Đằng sau mức giá kỷ lục của cà phê

Chí Nhân
Chí Nhân
20/01/2024 06:15 GMT+7

Giá cà phê nhân thế giới vượt mốc 3.170 USD/tấn, giá tại thị trường nội địa sát ngưỡng 73.000 đồng/kg, tình trạng mất cân bằng cung cầu cộng thêm căng thẳng trên biển Đỏ khiến giá cà phê liên tục phá vỡ các kỷ lục do chính mình tạo ra. Nhưng phía sau các kỷ lục không hẳn là niềm vui...

Giá cao, nông dân không được lợi ?

Tại Đắk Lắk, thủ phủ cà phê VN, nhiều nông dân phấn khởi vì giá cà phê liên tục tăng nhưng cũng có nhiều người tiếc hùi hụi vì đã bán từ trước đó rất lâu. Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Eatu (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cho hay: "Mới hôm nay (18.1) giá đứng lại và giảm nhẹ, còn mấy ngày trước liên tục tăng mạnh, gần chạm ngưỡng 73.000 đồng/kg, cao nhất lịch sử. HTX Eatu của chúng tôi chủ yếu mua hạt cà phê chất lượng cao để chế biến cà phê rang xay nên giá cao hơn thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, tùy chất lượng".

Ông cũng cho biết thời gian gần đây, bà con nông dân trúng mùa trúng giá nhiều loại nông sản nên ít bị áp lực tài chính. Do đó, nhiều người cũng không vội bán hàng ra và trữ lại với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Điều này càng khiến nguồn cung hạn chế, giá tăng và chưa có dấu hiệu giảm. Cũng chưa khi nào mà giá cà phê tăng cao như vậy trong thời điểm này. Giá biến động quá cao và biến động mạnh khiến HTX cũng khó mua, khó bán.

Đằng sau mức giá kỷ lục của cà phê- Ảnh 1.

Trong khi đó, tại H.Krông Nô (Đắk Nông), ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Nga Thanh, cũng thừa nhận giá cà phê tăng hằng ngày, mỗi ngày tăng khoảng hơn 1.000 đồng/kg. Đáng nói theo ông Đạt, giá tăng cao nhưng thực tế nông dân không được hưởng tương ứng do thời điểm tháng 5 - 6.2023, các thương lái đã hợp đồng, cọc tiền thu mua với giá 52.000 - 53.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao mà nhiều người trồng cà phê kỳ vọng nên họ đã ký bán. Bên cạnh đó, năm nay năng suất cà phê ở địa phương giảm 40 - 50%, chỉ còn khoảng 1,7 - 1,8 tấn/ha, nên lợi nhuận nông dân thu về không đáng kể. Ngay cả với thương lái, không ai nghĩ giá sẽ lên mức hiện tại nên rất nhiều người "bán khống" khi chưa mua được hàng, dẫn đến hiện tại thua lỗ nặng.

"Cũng vì giá tăng cao ngoài sức tưởng tượng nên có trường hợp nông dân "bẻ kèo", nhiều đơn vị không có hàng giao cho đối tác nên xảy ra tình trạng thua lỗ, vỡ nợ. Giá tăng quá cao nên nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập. Hiện tại, phần lớn cà phê nằm trong tay các doanh nghiệp lớn. Mức giá hiện tại cũng chỉ là cuộc chơi của các doanh nghiệp này mà thôi, hàng trong dân còn không đáng kể", ông Đạt nói thẳng.

Đằng sau mức giá kỷ lục của cà phê- Ảnh 2.

Giá cà phê nội địa tăng mạnh theo giá thế giới

Minh Đăng


Cũng vì giá tăng cao ngoài sức tưởng tượng nên có trường hợp nông dân "bẻ kèo", nhiều đơn vị không có hàng giao cho đối tác nên xảy ra tình trạng thua lỗ, vỡ nợ. Giá tăng quá cao nên nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập. Hiện tại, phần lớn cà phê nằm trong tay các doanh nghiệp lớn. Mức giá hiện tại cũng chỉ là cuộc chơi của các doanh nghiệp này mà thôi, hàng trong dân còn không đáng kể.

Ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Nga Thanh

Đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê vì căng thẳng Biển Đỏ

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có thương hiệu lớn của VN, chia sẻ: Giá cà phê tăng mạnh có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cơ bản là mất cân đối cung cầu. VN ngay trong năm cũng có tình trạng thiếu nguồn cung liên tiếp 4 tháng. Năm nay, vụ thu hoạch cũng trễ khoảng 1 tháng so với bình thường. Những yếu tố đó đẩy giá cà phê nhân trên thị trường thế giới lần đầu tiên vượt mốc 3.150 USD/tấn. Ngoài tình trạng mất cân đối cung cầu thì căng thẳng trên biển Đỏ khiến cước tàu tăng vọt, thời gian vận chuyển kéo dài cũng là vấn đề góp vào cơn "bão giá" hiện nay.

"Cập nhật mới nhất là cước tàu biển tiếp tục tăng gần gấp đôi, chỉ trong khoảng 10 ngày gần đây. Cụ thể đầu tháng này, hàng đi Mỹ tăng từ gần 2.000 USD lên 4.500 - 5.000 USD/container, châu Âu tăng mạnh từ mức 600 lên 4.000 - 7.100 USD/container. Doanh nghiệp chúng tôi bình thường mỗi ngày đi 40 - 50 container hàng hóa các loại, bây giờ mở mắt ra mọi thứ đều tăng nên cũng chưa biết ứng phó, dự báo thế nào trong bối cảnh đầy biến động này", ông Thông tâm sự.

Cũng là một doanh nghiệp lớn trong ngành cà phê VN, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao VN, có cùng nhận định: Giá cà phê tăng cao vì nhu cầu thế giới lớn nhưng nguồn cung VN hạn chế do mất mùa. Bên cạnh đó, lượng hàng bán ra của người dân và thương lái thực tế thấp. Dù giá đã 70.000 đồng nhưng lượng hàng hóa giao dịch chỉ mới khoảng 50% so với nguồn cung.

"Nếu chúng ta nhìn vào con số tuyệt đối, trước đây giá cà phê chỉ 30.000 - 40.000 đồng/kg còn nay 60.000 - 70.000 đồng/kg mà bảo lời thì cũng chỉ mới đúng một phần. Vì năm nay năng suất cà phê giảm khá mạnh nên doanh thu tăng không nhiều. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất, chi phí sinh hoạt của người lao động và những chi phí mềm khác của xã hội cũng tăng. Ngoài ra, sức cạnh tranh của cà phê với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao khác không mạnh nên xét về thu nhập thực của người trồng cà phê hiện tại lại không cao. Đó cũng là lý do nhiều người chuyển hướng qua cây trồng khác, đặc biệt là sầu riêng", ông Hiệp phân tích.

Ông Hiệp cũng thừa nhận căng thẳng biển Đỏ là một phần nguyên nhân của cơn sốt giá cà phê hiện tại. Ngoài cước phí vận tải tăng vọt thì thời gian giao hàng kéo dài 2 - 3 tuần so với trước đây, thậm chí vấn đề nguy hiểm hơn là thiếu container và không có tàu. Trước thực trạng đó, các nhà nhập khẩu rang xay ở Mỹ và EU giảm mạnh lượng tồn kho. Họ buộc phải tăng giá mua hàng giao kỳ hạn dài để duy trì nguồn cung.

"Khi nào có tàu hàng qua đến Âu, Mỹ một cách đều đặn thì giá mới có thể dịu lại. Nếu căng thẳng trên biển Đỏ vẫn kéo dài thì giá cả hàng hóa tiếp tục bị ảnh hưởng. Do có hợp đồng mà không xuất được hàng nên hiện tại doanh nghiệp xuất khẩu của VN cũng không dám ký thêm hợp đồng mới. Bây giờ ký hợp đồng lại lo thế giới biến động mạnh có nguy cơ dẫn đến thua lỗ", ông Hiệp lo lắng.

Giá cà phê thế giới cao lịch sử, giao dịch mạnh

Theo cập nhật từ chuyên trang Giá cà phê, ngày 17.1, giá cà phê robusta trên sàn London kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 183 USD, lên 3.170 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 142 USD, lên 3.004 USD/tấn, đây là những mức tăng cực mạnh. Khối lượng giao dịch "khủng", hiếm thấy. Tương tự, giá cà phê arabica trên sàn New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng 5,25 cent, lên 185,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 4,7 cent, lên 182,05 cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Đến ngày 18.1 (giờ địa phương), giá cà phê robusta sàn London kỳ hạn giao tháng 3 giảm nhẹ 14 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 5 giảm 42 USD. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình. Tương tự, giá cà phê arabica sàn New York, kỳ hạn tháng 3 và tháng 5 cùng giảm 6,05 cent. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.