Đề xuất bỏ ngạch thẩm phán cao cấp, trung cấp và sơ cấp

22/02/2023 11:19 GMT+7

TAND tối cao đề xuất sửa đổi, bổ sung ngạch thẩm phán TAND, theo đó sẽ có thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị.

TAND tối cao vừa đăng tải dự thảo lần 2 hồ sơ xây dựng dự án luật Sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức TAND năm 2014. Cơ quan này đề xuất hàng loạt chính sách mới liên quan đến chức danh tư pháp là thẩm phán.

Đề xuất bỏ ngạch thẩm phán cao cấp, trung cấp và sơ cấp - Ảnh 1.

Hội đồng xét xử một vụ án, trong đó có 2 thành viên là thẩm phán TAND

PHÚC BÌNH

Theo luật Tổ chức TAND năm 2014, thẩm phán TAND có 4 ngạch, gồm: thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp.

Trong đó, TAND tối cao có thẩm phán TAND tối cao; TAND cấp cao và Tòa án quân sự T.Ư có thẩm phán cao cấp; TAND cấp tỉnh và tòa án quân sự quân khu có thẩm phán cao cấp, trung cấp và sơ cấp; TAND cấp huyện và tòa án quân sự khu vực có thẩm phán trung cấp, sơ cấp.

TAND tối cao cho rằng quy định như hiện hành dẫn tới nhiều hạn chế trong công tác xét xử, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án.

Vì vậy, TAND tối cao đề xuất đổi mới cơ cấu ngạch, bậc theo hướng thẩm phán TAND sẽ gồm: thẩm phán TAND tối cao (do Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng Tư pháp quốc gia), thẩm phán (do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng Tư pháp quốc gia) và thẩm phán dự bị (do Chánh án TAND tối cao bổ nhiệm theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ).

Trong đó, thẩm phán dự bị được bổ nhiệm để tập làm các công việc của thẩm phán trước khi được bổ nhiệm thẩm phán. Cụ thể, thẩm phán dự bị sẽ thực hiện một số nhiệm vụ của thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử dưới sự giám sát của thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc, nhưng không được chủ tọa phiên tòa hoặc phiên họp giải quyết vụ việc.

Riêng thẩm phán có 8 bậc, từ bậc 1 đến bậc 8. Tại TAND tối cao sẽ có thẩm phán TAND tối cao, các ngạch, bậc thẩm phán và thẩm phán dự bị, thay vì chỉ có thẩm phán TAND tối cao như hiện nay. Tại các tòa án khác sẽ có thẩm phán và thẩm phán dự bị.

Vẫn theo TAND tối cao, luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định thẩm phán có nhiệm kỳ đầu là 5 năm, nếu được bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

Quy định này tuy đã có đổi mới so với trước đây nhưng vẫn cần cân nhắc thêm vì chưa tạo tâm lý yên tâm công tác cho các thẩm phán. Trong khi đó, thời gian thực hiện quy trình bổ nhiệm lại đối với thẩm phán tương đối dài, thời gian để nâng ngạch cũng lên tới 5 năm - quá dài và khó xây dựng nguồn nhân sự.

Vì vậy, trong đề cương dự thảo luật sửa đổi, TAND tối cao đề xuất quy định bổ sung theo hướng kéo dài nhiệm kỳ của thẩm phán, nhưng chưa đưa ra thời gian kéo dài cụ thể là bao lâu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.