Chương trình phát triển văn hóa phải có trọng điểm, tránh dàn trải

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/05/2024 06:11 GMT+7

Sáng 14.5, tiếp tục phiên họp 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (chương trình).

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài với VN, có đông đảo người VN sinh sống, lao động, học tập. Chương trình có 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết với tổng nguồn vốn cho giai đoạn 2025 - 2030 là 122.250 tỉ đồng; giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỉ đồng. Tổng vốn dự kiến thực hiện chương trình trong 11 năm là 256.250 tỉ đồng.

Phó chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Phó chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Gia Hân

Mục tiêu tổng quát của chương trình là tạo bước chuyển biến mạnh và toàn diện trong phát triển văn hóa; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Cùng đó là bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; đóng góp trực tiếp vào phát triển KT-XH… Vẫn theo ông Hùng, chương trình cũng đặt mục tiêu cụ thể là đến 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP cả nước. Tới năm 2035 là 8%.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục QH cơ bản nhất trí với đề xuất về quy mô, phạm vi, địa điểm thực hiện chương trình. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết các mục tiêu được liệt kê cũng còn dàn trải. Nhiều mục tiêu có nội dung tương tự với nhiệm vụ thường xuyên của lĩnh vực văn hóa, có thể trùng lặp với một số chương trình, đề án khác. Thậm chí, còn mang tính hình thức, chưa tạo được những chuyển biến mạnh mẽ và khó đánh giá hiệu quả… "Ủy ban đề nghị Chính phủ khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng tình hình và nhu cầu thực tiễn để đưa ra các mục tiêu của chương trình bảo đảm gọn, rõ ràng, không trùng lặp, thể hiện được quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và là căn cứ để xác định nhu cầu đầu tư của chương trình", ông Vinh nêu.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh chương trình cần phải xác định rõ trọng tâm, điểm nhấn, không nên dàn trải. Cạnh đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra thể hiện rõ hơn về nội dung phát triển công nghiệp văn hóa trong chương trình.

Đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 năm 2020 của QH về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng. Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay Chính phủ trình QH cho phép TP.Đà Nẵng thí điểm 30 cơ chế, chính sách đặc thù. Ngoài các chính sách tương tự những địa phương khác, một đề xuất mới là cho phép TP.Đà Nẵng thí điểm thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu. Mục đích là để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư.

Ông Dũng cũng thông tin Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu chức năng được phân cấp cho UBND thành phố. Cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng như khu kinh tế. Các doanh nghiệp trong khu thương mại tự do được áp dụng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.