Đã mưa chuyển mùa, sao tiêu thụ điện vẫn tăng?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
14/05/2024 06:34 GMT+7

Đã có những cơn mưa chuyển mùa, nhưng ngành điện lực dự báo nhu cầu phụ tải trong tháng 5 tiếp tục tăng cao khiến nhiều người lại nơm nớp lo hóa đơn tiền điện gia tăng.

Công suất cực đại tháng 5 cao hơn tháng 4 khoảng 1.330 MW

Trong tháng 4 vừa qua, nhiều nơi trên cả nước đã ghi nhận sản lượng điện tiêu thụ trong ngày phá kỷ lục cao nhất của các năm trước. Đặc biệt, TP.HCM phá kỷ lục về tiêu thụ điện khi vượt mốc 100 triệu kWh/ngày và liên tục trong nhiều ngày của tuần cuối tháng 4. Trên cả nước, công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ ngày đã tăng cao với những con số đạt kỷ lục. Báo cáo của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho thấy công suất cực đại có ngày đã lên tới 47.670 MW, sản lượng tiêu thụ ngày cao nhất đạt 993 triệu kWh. Tháng 4 được ghi nhận là tháng nóng lịch sử cả về nhiệt độ và thời gian nóng, nên sản lượng điện tiêu thụ tăng cao cũng là điều dễ hiểu.

Đơn vị trực thuộc Điện lực miền Nam xuống tận nhà máy tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm điện

Đơn vị trực thuộc Điện lực miền Nam xuống tận nhà máy tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm điện

ĐÌNH HOÀNG

Tuy vậy, EVN mới đây đưa ra dự báo trong tháng 5 nhu cầu phụ tải sẽ tiếp tục tăng cao, công suất cực đại của hệ thống điện có thể lên tới 49.000 MW, cao hơn mức kỷ lục ngày của tháng trước đến 1.330 MW. Riêng khu vực miền Bắc được dự báo có thể có công suất cực đại lên đến 24.500 MW khiến nhiều người thắc mắc.

Theo EVN, nhu cầu điện tăng cao vào tháng 5 xuất phát từ thời tiết nắng nóng trên diện rộng cả nước, đặc biệt với các tỉnh ở khu vực Bắc bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên và cả khu vực Tây nguyên - Nam bộ. Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1,5 - 2,5 độ C. Đối chiếu vào thực tế, những ngày đầu tháng 5, nhu cầu sử dụng điện vẫn tăng cao, đa số trên 100 triệu kWh/ngày, thậm chí nhiều nơi tại TP.HCM đã xuất hiện tình trạng điện bị cắt đột ngột do quá tải cục bộ nên gián đoạn tạm thời trong thời gian ngắn. Thời lượng cắt điện đột ngột ngắn thì từ 30 - 40 phút, dài hơn có khi lên đến 2 - 4 tiếng đồng hồ mới khắc phục xong. Đại diện Điện lực TP.HCM lý giải trường hợp này thỉnh thoảng xảy ra sau 19 giờ, khi các gia đình tập trung sử dụng điện nhiều trong cùng một thời điểm, gây quá tải cục bộ và chỉ gián đoạn điện tạm thời trong thời gian ngắn.

Điện tiêu thụ kỷ lục thì người sử dụng lại phập phồng. Trước đó, hóa đơn tiền điện tháng 4 của nhiều hộ tăng từ 20 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình tiêu thụ điện và dự báo của ngành điện lực, nguy cơ trả tiền điện nhiều hơn là khá lớn. Hộ bà Hồ Thanh Phương (Q.11, TP.HCM) chỉ có 2 ông bà già đã nghỉ hưu. Trong tháng 4, cũng có nhiều ngày hộ bà Phương dùng điện ở mức cao so với trước, từ 15 - 18 kWh, còn lại dao động từ 8 - 12 kWh/ngày. Tuy vậy, những ngày tháng 5, có nhiều ngày liên tiếp, lượng điện dùng phổ biến 15 - 17 kWh/ngày. "Có thấy mưa vài giọt, hy vọng trời mát hơn, nhưng đâu được 1 - 2 ngày, lại nắng nóng, bức bối lại. Ngay như hôm nay (13.5), trời nóng bức ngột ngạt từ sáng sớm, 7 giờ thì nắng chói chang, quạt vẫn mở chạy vù vù… Làm sao giảm tiền điện được?", bà Phương lo lắng nói.

Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Văn Minh (Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng cho biết máy lạnh của gia đình do mở hết công suất và kéo dài liên tục, nên mới vệ sinh máy lạnh sau tết âm lịch (cuối tháng 2), nay bị bẩn, quá tải, đêm đang ngủ nước nhiễu xuống sàn nhà. "Tiền điện tháng 4 cao hơn 50% so với tháng 3, nay tôi theo dõi chỉ số tiền điện trong 13 ngày đầu tháng 5 vẫn chưa thấy giảm, chắc chắn hóa đơn tiền điện tháng 5 tiếp tục "neo đỉnh" thôi. Chưa bao giờ mong muốn ngày nắng nóng trôi qua nhanh như lúc này", ông Minh nói.

Ngành điện nói "nhất định không để thiếu điện"

Tiền điện tăng cũng lo, song lo lắng hơn vẫn là bị cắt điện luân phiên. Nhưng theo chỉ đạo của EVN xuống Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị, các tổng công ty… thì ngành này "nhất định không để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống người dân trong bất cứ trường hợp nào".

Cụ thể trong tháng 5 này, EVN tiếp tục đôn đốc các đơn vị tập trung lực lượng tại các công trường, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm: Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng; nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch; hoàn thiện các thủ tục thu xếp vốn cho dự án thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bác Ái để sớm khởi công công trình… Đặc biệt, ngoài việc đôn đốc từng ngày phải hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 để kịp đưa điện từ miền Trung ra miền Bắc vào cuối tháng 6, EVN đã chỉ đạo Tổng công ty truyền tải điện quốc gia và Ban Quản lý dự án điện 2 sớm hoàn thành dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào trong tháng 5 này. Theo đó, hoàn thành trạm Đắc Ooc, đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống, đường dây 500 kV Moonson - Thạnh Mỹ… để kịp thời đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc. Bên cạnh đó, yêu cầu đơn vị truyền tải quốc gia phải liên tục kiểm tra hành lang tuyến, chủ động ngăn ngừa các nguy cơ sự cố và giảm tối đa sự cố lưới điện truyền tải.

Mới nhất, Chính phủ có văn bản trả lời tới Bộ Công thương và EVN đồng ý về việc nhập khẩu điện gió từ nhà máy điện gió Trường Sơn (Lào) về VN cũng như chủ trương đầu tư lưới điện đấu nối. Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, Quy hoạch Điện 8 được Chính phủ phê duyệt tháng 5.2023 đã định hướng đến năm 2030, nhập khẩu khoảng 5.000 MW từ Lào theo Hiệp định giữa hai Chính phủ, sản xuất 18,8 tỉ kWh mỗi năm; có thể tăng lên 8.000 MW. Bằng cách nhập khẩu điện từ Bắc và Trung Lào, VN có thể bổ sung ngay lập tức nhu cầu điện mùa cao điểm cho miền Bắc, giảm áp lực lên lưới điện truyền tải.

"Giải pháp nhập khẩu điện từ Lào là lựa chọn đúng đắn và cần thiết do hiện nay tình trạng thiếu điện đã và đang diễn ra ở miền Bắc, và có xu hướng ngày càng căng thẳng hơn do sự phát triển của nhu cầu phụ tải điện đang nhanh hơn so với khả năng phát triển của nguồn điện và lưới điện. Vấn đề là nhập điện từ Lào thế nào để đáp ứng nhu cầu thiếu điện của miền Bắc, song không tạo thêm áp lực lớn lên lưới điện xương sống 500 kV của nước ta - vốn đã và đang đầy tải do truyền tải điện từ các dự án điện tái tạo từ miền Nam ra miền Bắc", ông Sơn cho hay.

Theo chuyên gia Hà Đăng Sơn, để nhập khẩu được 5.000 - 8.000 MW điện từ Lào, cần ít nhất từ 13 - 15 đường dây liên kết lưới điện ở cấp điện áp 220 kV, tập trung trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung bộ từ Hà Tĩnh tới Quảng Nam. Thế nên, Quy hoạch Điện 8 đã đưa vào 3 liên kết lưới điện mới với Lào ở cấp điện áp 500 kV nhằm đảm bảo nhu cầu nhập khẩu ổn định từ 1.800 - 2.500 MW. Nếu toàn bộ công suất điện từ nhập từ Lào được truyền thẳng lên lưới điện 500 kV Bắc - Nam, sẽ là giải pháp kinh tế, hiệu quả và ít gây ảnh hưởng đến môi trường.

EVN tiếp tục kêu gọi người dân và doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, đặc biệt trong giờ cao điểm. Tại TP.HCM, từ nay đến 30.6, UBND TP.HCM yêu cầu tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng quảng cáo, hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi xe, khuôn viên, các khu vực công cộng từ 22 giờ. Đặc biệt, từ 22 giờ đêm phải tắt toàn bộ hệ thống chiếu sáng trang trí để tiết kiệm điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.