Tập đoàn Hoa Sen: Kỳ vọng tiềm năng phát triển khi Việt Nam gia nhập TPP

27/02/2014 08:59 GMT+7

Tập đoàn Hoa Sen, công ty thép niêm yết lớn thứ hai tại Việt Nam theo giá thị trường, hy vọng sẽ tăng gấp 10 lần doanh thu tại Bắc Mỹ trong vòng một năm sau khi Việt Nam ký Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 Ông Lê Phước Vũ
Ông Lê Phước Vũ, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen - Ảnh: Hoa Sen Group

Vừa qua, 12 quốc gia đã có một cuộc đàm phán quan trọng về TPP tại Singapore. Hoa Sen hy vọng rằng Hiệp định TPP có thể sớm đạt được. "Việt Nam gia nhập TPP thành công thì đó là một cơ hội rất lớn với chúng tôi", ông Lê Phước Vũ, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 14.2 tại TP.HCM, lý do là Hoa Sen sẽ có khả năng tăng xuất khẩu sang các thị trường mới trong đó có Mexico và Chile. "Với sự gia tăng tổng sản lượng xuất khẩu sang Bắc và Nam Mỹ, chúng tôi sẽ có thể thuê cả một chuyến tàu để giảm chi phí vận chuyển và tăng lợi thế cạnh tranh".

Theo Tập đoàn tài chính HSBC Holdings (HSBA) Plc, Việt Nam có khả năng sẽ là "người chiến thắng" trong đàm phán Hiệp định TPP. Trong khi Nhật Bản và Malaysia cũng sẽ được hưởng lợi "các lợi thế có thể sẽ là đặc biệt lớn cho Việt Nam" - Izumi Devalier, nhà kinh tế của HSBC tại Hồng Kông cho biết và ước tính hiệp định có thể đem lại mức tăng lên đến 10% GDP và thu nhập từ nước ngoài vào năm 2020.

Hứa hẹn thành trung tâm thương mại của khu vực

Theo Fred Burke, Giám đốc điều hành Công ty luật Baker & McKenzie tại TP.HCM,  TPP sẽ đem lại cho Việt Nam cơ hội để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực, một phần dựa vào vị trí lý tưởng của mình tại biên giới phía nam của Trung Quốc.

Virginia Foote, Giám đốc tư vấn thương mại tại Hà Nội của Công ty chiến lược toàn cầu Bay cho biết, các tiêu chuẩn theo yêu cầu của TPP "sẽ có một lợi ích về mặt danh tiếng cho Việt Nam, và có thể khiến một số nhà nhập khẩu ở Mỹ và các nơi khác nghĩ về các công ty Việt Nam như nhà cung cấp tiềm năng".

Hoa Sen hy vọng sẽ được hưởng lợi từ một hiệu ứng lan tỏa như vậy. Theo ông Vũ, công ty dự kiến sẽ xuất khẩu ít nhất 120.000 tấn/năm đến Bắc Mỹ trong vòng một năm sau khi có thỏa thuận về TPP, so với mức gần 12.000 tấn hiện tại.

Cơ hội của các nhà sản xuất dệt may

Theo báo cáo thường niên của công ty, Hoa Sen xuất khẩu khoảng 280.000 tấn thép trong niên độ tài chính kết thúc ngày 30.9.2013, doanh thu đạt 252 triệu USD, tương đương khoảng 45% tổng doanh thu. Doanh thu xuất khẩu của công ty đã tăng từ 5 triệu USD trong năm tài khóa kết thúc ngày 30.9.2009. Cổ phiếu của công ty đã tăng 19% trong năm nay.

"Chúng tôi muốn nhìn rộng hơn ra thế giới", "Doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng nghĩ rằng họ nhỏ bé, nhưng thực sự không phải vậy", ông Vũ nói.

Các nhà sản xuất hàng may mặc của Việt Nam, đóng góp 14% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam năm 2013, đã mở rộng hoạt động. Tháng trước, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam đã đồng ý cho Tập đoàn dệt may Việt Nam vay 600 triệu USD để xây dựng các nhà máy nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu để đón đầu TPP.

Những nhà sản xuất thép Việt Nam đang đánh cược rằng hiệp ước thương mại sẽ thúc đẩy một sự thay đổi trong hình ảnh của đất nước về khả năng sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn so với quần áo và giày dép. Ngành công nghiệp này đang mở rộng dây chuyền sản xuất và tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại với dự đoán về các cơ hội từ TPP, theo trang web của Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội.

Thuế suất nhập khẩu

Theo một nghiên cứu vào tháng 12 vừa qua của Công ty chứng khoán VP Bank, việc là thành viên TPP sẽ cho phép các nhà sản xuất thép của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và giảm hàng tồn kho. Trong số các quốc gia TPP - Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam - Hoa Sen cho biết công ty phải chịu mức thuế nhập khẩu 25% ở Mexico, 6% ở Chile và 5% đối với một số sản phẩm ở Peru.

Theo ông Vũ, sản lượng của Hoa Sen sẽ tăng lên khoảng từ khoảng 600.000 tấn năm 2013 lên 1 triệu tấn trong năm nay, và công ty có thể đầu tư vào các nhà máy ở Indonesia, Myanmar và Thái Lan.

“Người ta thường nghĩ về Việt Nam như là một nước xuất khẩu các sản phẩm truyền thống như dầu thô, hải sản và các sản phẩm nông nghiệp như cao su, cà phê và gạo”, ông Vũ nói. “Chúng tôi tự hào là một trong số những doanh nghiệp có thể sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp đến các thị trường khác. Trước đây Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có thể làm điều này, nay thì Việt Nam cũng có thể”.

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.