Chuyển đổi số Đà Nẵng gặt hái trái ngọt đầu mùa

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
01/11/2021 11:34 GMT+7

TP. Đà Nẵng vừa được xếp hạng ở vị trí thứ nhất về chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) 2020 cấp tỉnh. Dù đó mới chỉ là thành quả mở đầu nhưng phần nào đã phản chiếu sự cam kết cam kết mạnh mẽ của TP trong chiến lược phát triển của mình về chuyển đổi số.

Dẫn đầu cả 3 trụ cột

Báo cáo kết quả DTI năm 2020 do Bộ TT-TT vừa công bố cho thấy TP.Đà Nẵng đứng thứ nhất toàn quốc ở cấp tỉnh. Về đánh giá trên không gian mạng và đánh giá qua khảo sát chuyên gia, TP.Đà Nẵng cũng xếp vị trí thứ nhất ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Bộ TT-TT nhận định, kết quả này phản ánh đúng năng lực của TP qua việc nhiều năm liên tục được xếp ở vị trí top đầu tại báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử, báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT Index).

Đà Nẵng triển khai hiệu quả nhiều ứng dụng công nghệ trong phòng chống Covid-19

HOÀNG SƠN

Theo Phó giám đốc Sở TT-TT TP.Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch, các cơ quan TP đã chủ động, tích cực triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT đồng bộ như: mạng viễn thông dùng riêng với băng thông kết nối mỗi cơ quan đến 10Gbp/s, Trung tâm dữ liệu, Hệ thống wifi công cộng miễn phí, Tổng đài dịch vụ công 1022, các Trung tâm giám sát chuyên ngành (như giám sát an ninh trật tự, giám sát giao thông an toàn thông tin, quan trắc môi trường…). Đà Nẵng cũng đã hình thành các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền (như: công dân, doanh nghiệp, nhân hộ khẩu, đất đai, cán bộ công chức...) và 560 CSDL chuyên ngành; triển khai phần mềm CSDL và quản lý nhà nước chuyên ngành các sở, ngành, quận, huyện; thí điểm kho dữ liệu dùng chung toàn TP. Đến nay, TP đã bắt đầu sử dụng một số dữ liệu số thay thành phần hồ sơ giấy trong cung cấp dịch vụ công (sổ đỏ, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh…).

Đáng chú ý, các nền tảng chính quyền điện tử cũng đã triển khai như Egov Platform, trục LGSP, cổng dịch vụ công, hệ thống báo cáo điện tử; đưa vào sử dụng 36/37 hợp phần nền tảng đô thị thông minh (Smart City Platform)… Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 kéo dài từ tháng 5 vừa qua, Đà Nẵng triển khai hiệu quả 17 giải pháp công nghệ phòng chống dịch Covid-19 gồm khai báo y tế điện tử, thẻ vé đi chợ và giấy đi đường mã QR, giám sát cách ly F1 tại nhà, bản đồ dịch tễ Covidmaps… (Thanh Niên đã thông tin). Công nghiệp CNTT cũng đóng góp 7,5% GRDP của TP, doanh nghiệp công nghệ số đạt tỷ lệ 2,1 doanh nghiệp/1.000 dân.

Mới chỉ “bắt đầu”…

TP.Đà Nẵng thuộc nhóm 1 với giá trị trụ cột kinh tế số trên 0,4 và xác định quan điểm CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trong đó, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi; xây dựng chính quyền số làm động lực và dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số.

Để hiện thực hóa quan điểm này, TP.Đà Nẵng đã ban hành đề án xây dựng TP thông minh hơn, làm cơ sở để các cơ quan của TP phối hợp các doanh nghiệp CNTT trong nước và quốc tế triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh. Từ năm 2010 TP.Đà Nẵng đã xác định CNTT và truyền thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây, ngày 17.6 vừa qua,Thành ủy Đà Nẵng ban hành Nghị quyết 05 về CĐS trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… cho thấy sự cam kết của mạnh mẽ của TP trong chiến lược phát triển của mình.

Nêu một số bài học kinh nghiệm, ông Trần Ngọc Thạch cho biết các ứng dụng đều theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Với phương châm "hiện diện khi cần" và "hiệu chỉnh ngay khi góp ý", TP đã tổ chức tốt việc tiếp nhận yêu cầu của người dân, doanh nghiệp thông qua Tổng đài 1022, Zalo 1022; lấy bộ chỉ số DTI của Bộ TT-TT làm thước đo trong triển khai và đánh giá kết quả của các cơ quan, địa phương. TP sẵn sàng hạ tầng CNTT-TT trước, sau đó tập trung triển khai các ứng dụng, hạn chế triển khai 1 dự án có cả hạ tầng và ứng dụng sẽ tốn thời gian khá lâu và rời rạc.

Một kinh nghiệm khác, thay vì triển khai các ứng dụng đơn lẻ thì triển khai dạng nền tảng, hiệu quả cao, chi phí thấp… Tiêu biểu là nền tảng Cổng Dịch vụ công cho phép tạo lập, hiệu chỉnh nhanh các dịch vụ công trực tuyến khi thủ tục hành chính được ban hành mới hoặc thay đổi. Hoặc kho dữ liệu và nền tảng LGSP cho phép triển khai nhanh các ứng dụng (giấy đi đường QR Code triển khai trong 4 ngày, triển khai QRCode khai báo y tế xanh, vàng trong 6 ngày...). "Huy động sự tham gia của các chuyên gia trong nước, của doanh nghiệp địa phương trong triển khai ứng dụng, làm chủ công nghệ, qua đó phát triển sản phẩm Make in DaNang, Make in VietNam như trạm đo mưa, nền tảng VMS, nền tảng quan trắc môi trường, camera giao thông thông minh, các ứng dụng phòng chống dịch", ông Thạch thông tin thêm.

Tại buổi ký kết biên bản ghi nhớ về xây dựng TP thông minh giai đoạn từ năm 2021 - 2025 với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vào ngày 26.10 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng so với nhu cầu của người dân và phát triển của Đà Nẵng, công cuộc triển khai TP thông minh và CĐS mới chỉ "bắt đầu". Có rất nhiều nhiệm vụ cần phải triển khai trong 5 năm, 10 năm đến. Vì vậy, việc ký kết hợp tác với Viettel là một trong những bước đi cần thiết nhằm huy động nguồn lực, kinh nghiệm và phát huy các thế mạnh của Viettel cùng tham gia giải quyết các bài toán trong phát triển TP.

5 điểm nổi bật trong CĐS

Theo Bộ TT-TT, 5 điểm nổi bật của TP.Đà Nẵng trong CĐS gồm: đề án CĐSTP đứng nhất 12 năm liên tiếp về ICT index trong các tỉnh thành, đạt giải thưởng ASOCIO Smart City 2019; triển khai cổng dữ liệu mở để cung cấp dữ liệu, công khai thông tin cho người dân, doanh nghiệp; thành lập trung tâm giám sát với 200 camera giao thông thông minh, 1.800 camera an ninh chuyên dụng, 34.500 camera giám sát huy động từ người dân, doanh nghiệp...; 100% đơn vị y tế triển khai ứng dụng y tế điện tử trên nền tảng chung; 98% người dân, doanh nghiệp hài lòng khi sử dụng ứng dụng và tiện ích trên môi trường số (ứng dụng Danang Smart City).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.