Ứng xử trên mạng

03/10/2013 03:30 GMT+7

Chỉ sau một ngày Facebook của Bill Gates đăng tải bức ảnh chụp trụ điện dây nhợ chằng chịt ở Việt Nam, hình ảnh này đã thu hút gần 40.000 lượt yêu thích và gần 6.000 bình luận. Trong đó phần lớn bình luận là của dân mạng Việt Nam. Họ cùng rủ nhau vào "ném đá", điểm danh và cãi nhau bằng hàng ngàn bình luận khiếm nhã, có cả những câu chửi thề, nói tục… bằng tiếng Việt.

Thật ra đây không phải là lần đầu tiên dân mạng Việt Nam có cách hành xử không đúng trên các trang Facebook của những người nước ngoài. Cách đây không lâu, trên trang cá nhân của hotboy người Ả Rập Omar Borkan Al Gala, trọng tài Cuneyt Cakir, nữ MC người Thái Lan Peaw Sumaporn Wandee… cũng từng bị “hoành hành” bởi bình luận phản cảm, vô văn hóa của một số dân mạng Việt Nam. Không ít thành viên người nước ngoài đã “nổi đóa”, bày tỏ bức xúc trước cách hành xử vô văn hóa này. Thậm chí Peaw Sumaporn Wandee tuyên bố sẽ xóa tất cả những bình luận của người Việt Nam trên trang cá nhân của mình.

Dù rằng đã có quá nhiều lời cảnh báo về sự văn minh, lịch sự khi “hòa nhập” với cộng đồng mạng thế giới, nhưng một bộ phận dân mạng Việt Nam vẫn làm ngơ. Thế nên không chỉ tại Facebook mà trên mạng xã hội Twitter hay trang YouTube cũng xuất hiện vấn nạn này, khiến không ít người lắc đầu ngao ngán.

Trao đổi với Thanh Niên về thực trạng này, thạc sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt, cho rằng thật xấu hổ trước những trường hợp trên. Bởi những lời bình luận với lời lẽ thô tục đã phản ánh ý thức và trình độ văn hóa thấp kém, không những xem thường người khác mà còn hạ thấp chính bản thân mình.

“Nhiều người lầm tưởng bình luận bằng tiếng Việt thì người nước ngoài sẽ không hiểu nên tha hồ bình luận một cách thiếu suy nghĩ chỉ để thỏa mãn chính mình, thỏa mãn cảm xúc. Nhưng đó là sai lầm, bởi thế giới phẳng đã khiến ngôn ngữ không còn khoảng cách và những lời lẽ thô tục đã bị “phơi bày” trước bạn bè quốc tế. Điều này không chỉ giới hạn ở quốc gia nữa mà là hình ảnh của giới trẻ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”, ông An nói.

Cũng theo ông, lẽ ra giới trẻ phải tận dụng tất cả cơ hội để có thể quảng bá hình ảnh đẹp đẽ của chính mình thì lại làm hình ảnh giới trẻ Việt Nam ngày càng xấu đi. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sự giao tiếp nói chung của người Việt Nam khi đến nước ngoài và ngược lại.

Nguyễn Thanh Nam

>> Ứng xử văn minh
>> Ứng xử với cổ vật
>> Ứng xử văn hóa
>> Ứng xử với thú rừng
>> Quy tắc ứng xử online

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.