Tính giá xăng dầu sao cho dân được lợi

19/09/2013 10:50 GMT+7

Giá xăng thế giới liên tục giảm sâu trong gần 2 tuần qua, nhưng giá xăng trong nước khó giảm tương ứng khi các doanh nghiệp xăng dầu vẫn đang kêu lỗ. Trong khi đó, tính toán cho thấy thực tế doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi.

Giá xăng thế giới liên tục giảm sâu trong gần 2 tuần qua, nhưng giá xăng trong nước khó giảm tương ứng khi các doanh nghiệp xăng dầu vẫn đang kêu lỗ. Trong khi đó, tính toán cho thấy thực tế doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi.

Tính giá xăng dầu sao cho dân được lợi
Giá xăng dầu thế giới giảm sâu, nhưng trong nước vẫn kêu lỗ - Ảnh: Ngọc Thắng

Lãi 300 đồng/lít

Theo Hiệp hội Xăng dầu VN (Vinpa), bình quân 30 ngày đến 16.9, giá xăng A92 nhập khẩu là 115,69 USD/thùng, tương ứng với giá cơ sở là 24.793 đồng/lít, cao hơn 523 đồng/lít xăng so với giá bán lẻ hiện hành (24.270 đồng/lít). Tuy nhiên, nếu tính 100 đồng/lít lợi nhuận định mức và được trích quỹ bình ổn 300 đồng/lít thì thực tế, tính bình quân 30 ngày các doanh nghiệp (DN) xăng dầu lỗ khoảng 100 đồng/lít xăng.

Tuy nhiên giá xăng thế giới sau khi cán mốc cao 119,21 USD/thùng ngày 29.8 đã giảm xuống chỉ còn 113,61 USD/thùng vào ngày 16.9. Nếu tính bình quân 10 ngày từ 6.9 đến 16.9, giá xăng A92 nhập khẩu trên thị trường Singapore chỉ còn 114,1 USD/thùng, tương ứng khoảng 24.400 đồng/lít xăng, chỉ cao hơn giá bán lẻ hiện hành hơn 100 đồng/lít. Như vậy, với lượng xăng dầu nhập từ đầu tháng 9 hoặc trong 10 ngày trở lại đây, cộng cả lợi nhuận định mức 100 đồng/lít và trích quỹ bình ổn 300 đồng/lít, DN xăng dầu thậm chí có lãi khoảng 300 đồng/lít.

Quy định tính giá 30 ngày là bất hợp lý, nếu tách bạch dự trữ quốc gia và dự trữ doanh nghiệp như các nước đã làm được, thì có thể tách bạch được thời điểm tính giá lên xuống theo thị trường 10 ngày hoặc 15 ngày, người dân sẽ được lợi hơn

TS Nguyễn Minh Phong

Đáng nói hơn, theo thông tin từ một tổng đại lý xăng dầu lớn (đề nghị không nêu tên), dù mức thù lao hoa hồng cho đại lý theo Thông báo 308 của Bộ Tài chính chỉ khoảng 470 đồng/lít bình quân, nhưng hiện tại vẫn có những đầu mối chi hoa hồng cho đại lý tới 700 - 800 đồng/lít. Theo ông này, tính toán chi phí với đại lý bình thường khoảng 500 đồng/lít là hợp lý và có một phần lợi nhuận, nhưng việc đưa hoa hồng lên cao đang gây cạnh tranh bất bình đẳng giữa các đại lý. “Chưa kể việc chi hoa hồng cao là sai do vượt chi phí định mức quy định, việc nhiều đầu mối vẫn giữ mức chi định mức quá lớn như vậy cho thấy DN xăng dầu không thực sự lỗ như công bố theo công thức tính”, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhận định.

Khó chờ DN tự giảm giá

Hiện tại, giá xăng thế giới đang có xu hướng giảm sâu do tình hình căng thẳng ở Syria đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn khó hy vọng giá xăng trong nước sẽ giảm. Đơn cử, trong tháng 8, khi giá thế giới đứng ở mức thấp và giảm khá sâu xuống 112,76 USD/thùng ngày 22.8 (bình quân 30 ngày đến 22.8 là 114,33 USD, giảm mạnh so với cuối tháng 7, đầu tháng 8), DN cũng không có động thái điều chỉnh giảm, chỉ đến khi liên bộ Tài chính - Công thương yêu cầu, các DN mới giảm giá xăng 300 đồng/lít. Tuy nhiên, chỉ nửa tháng sau, khi giá thế giới tăng trở lại, hai đầu mối lớn là Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) và Công ty TNHH MTV thương mại xăng dầu Đồng Tháp đã gửi văn bản kiến nghị tăng giá.

Trước đó, trao đổi với báo chí tại họp báo tháng 9, đại diện Bộ Công thương cho rằng định giá theo thị trường là “giá trong nước phản ánh giá thế giới, chứ không phải tăng lên hay giảm sát theo giá thế giới”. Với lập luận này của cơ quan quản lý, khó hy vọng các DN điều chỉnh giảm giá xăng trong ngắn hạn dù giá thế giới đang giảm liên tục.

Trên thực tế, tình trạng giá xăng dầu trong nước chậm nhịp, thậm chí đi ngược xu hướng giá thế giới vẫn bắt nguồn từ cơ chế tính giá bình quân 30 ngày chưa được sửa đổi. Với cách tính này, giá xăng dầu luôn trong tình trạng “lỗ công thức, lãi thực tế”, đặc biệt khi giá thế giới biến động sâu và liên tục như thời gian vừa qua. Theo nhiều chuyên gia, với công thức tính giá cơ sở 30 ngày, phần lợi vẫn nghiêng về DN nhiều hơn là người tiêu dùng, bởi DN có thể nhập nhiều ở thời điểm giá thấp, nhưng vẫn được cộng thời điểm giá cao cho ra bình quân giá cơ sở.

Đáng nói, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ, Bộ Công thương vẫn chủ trương giữ công thức tính giá cơ sở 30 ngày và tần suất điều chỉnh 10 ngày, với lý do chu kỳ định giá 30 ngày gắn với dự trữ lưu thông đã được Chính phủ quy định trong các chiến lược về an ninh quốc gia tới năm 2025. Sau năm 2025, sau khi các nguồn dầu khí trong nước như Dung Quất, Nghi Sơn… đáp ứng đủ khả năng dự trữ tại chỗ, giảm sức ép dự trữ cho DN, mới xem xét dỡ bỏ dần quy định tính giá theo chu kỳ 30 ngày. Theo TS Nguyễn Minh Phong, cái khó là hiện tại ngân sách cho dự trữ xăng dầu hạn chế, chưa thể tách ra được dự trữ an ninh quốc gia và dự trữ của DN để tính giá. “Quy định tính giá 30 ngày là bất hợp lý, nếu tách bạch dự trữ quốc gia và dự trữ DN như các nước đã làm được, thì có thể tách bạch được thời điểm tính giá lên xuống theo thị trường 10 ngày hoặc 15 ngày, người dân sẽ được lợi hơn. Nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn đang chồng chéo quá nhiều mục tiêu”, ông Phong nói.

Cần loại bỏ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh cơ quan quản lý chưa thể sửa đổi quy chế tính giá 30 ngày, với tình cảnh “thị trường nửa vời” hiện nay, có thể loại bỏ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở của DN xăng dầu, hoặc giảm thấp hơn mức 300 đồng/lít hiện nay. Việc duy trì lợi nhuận định mức tới 300 đồng/lít vô hình trung giúp DN có một khoản lợi lớn. Điều này cũng đã được chứng minh từ mức lãi 388 tỉ đồng riêng với kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng đầu năm của Petrolimex, dù trước đó DN này đã nhiều lần kêu lỗ đòi tăng giá. Bỏ lợi nhuận sẽ tạo sức ép cho DN dự báo thị trường tốt, có chính sách quản lý hợp lý để tiết giảm chi phí giá thành, làm tốt thì có lời. Mặt khác, khi thị trường xăng dầu đang cần sự can thiệp từ nhà nước thì cơ quan quản lý cũng rất cần theo dõi sát biến động của giá thế giới để có những điều chỉnh giảm có lợi hơn cho người tiêu dùng.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.