlook. Hồi cuối năm ngoái, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Vương quốc Anh cho hay các chính khách, người dân và phóng viên Anh đã bị tấn công mạng bởi nhóm tin tặc liên quan đến FSB.

Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công mạng, với lập luận không có bằng chứng công khai nào nói về mối liên hệ giữa nhóm tin tặc với Moscow, theo TASS.

Cánh cửa cho Nga - Ukraine đàm phán?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần bác bỏ khả năng đàm phán với Điện Kremlin, sau khi Nga ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng của Ukraine vào năm 2022. Tuy nhiên, thiếu tướng Vadym Skibitsky, Phó giám đốc Tổng cục tình báo quân đội Ukraine (HUR), cho rằng sau cùng thì các cuộc đàm phán là cần thiết, dù với bất kỳ cuộc chiến nào.

Chiến sự Ukraine ngày 800: Nga nói Pháp, Anh có lập trường ‘rất nguy hiểm’- Ảnh 3.

Khí tài của Ukraine, bao gồm xe tăng T-72, bị quân đội Nga thu giữ, được trưng bày ngoài trời tại Moscow ngày 1.5

REUTERS

“Tướng Skibitsky nói ông ấy không thấy cách nào để Ukraine đơn độc giành chiến thắng trong cuộc chiến, ngay cả khi có thể đẩy lực lượng Nga trở lại biên giới - một viễn cảnh ngày càng xa vời”, The Economist viết sau buổi phỏng vấn ông Skibitsky hôm 2.5.

Quan chức tình báo Ukraine cho rằng những cuộc chiến chỉ có thể kết thúc bằng các hiệp ước, và hai bên đang cố giành những ưu thế trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Ông cũng nhận định lần đàm phán sớm nhất chỉ có thể diễn ra vào nửa cuối năm 2025.

Nga phá hủy thêm HIMARS, IRIS-T của Ukraine

Tổng thống Zelensky và các quan chức khác cho biết Nga không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình dự kiến tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 vì không có gì đảm bảo rằng Moscow sẽ thương lượng một cách thiện chí.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định sẽ không tham dự thượng đỉnh ở Thụy Sĩ dù có được mời hay không. Bà nói rằng Moscow hiện sẵn sàng cân nhắc thảo luận nghiêm túc về phương án giải quyết xung đột Ukraine, dựa trên tình hình thực tế và mối lo an ninh của Nga, với điều kiện Kyiv phải giữ trung lập về quân sự trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.