Cái sảy nảy cái ung

12/10/2013 03:00 GMT+7

Không phủ nhận hành vi vi phạm pháp luật của một số người dân, nhưng đằng sau câu chuyện dân làng bắt và đánh chết trộm chó, hành hung công an, nổ súng, bắt trói cán bộ chính quyền… trong một số vụ việc quá khích gần đây là những vấn đề rất đáng quan tâm về công lý, về nhà nước pháp quyền, về dân chủ cơ sở và năng lực chính quyền địa phương.

Người ta chỉ “tự xử” khi mất niềm tin vào khả năng bảo đảm an toàn, công bằng của luật pháp. Và do vậy cần xem những vụ dân “tự xử” là bài học lớn về nâng cao hiệu lực áp đặt luật pháp, trước khi nhìn nó như những vụ án hình sự mà người phạm tội vốn là những người nông dân hiền lành.

Nếu công lý không quay lưng trong 2 phiên tòa, kéo dài 4 năm, chắc chắn sẽ không có tiếng nổ của Đoàn Văn Vươn, nếu chính sách đền bù thu hồi đất được giải thích hiệu quả, kịp thời sẽ không có tiếng súng Đặng Văn Viết. Và việc khai khoáng trái phép (có sự liên quan của người nhà cán bộ xã) chỉ là giọt nước tràn ly trong vụ bắt trói cán bộ tại thôn Bôi Câu, Kim Bôi, Hòa Bình. Nguyên nhân sâu xa là những bức xúc tích tụ lâu ngày về sự thiếu minh bạch, thiếu dân chủ của chính quyền cơ sở. Báo cáo của UBND huyện Kim Bôi thừa nhận đã có 11 lượt ý kiến công dân yêu cầu chính quyền thôn phải giải thích chuyện cho phép khai thác khoáng sản trái phép, phải xin lỗi dân vì một số cán bộ đảng viên và vợ con lãnh đạo xã có thái độ không đúng mực với dân, thiếu minh bạch trong chương trình nông thôn mới, thu chi tài chính sai nguyên tắc… Nhưng yêu cầu chính đáng ấy dường như đã không được đáp ứng; dân chủ cơ sở thiếu vắng ở nơi này. Chỉ đến khi người dân ngăn cản, thu giữ phương tiện khai khoáng trái phép thì chính quyền mới xuất hiện và xảy ra chuyện ngoài ý muốn.

Dân “tự xử” trộm chó và đám đông chống đối chính quyền có vẻ là những chuyện chả liên quan với nhau, nhưng lại giống nhau đến lạ lùng, đó hầu hết là những người dân vốn hiền lành, chất phác, chưa từng vi phạm pháp luật bỗng trở nên hung hãn, bất chấp luật pháp. Cũng có thể họ không ý thức được những việc mình gây ra đã là vi phạm hình sự và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng cũng có thể, họ buộc phải làm thế để gửi đi thông điệp rằng, lòng tin của họ vào luật pháp (đúng hơn là những người thực thi luật pháp) bị lung lay, khi họ bất lực với mọi hình thức biểu đạt khác.

Bất luận thế nào, vi phạm pháp luật phải chịu sự thi hành pháp luật. Nhưng việc chấn chỉnh, xử lý những yếu kém của chính quyền cơ sở ở nhiều nơi phải được xem là rất cần thiết trong lúc này để lấy lại niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.