Đầu tư cả ngàn tỉ đồng vẫn chưa hiệu quả: Mục tiêu quá lớn

14/06/2014 03:00 GMT+7

Chuẩn bị tâm thế thay đổi tốt hơn cho đội ngũ giáo viên, đặt ra những mục tiêu phù hợp với tình hình cụ thể của VN là những điều kiện để hạn chế tối đa lãng phí ngân sách khi thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020.

Đầu tư cả ngàn tỉ đồng vẫn chưa hiệu quả: Mục tiêu quá lớn

Một lớp bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh tiểu học do Sở GD-ĐT và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Không thể bằng mệnh lệnh hành chính

Lãnh đạo của Bộ GD-ĐT khẳng định với Báo Thanh Niên rằng Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 (gọi tắt là Đề án 2020) chắc chắn không đạt nhiều mục tiêu như tiến độ đề ra và năm 2020 cũng chưa thể hoàn thành.

Ngay từ đầu rất nhiều chuyên gia cảnh báo rằng với mục tiêu rất cao (đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân) nhưng thời gian hoàn thành lại quá ngắn (phê duyệt năm 2008 nhưng đến năm 2012 nhiều tỉnh thành mới bắt đầu rục rịch công bố kế hoạch triển khai, tức là chỉ có khoảng 7 năm để hoàn thành dự án), VN không thể đạt mục tiêu mà các nước láng giềng với tiềm lực kinh tế khá hơn nhiều như Singapore, Malaysia phải mất hàng thập niên mới làm được. Đó là chưa nói đến mặt bằng tiếng Anh chưa cao lắm của người học VN so với hai nước trên.

Thứ hai, như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 11.6: “Cách học, cách thi ngoại ngữ hiện nay của chúng ta không giống ai trên thế giới”. Thực ra các chuyên gia trong ngành đã nhận xét về nhược điểm này từ rất lâu. Giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) nhận định với Thanh Niên: “Phương pháp dạy tiếng Anh chỉ chú trọng vào ngữ pháp hàng chục năm nay thực sự không hiệu quả. Cách học đó giống như chỉ ôm khư khư một quyển sách dạy chạy đua và đọc nó hết ngày này qua ngày khác, nhưng người đọc lại không chịu bỏ quyển sách xuống và ra ngoài luyện tập chạy bộ nhiều hơn”.

Tuy nhiên, điều Giáo sư McCornac và nhiều chuyên gia khác muốn nhấn mạnh ở đây là để đạt được một mục tiêu lớn lao như những gì Đề án 2020 đưa ra, không thể chỉ bằng mệnh lệnh hành chính hay một quyết định, mà cần phải đi đôi với việc thay đổi phương pháp giảng dạy, nâng chất lượng đào tạo giáo viên cũng như nâng chế độ lương bổng, đãi ngộ và giảm tải cho lực lượng này. Điều quan trọng nhất, theo Giáo sư McCornac, chính là: “Muốn thay đổi một hệ thống rất cần có sự đồng thuận từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, ai cũng biết muốn thay đổi một hệ thống phải cần rất nhiều thời gian trong khi chưa có ai thực sự nghiêm túc trả lời câu hỏi: Đội ngũ giáo viên đã thực sự sẵn sàng cho thay đổi hay chưa?”.

Vô lý với chỉ tiêu cào bằng

Tiến sĩ Dennis Berg, người đã có hơn 20 năm làm cố vấn giáo dục tại VN, nhớ lại cách đây vài năm khi ông đứng lớp cao học của giáo viên tiếng Anh tại VN, có một nhóm giáo viên ngồi học cùng những người phiên dịch để có thể theo kịp bài giảng. Ông Berg kể: “Khi tôi hỏi nhóm học viên đó có muốn trở thành giáo viên tiếng Anh hay không, câu trả lời ngay lập tức là không, vì đây là chuyên ngành họ lỡ theo học nên bằng giá nào cũng phải có bằng cao học. Chừng nào hệ thống giáo dục VN còn theo đuổi những điều vô lý như chỉ tiêu cào bằng như thế này thì chừng đó những mục tiêu như Đề án 2020 sẽ không bao giờ đạt được”.

Theo Ban Quản lý Đề án 2020, sau 3 năm triển khai đề án (2011 - 2013), tính tỷ lệ giáo viên tiếng Anh phổ thông chưa đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo quy định vẫn rất cao (trên 70%). Thế nhưng, chính cách đánh giá giáo viên “đạt chuẩn” hay chưa là vấn đề rất đáng bàn. Một giảng viên tiếng Anh người Mỹ đặt vấn đề: “Thay vì đặt ra quy định là sẽ “chế tài” giáo viên nào chưa đạt chuẩn, tại sao không làm chuyện theo hướng tích cực hơn là thưởng cho những ai đủ chuẩn? Khuyến khích, động viên luôn hiệu quả hơn trừng phạt, răn đe. Điều này lại càng đúng với các giáo viên VN cần được chuẩn bị tâm thế đối với những thay đổi này”.

Một nghiên cứu về Đề án 2020 của hai giảng viên tiếng Anh là Giáo sư Ilene Whitney Crawford (ĐH Southern Connecticut State, Mỹ) và thạc sĩ Võ Hương Quỳnh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) với tựa đề (tạm dịch sang tiếng Việt) là: “Đề án 2020, giấc mơ hay cơn ác mộng của giáo viên tiếng Anh ở tỉnh?” khắc họa rõ những khó khăn, thiếu thốn của các giáo viên tiếng Anh THCS ở một tỉnh miền Đông Nam bộ. Chính lối dạy cũ kỹ họ được truyền đạt từ các trường sư phạm cũng như sự thiếu thốn về trang thiết bị thực sự là những rào cản rất lớn cho những giáo viên này nâng cao trình độ của chính mình, chứ đừng nói là lứa học trò kế cận.

Do vậy, theo các chuyên gia, để tránh lãng phí về mọi mặt cho Đề án 2020, với điều kiện hiện có, cần biết rõ mình đang ở đâu và cần phải làm gì. Giáo sư McCornac nói: “Cột mốc 2020 đã bị lạm dụng quá nhiều như cái đích đến của nhiều mục tiêu cải cách giáo dục quan trọng. Nhưng đã có bao nhiêu tiến bộ đâu”? Giáo sư Jim Cobbe, một học giả của chương trình Fulbright đã có nhiều nghiên cứu về giáo dục VN, đúc kết: “Nhiều khi mục tiêu quá không phù hợp đến mức ngay từ khi bắt đầu, người trong cuộc đã nản lòng và kết quả cuối cùng có khi còn tệ hơn so với khả năng hiện có”. 

Ý kiến

“Em học tiếng Anh ở trường quốc tế từ nhỏ nên em có khả năng giao tiếp tốt nhưng khi học tiếng Anh ở trường phổ thông em thường bị điểm kém. Chương trình phổ thông chủ yếu chú trọng vào ngữ pháp là chính, có những cấu trúc câu rất phức tạp mà không biết khi nào mới dùng đến”.

THANH THẢO  (vừa học xong chương trình lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, TP.HCM)

“Giáo viên rất quan trọng. Thời học THCS, tôi rất kém môn ngoại ngữ. Mãi cho đến lớp 9, tôi được học một cô giáo giỏi của Trường THCS Chu Văn An (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) thì mới yêu thích và học được môn này. Đặc biệt, cô lồng ghép trò chơi, câu đố vui (dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh)... vào bài giảng, nên học sinh rất dễ hiểu”.

NGUYỄN GIA HN (đang làm việc tại một doanh nghiệp ở Q.5, TP.HCM)

“Để học sinh thích thú với môn tiếng Anh thì giáo viên phải giỏi. Trường ĐH đào tạo tốt sẽ cho ra lực lượng giáo viên giỏi và có thể dạy đúng cho học sinh được”.

NGUYỄN HOÀNG LONG (Giám đốc Trung tâm GDTX Q.5, TP.HCM)

Minh Luân (thực hiện)

Bỏ ngay hệ thống thi cử “theo chuẩn châu u”

Từ số liệu mà tôi đã thu thập được trong một nghiên cứu nhỏ, những vấn đề cần phải dứt khoát thay đổi, gồm:

Bỏ ngay tư duy cào bằng, bắt tất cả giáo viên trên toàn quốc phải đạt những mức năng lực như nhau để có thể xem là đạt chuẩn. Điều này là không tưởng và làm cho các mục tiêu của đề án bị phá sản ngay khi chưa thực hiện.

Bỏ ngay hệ thống thi cử "theo chuẩn châu u" mà đề án đã giao cho một số trường thực hiện vì các lý do sau: Các thông số kỹ thuật (như độ tin cậy hay tính ổn định của điểm số độ giá trị, độ chân thực, tác động dội ngược…) của các đề thi này chắc chắn đều rất kém. Cách thi hiện nay ở các trung tâm thực hiện theo Đề án 2020 hoàn toàn không có phần nghiên cứu khảo thí đi kèm. Nên nhớ muốn ra được đề thi cho tử tế thì phải nghiên cứu rất tốn kém và những đòi hỏi năng lực chuyên biệt cùng với những kinh nghiệm thực tế về khảo thí mà hiện nay VN rất thiếu người. Thay thế bằng một hệ thống có sẵn trên thế giới nhưng phải thương lượng cho giá chấp nhận được với thị trường VN.

Cần xây dựng ngay một hệ thống hỗ trợ giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu vùng xa, để tạo điều kiện cho họ thường xuyên "đụng chạm" đến tiếng Anh thực tế. Ví dụ xem phim ảnh bằng tiếng Anh, luyện phát âm, trao đổi về các vấn đề ngữ pháp, hỗ trợ làm giáo cụ và tài liệu giảng dạy cho môn tiếng Anh... Có thể kêu gọi sự hỗ trợ của nước ngoài hoặc chính những đơn vị sẽ trúng thầu cung cấp hệ thống thi cử cho VN. Điều này không hề khó làm, các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều có kinh nghiệm để VN học tập.

Tiến sĩ VŨ THỊ PHƯƠNG ANH
(Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)

An Điền

>> Đầu tư cả ngàn tỉ đồng vẫn chưa hiệu quả
>> Đầu tư cả ngàn tỉ đồng vẫn chưa hiệu quả - 'Làm lại' đề án ngoại ngữ
>> Đầu tư cả ngàn tỉ đồng vẫn chưa hiệu quả: 'Làm lại' đề án ngoại ngữ như thế nào? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.