Chuyện Nhật trên đất Việt: Ngôi mộ thương nhân Nhật ở Hội An

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
02/05/2023 07:03 GMT+7

Từ 400 năm trước, mối quan hệ Việt - Nhật đã được xây đắp bởi những "viên gạch" sơ khai để rồi theo tiến trình phát triển, mối quan hệ đó càng trở nên khắng khít. Nhân 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật (1973 - 2023), Thanh Niên xin giới thiệu đến độc giả những câu chuyện thú vị về người Nhật, nét văn hóa Nhật... đặc sắc trên đất Việt.

Bao đời qua, những người dân Hội An (Quảng Nam) thuần hậu âm thầm chăm sóc những ngôi mộ cổ của thương nhân Nhật Bản như mộ chính người thân của mình.

SẮM LỄ CÚNG GIỖ

Không khó để tìm thấy mộ thương nhân Banjiro (tại khối phố Trường Lệ, P.Cẩm Châu, TP.Hội An), bởi từ khá sớm ngôi mộ đã được xếp hạng di tích và trở thành địa chỉ tham quan thu hút nhiều du khách, nhất là người đến từ xứ Phù tang. Khuôn viên của ngôi mộ khá rộng nằm liền kề sân và móng nhà của gia đình bà Dương Thị Sáu (67 tuổi).

Theo bản lý lịch di tích số 12 và 14 được Ban Quản lý Di tích Hội An (nay là Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Hội An) lập các năm 1991, 1992, vào cuối thế kỷ 16 đầu 17, Hội An trở thành thương cảng lớn của xứ Đàng trong, là điểm trung chuyển mậu dịch có tính quốc tế. Thương nhân nước ngoài đến buôn bán đông đúc, trong đó đông hơn cả là thương nhân Trung Hoa và Nhật Bản. Họ được chúa Nguyễn cho phép lập 2 khu vực cư trú riêng, có chế độ quản lý riêng. Khu của người Nhật gọi là Nhật Bổn dinh. Một số thương nhân Nhật đã lấy vợ người Việt, sinh con đẻ cái, lập nghiệp lâu dài.

Chuyện Nhật trên đất Việt: Ngôi mộ thương nhân Nhật ở Hội An - Ảnh 1.

Mộ thương nhân Tani Yajirobei được ông Nguyễn Đình Hưng coi sóc cẩn thận nhiều năm qua

HOÀNG SƠN

Đến năm 1635, Mạc phủ Tokugawa ra lệnh tất cả người Nhật ở Hội An phải rút về nước. Từ đó, các thương nhân Nhật Bản lần lượt rời Hội An về lại cố hương. Dẫu vậy, trên chuyến tàu cuối cùng đưa những người Nhật về nước vẫn thiếu vắng những khuôn mặt đại thương gia. Họ quyết định ở lại Hội An vì tình yêu với con người và mảnh đất này. Theo bia ký tại ngôi mộ của Banjiro, 30 năm sau lệnh cấm của Mạc phủ, ông đã mãi mãi nằm lại với Hội An vào năm Ất Tỵ 1665.

Từ sau năm 1928, vì chiến tranh kéo dài, có thời điểm ngôi mộ Banjiro bị vùi lấp cả dưới nửa mét đất cát. "Tôi về ở với gia đình chồng (ông Nguyễn Văn Nước) thì được nghe kể, ngôi mộ được gia đình chăm sóc từ nhiều đời trước. Nhưng rồi chiến tranh khiến mộ bị vùi lấp. Sau ngày giải phóng, chồng tôi đã trở lại mảnh đất hương hỏa rồi sửa sang, bảo quản nguyên vẹn ngôi mộ. Mỗi năm, đến ngày giỗ lớn của gia đình, tôi đều sắm lễ để giỗ ông Banjiro. Trong nhà cúng giỗ thế nào thì trên mộ ông Banjiro, tôi cũng cúng y vậy. Không để ổng cô quạnh nơi đất Hội An này...", bà Sáu kể.

Ông Trần Xuân Lịnh (43 tuổi, con rể bà Sáu) cho biết thêm, hằng ngày, nếu bà Sáu vắng nhà thì ông lại thay mẹ chăm sóc, nhang khói cho khu mộ. Các con của ông cũng tham gia quét dọn, nhổ cỏ để mộ phần tinh tươm. "Tính ra, đến nay gia đình đã có 5 - 6 đời chăm sóc ngôi mộ", ông Lịnh nói.

Chuyện Nhật trên đất Việt: Ngôi mộ thương nhân Nhật ở Hội An - Ảnh 2.

Ông Trần Xuân Lịnh thường xuyên nhang khói, săn sóc chu đáo ngôi mộ của thương nhân Banjiro

NGƯỠNG MỘ TÌNH YÊU ĐẸP

Từ biển chỉ dẫn trên đường Hai Bà Trưng (Hội An), tôi băng qua cánh đồng Trường Lệ hiu hắt để tìm đến ngôi mộ của thương gia Tani Yajirobei. Từ xa đã thoang thoảng mùi nhang thơm, lại gần, tôi gặp một người đàn ông gầy guộc đang dùng khăn lau lại ly chén, bát nhang đặt tấm bia mộ. Ông là Nguyễn Đình Hưng (Tổ trưởng tổ 4, khối phố Trường Lệ), người đã nhiều năm qua tự lĩnh lấy trách nhiệm nhang khói, coi sóc ngôi mộ mà chẳng chút nề hà. Dù đã trải qua gần 400 năm tồn tại nhưng ngôi mộ Tani Yajirobei vẫn còn nguyên vẹn với một tấm bia sa thạch, nấm mộ cùng với thành bao. Phía trước bia mộ cỏ được nhổ sạch sẽ.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã quyết định ghi di tích mộ ông Gusokukun (lập năm 1629 tại khối An Phong, P.Tân An) vào danh mục di tích đăng ký bảo vệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2024. Mộ ông Gusokukun cũng được những người dân xung quanh thường xuyên nhang khói, vệ sinh sạch sẽ. Ông Gusokukun là một thương nhân giàu có và nhiều thế lực nhưng cũng có tài liệu nói, có thể ông còn là một thị trưởng điều hành toàn bộ hoạt động của phố Nhật ở Hội An vào thế kỷ 17.

Dẫn tôi đến trước 4 tấm bia khắc bằng 4 thứ tiếng: Việt, Nhật, Anh, Pháp với nội dung: "Đây là nơi yên nghỉ năm 1647 của ông Tani Yajirobei - một thương nhân Nhật Bản. Do Nhật hoàng chủ trương bế môn tỏa cảng buôn bán với hải ngoại nên ông phải từ Hội An trở về quê hương nhưng sau đó đã tìm mọi cách quay trở lại để chung sống với người yêu của mình là một cô gái người Hội An cho đến khi từ biệt cõi đời…".

Gần như ngày nào ông Hưng cũng đạp xe từ nhà ra cánh đồng Trường Lệ để ghé thăm mộ và dọn dẹp. Ông Hưng cho biết, ông cũng mong muốn thực hiện được một ngày giỗ cho ông Tani Yajirobei nhưng vì không biết ngày mất nên ông không dám làm bừa. Có du khách ghé thăm, ông Hưng lại chỉ dẫn cho họ hết sức tận tình. "Hằng năm, khi gặt lúa xong xuôi, một số nông dân Trường Lệ đều đến cúng cơm mới ngay tại mộ thương nhân Tani Yajirobei như một lời tạ ơn. Còn với tôi, tôi xem việc nhang khói, săn sóc ngôi mộ là một việc nên làm để tỏ lòng biết ơn các thương nhân Nhật Bản từ hàng trăm năm trước đã góp phần dựng xây một Hội An như hôm nay...", ông Hưng trải lòng.

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.