Đi tàu lửa ở Malaysia

27/08/2023 07:16 GMT+7

Đối với những người đang xem xét việc du hành tự túc Malaysia, có lẽ nên quan tâm tới tàu lửa. Phương tiện giao thông này cung cấp thêm một cơ hội cho những người du hành khám phá một cách an toàn trong khi lại tiết kiệm được chi phí.

Dành thời gian đi tàu lửa có lẽ là cách tốt nhất để kết nối với đất nước và người dân Malaysia. Đặc biệt đối với những tâm hồn tự do đang lên kế hoạch hành trình, tàu lửa không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là một cánh cửa dẫn vào một thế giới mới lạ. Đối với tôi, những chuyến tàu không chỉ để di chuyển, mà còn là cách để đắm chìm trong vẻ đẹp đồng quê của một đất nước. Như chiêm ngưỡng những bức tranh sống động khi nhìn qua cửa sổ tàu.

Đi tàu lửa ở Malaysia - Ảnh 1.

Tàu chạy trên đường ray 1 m phổ biến ở Malaysia

Ngọc Trân

Rộng rãi, tiện nghi

Hệ thống đường sắt Malaysia nổi bật với sự tiết kiệm, đáng tin cậy và tiếp cận dễ dàng. Tàu lửa Malaysia có ghế ngồi rộng rãi và thoải mái. Mặc dù không chạy nhanh như tàu Nhật Bản Shinkansen, do chủ yếu tốc độ tối đa chỉ 160 ki lô mét mỗi giờ, nhưng tàu Malaysia vẫn có thể di chuyển giữa các thành phố mà không khó khăn gì. Yếu tố tiện lợi làm cho nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều người.

Malaysia sở hữu một trong những hệ thống đường sắt đáng tin cậy hàng đầu Đông Nam Á. Thông tin về mạng lưới này được cập nhật trên trang www.railtravelstation.com/malaysia-railway-network-guide để mọi người có thể tìm hiểu.

Tàu lửa đi từ Ipoh đến Kuala Lumpur với tốc độ 160 km/giờ, được cho là cao nhất trong hệ thống đường sắt Malaysia. Đơn giản vì tàu chỉ dừng tại những ga chính dọc tuyến, không giống như các tàu khác có thể dừng nhiều lần trên đường đi. Ví dụ, hành trình trước đó của tôi giữa Butterworth với Ipoh thì tốc độ tàu dao động khoảng từ 120 - 130 km/giờ, do tàu dừng tại nhiều ga hơn, như tàu chợ.

Malaysia có vẻ đã thành công trong việc chuyển đổi hệ thống đường sắt với đường ray 1 m do người Anh để lại thành một mạng lưới tàu hiện đại, kết nối được với đường ray cùng khổ hẹp 1 m của Thái Lan. Cả hai quốc gia này đều không nghèo, nhưng tôi nghĩ có lẽ chính phủ nước họ tiết kiệm tiền, để dành cho các dự án khác. Họ không xây dựng thêm hệ thống đường sắt được cho là tiên tiến với khổ rộng 1,435 m.

Đối với Malaysia, qua tìm hiểu, tôi biết được họ chuyển đổi bằng cách thay tà vẹt, tức gối, bằng gỗ với tà vẹt bê tông. Họ mua tàu từ Trung Quốc, nhưng buộc doanh nghiệp Trung Quốc phải sản xuất tàu ngay ở Malaysia và dùng cho đường ray 1 m "lạc hậu". Tôi nhìn thấy trong toa tàu cả hàng chữ, đại ý tàu xuất xứ Trung Quốc nhưng sản xuất tại Malaysia. Thỏa thuận cũng yêu cầu phải chuyển giao công nghệ, như nhiều quốc gia, nhưng họ thành công có lẽ bởi cách quản lý và hợp đồng chặt chẽ.

Đi tàu lửa ở Malaysia - Ảnh 2.

Tranh tường ở “Phố Tình nhân”, nơi cư ngụ một thời của người tình doanh nhân Ipoh

Ngọc Trân

Đi tàu quả thú vị

Từ TP.HCM đến George Town, thành phố được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, chỉ có lựa chọn duy nhất là di chuyển bằng máy bay. Tôi khám phá thành phố này trong vòng 2 ngày, vừa đủ để quanh quẩn trong khu phố cổ dễ thương.

Rồi tôi rời George Town nằm trên một hòn đảo để đến Butterworth bằng phà biển và gặp bất ngờ thú vị: phà là miễn phí. Điều này giúp tiết kiệm được chút ít tiền.

Sau khi tới Butterworth, chờ chừng một tiếng đồng hồ, ăn trưa xong thì tôi bắt đầu phần tiếp theo của hành trình bằng tàu lửa đến Ipoh.

Du hành bằng tàu lửa thú vị lắm. Là cơ hội để thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên của đồng quê như ở Malaysia. Dẫu chỉ mới đi qua một phần của đất nước này, tôi được nhìn ngắm những thung lũng xanh, đồng lúa vàng, đồn điền trồng cọ lẫn những ngọn đồi thâm thấp và những dòng sông lững lờ trôi.

Chưa hết, hành khách thấy cả những ngôi làng truyền thống Malaysia, rất đặc sắc.

Đi tàu lửa ở Malaysia - Ảnh 3.

Sầu riêng quảng cáo tiếng Việt ở phố Tàu Kuala Lumpur

Ngọc Trân

Hành trình từ Butterworth đến Ipoh chừng 150 km bằng tàu lửa mất khoảng 2 hoặc 3 giờ, tùy thuộc vào loại tàu sử dụng. Thành phố này có khu phố cổ không quá nổi tiếng như George Town, nhưng tôi cũng dành ra 2 ngày để khám phá.

Đi dọc "Phố Tình nhân" ở Ipoh là một trải nghiệm đáng nhớ. Con đường nhỏ này, theo bia đá ghi phía trước, từng là nơi sống của những người tình các doanh nhân giàu có Malaysia trong thời hoàng kim của ngành khai thác thiếc.

Theo thời gian, "Phố Tình nhân" đã biến đổi đáng kể, từ là nơi cư trú của người tình những doanh nhân gần đây đã trở thành một trong những điểm tham quan phổ biến nhất Ipoh. Tôi ghé thưởng thức cà phê trên lầu một cái quán ấm cúng của nơi này, thấy vài cô gái bỏ đồ đạc đáng giá trên bàn mà không lo sợ gì. Tôi cũng vào một nhà hàng nhỏ trong khu phố lịch sử ăn một tô mì ban trưa. Cảm nhận là ngon, rẻ và dễ ăn hơn mì soba Nhật Bản!

Tiếp tục tàu thôi

Rồi tôi tiếp tục leo lên một con tàu để đi từ Ipoh đến Kuala Lumpur.

Hệ thống đường sắt Malaysia

Hệ thống đường sắt Malaysia gồm hai mạng lưới chính đều dùng đường ray khổ 1 m: đường sắt bán đảo; đường sắt Bang Sabah.

Đường sắt bán đảo gồm khoảng 1.833 km, kết nối hầu hết các thành phố lớn, thị trấn chính của bán đảo Malaysia, do Công ty quốc doanh Keretapi Tanah Melayu Berhad (KTMB) điều hành. Còn đường sắt Bang Sabah là hệ thống duy nhất ở đông Malaysia, chạy từ Kota Kinabalu đến Beaufort và Tenom, chỉ gồm khoảng 134 km đường ray, do Sở Đường sắt Bang Sabah (JKNS), một cơ quan chính phủ, điều hành.

Đường sắt bán đảo bao gồm một số loại tàu liên thành phố, tàu điện, tàu chạy sân bay và tàu cao tốc (đang thực hiện) chở người lẫn hàng hóa. Đường sắt Bang Sabah chỉ có một loại tàu chở hành khách.

Về hiệu quả, một nghiên cứu vận tải bền vững qua xe lửa Thung lũng Klang (bao gồm Kuala Lumpur và ngoại ô) cho thấy hệ thống đường sắt hiện tại đáp ứng được các tiêu chí của phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế lẫn xã hội trong dài hạn.

Đặt trước khách sạn tại khu phố Tàu Kuala Lumpur, tôi ở lại đó 3 ngày, tận hưởng sự sôi động của khu phố văn hóa đậm màu Hoa này. Bất ngờ thú vị khi tôi gặp một người bán sầu riêng ghi tiếng Việt để quảng cáo. Ông ấy cho biết "vì nhiều người Việt mua sầu riêng của tôi lắm".

Trong suốt 3 ngày, tôi di chuyển chủ yếu bằng xe hơi công nghệ khám phá một số điểm địa danh nổi tiếng như Khu mua sắm Bukit Bintang, Bảo tàng Quốc gia Malaysia, tháp đôi Petronas cùng một số chỗ đáng tới khác. Mỗi nơi đều mang đến sự quyến rũ riêng, để lại những kỷ niệm đẹp. Và, tất nhiên, không thể cưỡng lại việc thử những món ăn của Kuala Lumpur (giống TP.HCM, thủ đô Malaysia tập trung món ngon nhiều vùng đất nước): nasi lemak, roti canai và satay…

Sau khi tìm hiểu được một phần nền văn hóa sôi động và lịch sử phong phú của Kuala Lumpur, tôi tới sân bay để quay về nhà ở TP.HCM. Lại dùng tàu, lần này thì mua vé tàu tốc độ cao ở ga đường sắt chính ngay trung tâm thành phố Kuala Lumpur kết nối trực tiếp với sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Tàu chạy 36 km trên khổ đường hơn 1,4 m.

Nói chung, du hành bằng tàu lửa là một trải nghiệm khó quên. Từ phố cổ George Town và Ipoh yên tĩnh cho đến những con đường ồn ào của Kuala Lumpur, việc đi lại với tàu tốc độ vừa phải như góp phần thêm cho sự phong phú trong hành trình khám phá đất nước này.

Đối với tôi, tốc độ tối đa 160 km/giờ đã là quá tuyệt! Tàu lửa ở VN, trước mắt tôi cũng chỉ mong như thế. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.