Đề xuất tăng mức phạt với người trúng đấu giá ‘bỏ cọc’

21/05/2024 14:55 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc nâng mức tiền cọc chưa thể xử lý triệt để người trúng đấu giá bỏ cọc, mà cần xử lý bằng các hình thức khác.

Chiều 21.5, báo cáo Quốc hội luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật quy định, trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh

GIA HÂN

Theo ông Thanh, trong quá trình tiếp thu, giải trình, nhiều ý kiến đề nghị cần nâng mức tiền đặt trước để hạn chế những trường hợp nộp hồ sơ nhằm thông đồng, dìm giá, bỏ cọc sau khi trúng đấu giá. 

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở quy định tiền đặt trước từ 5 - 20% tại dự thảo luật, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về mức tiền đặt trước. Đại biểu cũng cho rằng cân nhắc quy định tiền đặt trước theo hướng tăng theo lũy kế sau mỗi bước giá và phương án xử lý tiền đặt trước tại dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp, vì các tài sản đặc thù này thường có giá trị rất lớn.

Đề xuất tăng lũy tiến tiền cọc

Theo báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% - 20% của luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá.

Việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.

“Việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước. Việc quy định tiền đặt trước từ 5 - 20% để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với khoảng 20 loại tài sản đưa ra đấu giá hiện nay", ông Thanh nói.

Hiện quy định tiền cọc tại Anh từ 5% - 10%; Mỹ từ 5% - 25% nhưng không quá 25.000 USD; Trung Quốc là 25% nhưng không quá 50.000 Nhân dân tệ….

Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể và xử lý hình sự đối với những trường hợp bỏ cọc không thực hiện kết quả trúng đấu giá, có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế. 

Thậm chí, đề nghị cấm người có hành vi vi phạm gây lũng đoạn thị trường ít nhất là 5 năm. Nghiên cứu bổ sung chế tài nghiêm khắc hơn, như mức bồi thường cụ thể bằng tiền có giá trị cao đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đấu giá tài sản, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung chế tài cụ thể xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc (như phạt tiền đặt cọc gấp đôi, bồi thường chi phí tổ chức đấu giá, không được tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định, công khai danh sách người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán, xử lý dân sự, hành chính, hình sự). 

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng đấu giá tài sản là quan hệ dân sự, do đó không nên quy định xử lý hành chính, hình sự. Đồng thời, quy định người trúng đấu giá được từ chối kết quả trúng đấu giá do có sự kiện bất khả kháng.

Đề xuất tăng mức phạt với người trúng đấu giá ‘bỏ cọc’- Ảnh 2.

Một số trường hợp trúng đấu giá biển số ô tô đã bỏ cọc

T.N

Theo ông Vũ Hồng Thanh, điều 218 của bộ luật Hình sự đã có quy định về tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản và chế tài hình sự đối với hành vi thông đồng, dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Đồng thời, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã có các quy định cụ thể về chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm tương ứng, trong đó có hành vi thông đồng, dìm giá.

Song mức xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ hiện chưa đủ sức răn đe và ngăn ngừa các hành vi vi phạm.

“Đề nghị Chính phủ đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung Nghị định 82 theo hướng bổ sung và nâng mức xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với hành vi bỏ cọc, thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản”, ông Thanh nói.

Chưa luật hóa đấu giá biển số ô tô

Với đấu giá biển số ô tô, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về đấu giá biển số xe là tài sản phải đấu giá; đề nghị bổ sung quyền sử dụng số xe là theo quy định của pháp luật về giao thông.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay việc đấu giá biển số xe ô tô đang được thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 73 của Quốc hội trong 3 năm kể từ ngày 1.7.2023. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết và đề xuất hoàn thiện pháp luật về đấu giá biển số xe ô tô tại kỳ họp đầu năm 2026. 

Do thời gian thực hiện thí điểm chưa được 1 năm nên cần thêm thời gian để đánh giá và tổng kết trước khi xem xét đưa vào luật. Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bổ sung nhưng đến nay, Chính phủ chưa có văn bản về nội dung này nên chưa có cơ sở luật hóa.

Về đề nghị bổ sung quyền sử dụng kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là tài sản phải đấu giá và cùng thuộc một nhóm kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ do pháp luật chuyên ngành quy định. Vì thế, chưa bổ sung các loại tài sản này tại dự thảo luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.