Chuyên gia lo ngại các ổ dịch tại Hà Nội ‘vượt khỏi tầm kiểm soát’

Mai Hà
Mai Hà
30/08/2021 16:21 GMT+7

Với 302 ca dương tính Covid-19 tính đến trưa nay, 30.8, Thanh Xuân Trung đang là ổ dịch phức tạp nhất, lây nhiễm nhanh và nhiều nhất Hà Nội hiện nay. Nếu không can thiệp đúng, nguy cơ dịch sẽ dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Cả 4 ổ dịch lớn tại các quận nội thành Hà Nội gồm P.Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân), P.Giáp Bát (Q.Hoàng Mai), P.Văn Chương và P.Văn Miếu (Q.Đống Đa), chung cư HH4C Linh Đàm (Q.Hoàng Mai) đều đã được phong toả, thiết lập khu vực cách ly y tế gần như ngay lập tức sau khi phát hiện các ca dương tính đầu tiên.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã thực hiện cách ly, phong toả trong một thời gian dài, tại các ổ dịch này vẫn liên tục phát sinh thêm các ca mới. Đặc biệt, Thanh Xuân Trung được đánh giá là ổ dịch nguy cơ nhất, khi gần như hơn nghìn người dân sinh sống tại ngõ 328 - 330 Nguyễn Trãi, các khu tập thể tại đây đều là F1, F2. Nhiều gia đình 3 thế hệ đã ghi nhận cả 5 - 6 người cùng dương tính Covid-19.

Cận cảnh bệnh viện dã chiến Covid-19 Hoàng Mai sắp hoàn thành ở Hà Nội

Theo TS - BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 tại Hà Nội ghi nhận nhiều ổ dịch trong cộng đồng dân cư, tạo nên các làn sóng lây nhiễm điệp trùng, kéo dài trong nhiều ngày. Nhóm nghiên cứu của TS - BS Nguyễn Thu Anh chỉ rõ 4 nguyên nhân chính khiến dịch kéo dài, dai dẳng:
Thứ 1, phát hiện muộn, từ các ca bệnh đầu tiên là người có triệu chứng, không rõ nguồn lây, một số ca tới bệnh viện xét nghiệm khi đã xuất hiện triệu chứng 4 - 5 ngày.
Thứ 2, nhiều người nhiễm virus có tần suất tiếp xúc xã hội cao, như người bán hàng tại chợ, đường phố, hiệu thuốc…
Thứ 3, thời gian kéo dài, như ổ dịch P.Văn Chương, P.Văn Miếu kéo dài hơn 1 tháng, nguy cơ lan rộng ngoài vòng phong toả là rất cao. Từ ca bệnh đầu tiên là một người dân đi khám bệnh viện do ho sốt, tính từ 30.7 tới nay, ổ dịch tại 2 phường này đã lên tới 191 ca. Đây là khu vực rất đông dân, nhiều nhà nhỏ hẹp trong các ngõ ngách. Sau 5 tuần, ổ dịch đã lan xa cách nơi xuất phát từ 2 - 6 km, tới P.Linh Quang, P.Trung Liệt, thậm chí P.Láng Thượng. Theo nhóm nghiên cứu, nếu không phong toả rộng, xét nghiệm lặp lại và hỗ trợ an sinh cho người dân, thì đây có thể trở thành một ổ dịch vô cùng khó kiểm soát.
Thứ 4, các ổ dịch đều tập trung tại các khu vực có mật độ dân cư cao. Chùm Thanh Xuân Trung tại khu vực có mật độ dân cư lên tới 40.000 người/km2, cao gấp 16 lần mật độ dân cư trung bình tại Hà Nội. Đây là dấu hiệu chỉ điểm cho một ổ dịch lớn, đòi hỏi phải tập trung nhiều nguồn lực. Đáng chú ý, tới nay vẫn chưa rõ nguồn lây của chùm ca bệnh phức tạp nhất Hà Nội hiện nay.

Vùng ngoại thành Hà Nội “nóng bỏng” vì 5 phụ nữ nhiễm Covid-19

Bày tỏ lo ngại nhất về ổ dịch Thanh Xuân Trung, theo TS Thu Anh, khu vực này nhiều ngõ ngách nhỏ, bên trong là các khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, với thói quen giao lưu, chợ búa, quán nhỏ vỉa hè. Nguy cơ ổ dịch Thanh Xuân Trung bùng phát vượt tầm kiểm soát là rất lớn, trong khi độ phủ vắc xin tại khu vực này và lân cận vẫn chưa cao.

Bản đồ chùm ca nhiễm SARS-CoV-2 Thanh Xuân của nhóm nghiên cứu TS - BS Nguyễn Thu Anh

Ảnh chụp màn hình

Vì thế, chuyên gia này cho rằng, để ngăn chặn nguy cơ, cần điều động tăng cường nhân lực, lập các nhóm lưu động tiêm vắc xin cho người dân thật nhanh. Đồng thời, huy động thêm lực lượng công an, quân đội để quản lý phong toả chặt, tránh “ngoài chặt, trong lỏng”. Có thể tính tới chuyện cách ly F1 tại nhà, “khoá chặt” và cung cấp đầy đủ an sinh xã hội, tránh cách ly tập trung quá đông sẽ dẫn đến lây chéo trong khu cách ly.
Đặc biệt, cần lên kịch bản xấu nhất khi ổ dịch lan rộng đến con số nghìn ca, mua và trữ thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ, vật tư y tế cho kịch bản nhiều ca nhiễm…

Lấy mẫu lần 3 cho 1.100 người tại ổ dịch Thanh Xuân Trung

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Khánh Hoà, Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân, cho biết, chiều nay, P.Thanh Xuân Trung đang lấy mẫu xét nghiệm lần 3 cho người dân trong khu vực. Dự kiến, số lượng mẫu sẽ lấy là 1.100 người, để rà soát, bóc tách triệt để các trường hợp F0.
Cũng theo lãnh đạo Q.Thanh Xuân, hiện khu vực ổ dịch Thanh Xuân Trung đã được phong toả chặt, không có di biến động, không có sự tiếp xúc với khu vực bên ngoài. Tuy nhiên, điểm hạn chế tại ổ dịch này là trong khu vực phong toả có 5 khu tập thể, có các nhà vệ sinh sử dụng chung của nhiều hộ gia đình. Quận cũng đã khuyến cáo phân chia, sử dụng theo giờ, nhưng vẫn không thể tránh khỏi sự tiếp xúc khi người dân sử dụng nhà vệ sinh chung này.

Toàn bộ các ngõ, ngách trong khu vực ổ dịch Thanh Xuân Trung đã được chăng dây cách ly

Ảnh Trần Cường

Ông Hoà cho biết, với những hộ dân đã có nhà vệ sinh riêng thì quán triệt “ai ở đâu ở yên đấy”, tuyệt đối cách ly, không bước chân ra cửa, bởi lương thực, thực phẩm cần thiết đã được vận chuyển đến tận cửa.
Hiện, Q.Thanh Xuân vẫn đang thực hiện kiểm soát chặt, xét nghiệm nhanh, triệt để để bóc tách hết các trường hợp F0. Trước đề xuất nên di tản bớt người dân khỏi khu vực phong toả, tránh lây nhiễm diện rộng, theo lãnh đạo Q.Thanh Xuân, đây là một ý kiến cần xem xét, nếu cân nhắc thấy phù hợp, hiệu quả, có thể tính tới để giảm mật độ người dân trong khu vực nhằm tránh lây nhiễm diện rộng.
Tuy nhiên, trước mắt, quận tiếp tục tuyên truyền "ai ở đâu ở yên đấy", thậm chí người cùng nhà cũng phải tự cách ly với nhau, đeo khẩu trang, không tiếp xúc. Ăn cơm cũng phải chia giờ, không ngồi cùng bàn, trò chuyện như thời điểm bình thường. “Với việc kiểm soát chặt cả bên trong, bên ngoài, sẽ sớm ổn định được tình hình", ông Hoà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.