Chạy đua đón đầu TPP - Kỳ 3: Thuế giảm, 'bẫy' phi thuế quan tăng

12/10/2013 09:00 GMT+7

Vòng đàm phán thứ 19 của TPP tại Brunei đã không đạt được tiếng nói đồng thuận của các quốc gia thành viên về việc mở cửa thị trường nông sản, bởi nhiều quốc gia vẫn cương quyết bảo hộ nền nông nghiệp trong nước. Điều này cho thấy cạnh tranh trong lĩnh vực này là cực kỳ khốc liệt.

Chạy đua đón đầu TPP: Thuế giảm, "bẫy" phi thuế quan tăng

Doanh nghiệp chế biến nông sản cần liên kết để tăng sức cạnh tranh khi vào TPP - Ảnh: Nguyễn Nga

Theo ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, có 3 cơ hội cho doanh nghiệp (DN) nông sản chế biến khi VN vào TPP. Đầu tiên là lợi thế về thuế quan, đặc biệt ở thị trường Mỹ và khu vực Bắc Mỹ. Với mục tiêu xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa 12 nước TPP là con đường không thể tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu (XK) của VN. Thứ 2 là người tiêu dùng hưởng lợi khi thị trường có hàng hóa phong phú, giá cả thấp và chất lượng tốt hơn. Cơ hội cuối cùng là TPP sẽ mang lại làn sóng cải cách về thể chế kinh tế và hành chính mới. Tuy nhiên, thách thức mang lại cũng không nhỏ cho các DN nông sản trong nước.

Lợi thế thuế có thể chỉ trên giấy

 

Thách thức là cạnh tranh

Theo TS Lê Đăng Doanh, thách thức trong TPP là cạnh tranh. TPP hướng đến việc thiết lập một sân chơi bình đẳng và không phân biệt quốc gia, DN nhà nước hay DN tư nhân. Một số quốc gia như Nhật, Hàn Quốc đã rất chú trọng việc sử dụng các hàng rào kỹ thuật nhằm hỗ trợ DN trong nước trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài. Song với VN, điều này đến nay chưa thấy, DN XK Việt vẫn phải lao đao với những vụ kiện chống bán phá giá, hỗ trợ giá. Năng lực quản lý yếu kém của các nhà làm chính sách cũng góp phần tạo nên kết quả không mấy vui này.

Trực tiếp sản xuất và XK, một DN XK thủy sản ở Bến Tre nhìn nhận: “Nhiều DN làm hàng XK chỉ nghĩ đến hưởng ưu đãi, được miễn giảm thuế là tốt, nhưng đã làm XK ai cũng biết, thuế quan chỉ là một phần của câu chuyện. Còn rất nhiều "bẫy" trong đó”. Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, ông Văn Đức Mười giải thích cụ thể hơn, thuế giảm hoặc bỏ hẳn nhưng các quy định về kỹ thuật (TBT) lại hết sức khắt khe. Ví như nhãn mác, bao bì, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm, nguồn gốc nguyên liệu… có thể là những rào cản khiến hàng hóa Việt chựng lại, thậm chí không có đường vào các nước trong khối TPP. Lợi ích thuế quan lúc đó “chỉ là cái lợi trên giấy”.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), cũng nhấn mạnh hàng rào kỹ thuật tại các thị trường XK là thách thức không nhỏ cho DN Việt. Một khi thuế giảm, họ sẽ đưa ra các hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt hơn. 

Đặc biệt, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm tại các thị trường lớn như Nhật, Mỹ lâu nay vẫn là cửa ải "khó nuốt" cho DN XK Việt. “Chúng ta sẽ gặp khó khăn với các sản phẩm chăn nuôi với 3 quốc gia Mỹ, Úc, New Zealand, đặc biệt là thị trường Mỹ. Trong lĩnh vực này, khả năng cạnh tranh của VN còn tương đối thấp, năng lực sản xuất và công nghệ hạn chế trong khi phải đối mặt thường xuyên với các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm”, ông Văn Đức Mười nhận định.

Liên kết để thoát kiếp gia công

Cũng theo ông Văn Đức Mười, tham gia TPP cơ hội mở ra cho XK nông sản chế biến nhưng đổi lại thị trường nội địa sẽ cạnh tranh gay gắt hơn, thị phần có thể bị thu hẹp, thậm chí bị mất. Mấy năm gần đây, thị trường thực phẩm VN chứng kiến sự có mặt và nhanh chóng bành trướng của thương hiệu đến từ Thái Lan. Đó là Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P), được coi là đối thủ nặng ký của các công ty cung cấp trứng thịt gà và thịt heo nội địa. Đối trọng với C.P có thể kể đến Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan). Theo báo cáo của Vissan, trung bình mỗi ngày DN này cung cấp ra thị trường trên 80 tấn thị gia súc, gia cầm chiếm 15-20% thị phần tại TP.HCM. Riêng thực phẩm chế biến, Vissan cung cấp 50 tấn mỗi ngày, chiếm 20% thị phần cả nước. Còn đa số DN nội địa đều có quy mô nhỏ, cạnh tranh trong môi trường hiện tại cũng không hề đơn giản.

Để tồn tại và phát triển, một số DN chọn con đường liên kết. Năm 2009, Tổng công ty thực phẩm Đồng Nai (Donataba) hợp tác với vùng Bretagne (Pháp) để phát triển ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm tại tỉnh Đồng Nai. Năm 2011, cùng với PetroVietnam, Donataba tiếp tục liên doanh với Tập đoàn Marubeni của Nhật để kinh doanh sản xuất, chế biến và tiêu thụ thịt gia súc tại VN. Không liên doanh mở rộng mà trực tiếp mua lại cổ phần để nắm thị phần, năm 2012 Tập đoàn Massan đã mua lại 40% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của CTCP Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc Proconco, DN sản xuất thức ăn gia súc mang thương hiệu Con Cò. Proconco là liên doanh đầu tư theo tỷ lệ vốn góp 51% của Pháp và 49% VN năm 1991… “DN trong nước cần tận dụng TPP để tham gia vào chuỗi liên kết, thoát khỏi việc gia công cho đối tác nước ngoài và dần trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết toàn cầu”, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công thương, khuyến nghị.

Lợi thế XK có thể biến mất bởi các hàng rào kỹ thuật nghiêm nhặt hơn trong khi thị trường nội địa bị đe dọa bởi các “ông lớn” trong ngành thực phẩm chế biến thế giới là "cục diện" khá bất lợi cho các DN Việt khi VN gia nhập TPP. Các chuyên gia đều cho rằng, cơ quan quản lý cần nhanh chóng xây dựng những hàng rào kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế của các nước đang áp dụng để DN nội địa không thiệt thòi trong cuộc cạnh tranh sắp tới.

Nguyễn Nga

 >> Chạy đua đón đầu TPP - Kỳ 2: Khốc liệt thị trường bia, nước giải khát
>> Chạy đua đón đầu TPP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.