Đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ thất thoát hàng trăm tỉ đồng tại VEAM

Thái Sơn
Thái Sơn
07/10/2021 06:25 GMT+7

Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ thất thoát hàng trăm tỉ đồng tại VEAM.

Ngày 6.10, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ án gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước hàng trăm tỉ đồng tại Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp VN (VEAM), Công ty CP vận tải và thương mại VEAM (VETRANCO) và các đơn vị liên quan.

Các bị can (từ trái qua) Trần Ngọc Hà, Lâm Chí Quang, Nguyễn Mạnh Chung và Vũ Từ Công

BỘ CÔNG AN CUNG CẤP

Trong vụ án này, các bị can: Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, cựu Tổng giám đốc VEAM; Vũ Quang Tâm và Vũ Từ Công, cùng là cựu Phó tổng giám đốc VEAM; Đào Quốc Việt, cựu Giám đốc VETRANCO; Trần Quang Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đại Nam, cùng bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Các bị can còn lại bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

C03 khởi tố vụ án này từ tháng 8.2019, đến nay đã 3 lần ra kết luận điều tra và điều tra bổ sung. Trong đó, ở giai đoạn điều tra bổ sung, từ tháng 8.2021, C03 đã khởi tố thêm 10 bị can.

Theo kết luận điều tra, VEAM là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tổng công ty nhà nước. Năm 2010, VEAM chuyển sang hình thức công ty mẹ - con theo quyết định của Bộ Công thương, với 25 công ty con và đơn vị thành viên. Năm 2017, VEAM hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm hơn 88%. VETRANCO là công ty con của VEAM. Trong hơn 12,5 tỉ đồng vốn điều lệ ở công ty này, VEAM chiếm 51%. Trong giai đoạn 2007 - 2013, VEAM đã bảo lãnh, cho vay trái quy định đối với VETRANCO số tiền 193 tỉ đồng. Từ việc bảo lãnh này, VETRANCO vay vốn ngân hàng sử dụng nhiều mục đích khác nhau như ký hợp đồng mua hàng trả chậm đối với nhóm công ty của Trần Quang Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đại Nam. Đến nay, nhóm công ty của Trần Quang Tiến đã ngừng hoạt động, không còn tài sản gì nên gây thiệt hại lớn cho VEAM cũng như VETRANCO. Trong đó, việc bảo lãnh cho vay gây thiệt hại hơn 183 tỉ đồng.

Từ năm 2014, VEAM triển khai dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn (Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư hơn 1.488 tỉ đồng. Dù dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng lãnh đạo VEAM khi đó đã giải ngân thuê đất, mua thiết kế sở hữu công nghiệp… Năm 2018, dự án phải tạm dừng bởi không hiệu quả, gây thiệt hại hơn 56,5 tỉ đồng. Ngoài ra, từ năm 2015, lãnh đạo VEAM khi đó đã ký hợp đồng, thực hiện thỏa thuận với 2 doanh nghiệp Trung Quốc phát triển dự án sản xuất ô tô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Sri Lanka. Dự án này sau đó cũng được xác định không khả thi, gây thiệt hại cho VEAM gần 10 tỉ đồng đã chuyển cho đối tác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.