Cà Mau ứng phó với biến đổi khí hậu

30/09/2013 09:47 GMT+7

Đến nay, Cà Mau đã triển khai trên 20 chương trình, dự án nhằm chủ động đối phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, với tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng.

Cà Mau ứng phó với biến đổi khí hậu
Nhiều vùng đô thị ven biển Cà Mau sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng - Ảnh: Chí Tín

Những nhiệm vụ trọng tâm

Tỉnh Cà Mau vừa xây dựng chương trình hành động về chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng bao gồm những nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường từ nay đến năm 2020; phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; bảo tồn đa dạng sinh học nhằm đảm bảo chất lượng môi trường, nâng cao đời sống của người dân, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường theo tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI). Mục tiêu đến năm 2050, Cà Mau đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước phát triển trong khu vực.

Theo các nhà chuyên môn, trong thời gian tới, Cà Mau cần nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân ở vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đối với nguồn năng lượng hiện nay, tỉnh lên kế hoạch sử dụng tiết kiệm, đồng thời nghiên cứu ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng tự nhiên… Công trình đê biển Đông, biển Tây và các đoạn đê sông, cửa sông xung yếu cũng cần được đầu tư nâng cấp; hệ thống thủy lợi trọng điểm ngăn mặn, giữ ngọt nên xây dựng phù hợp với từng vùng sản xuất và phục hồi đai rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển.

Các công trình nghiên cứu cho thấy trong tương lai, nhiều vùng đô thị ven biển của Cà Mau sẽ bị ảnh hưởng do BĐKH và nước biển dâng, nên ngay từ bây giờ tỉnh phải tập trung nghiên cứu và xác định cao trình cốt nền trong xây dựng, đầu tư nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải; triển khai các giải pháp chống ngập. Ngoài ra, những điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do sạt lở sẽ được di dời và sắp xếp lại. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, rừng tràm… đặc trưng của Cà Mau. Đối với các khu vực có tính đa dạng sinh học cao, tỉnh cần lên kế hoạch bảo vệ, từng bước thiết lập khu bảo tồn, lập danh mục những loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; kiên quyết cấm đánh bắt, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ dưới mọi hình thức.

Giải pháp

Để triển khai chương trình hành động trên, Cà Mau sẽ tiến hành phổ biến rộng rãi những kiến thức về BĐKH đến mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ để tham gia công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Tỉnh cũng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với các viện, trường, trung tâm để thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, công nghệ viễn thám trong dự báo để chủ động phòng tránh và giảm nhẹ các hậu quả do thiên tai gây ra.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Bùi Công Bửu cho biết tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng tìm hiểu, học tập đầy đủ những nội dung, trong đó có việc triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy về chủ động ứng phó với BĐKH nhằm tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống nhanh chóng, hiệu quả.

Chí Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.