Điểm nóng biên giới trong cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ

02/03/2024 06:31 GMT+7

Cuộc khủng hoảng dân nhập cư là một trong những đề tài nóng nhất trên đường đua tổng thống Mỹ năm nay, nhưng trước hết ông Donald Trump phải bảo vệ tư cách ứng viên nếu muốn tranh cử.

Trong chuyến công du cùng lúc đến biên giới Mỹ - Mexico ngày 29.2 (giờ địa phương), Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Trump đã tranh cãi về khủng hoảng dân nhập cư, một trong những đề tài nóng nhất trên đường đua vào Nhà Trắng năm nay.

Điểm nóng nhập cư

Ngay sau khi cựu Tổng thống Trump gọi số lượng người vượt biên từ Mexico qua Mỹ ở mức kỷ lục là lỗi của ông Biden, đương kim chủ nhân Nhà Trắng đề nghị đối thủ dừng ngay "trò chơi chính trị", mà thay vào đó hãy đưa ra những đề xuất cải cách hiệu quả hơn.

"Ông Joe Biden phải chịu trách nhiệm cho sự xâm nhập này (của di dân)", AFP hôm qua dẫn lời ông Trump phát biểu tại TP.Eagle Pass (bang Texas) bên cạnh thống đốc bang này là ông Greg Abbott.

Điểm nóng biên giới trong cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ- Ảnh 1.

Hình ảnh Tổng thống Biden (trái) và ông Trump cùng lúc có mặt ở biên giới Mexico

Reuters

Trong khi đó, phát biểu sau ông Trump, Tổng thống Biden tại TP.Brownsville (Texas) đã gửi thông điệp đến đối thủ: "Thay vì chơi trò chính trị về vấn đề này, hãy yêu cầu những thành viên (đảng Cộng hòa) tại quốc hội phản đối dự luật biên giới đứng về phía tôi".

Chỉ tính riêng năm 2023, hơn 2,4 triệu di dân, chủ yếu từ khu vực Trung Mỹ và Venezuela, đã vượt qua biên giới Mexico vào Mỹ. Đối với ông Trump, quan điểm chống nhập cư luôn đóng vai trò trọng tâm trong nghị trình chính trị từ 2017 - 2021, thời điểm ông là tổng thống Mỹ. Và ông tuyên bố sẽ khởi động chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ nếu đắc cử tổng thống năm nay.

Tình trạng di dân ở biên giới phía nam cũng là điểm yếu trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Biden. Kết quả cuộc khảo sát do Đài NBC thực hiện cho thấy ông Trump dẫn trước ông Biden đến 30 điểm về vấn đề nhập cư.

Ông Trump đối mặt nhiều thách thức pháp lý

Sau cuộc tranh cãi với Tổng thống Biden ở biên giới với Mexico, ông Trump tiếp tục ứng phó thách thức pháp lý ở những phiên tòa khác nhau. Hôm qua (giờ VN), Công tố viên đặc biệt Jack Smith nộp kiến nghị lên tòa án ở Florida, yêu cầu thẩm phán Aileen Cannon tiến hành xử án vào ngày 8.7 trong vụ cựu tổng thống giấu các tài liệu mật tại nhà riêng sau khi rời Nhà Trắng.

Trong khi đó, luật sư biện hộ đề nghị thẩm phán dời ngày xử đến 12.8 đối với ông Trump và đồng phạm là trợ lý chính trị Walt Nauta, và đến ngày 9.9 đối với đồng phạm còn lại là ông Carlos De Oliveira. Dù vậy, đoàn luật sư đại diện ông Trump cho rằng cựu lãnh đạo Mỹ phải đối mặt với một phiên tòa bất công, vì được tổ chức trong lúc ông đang bận rộn tranh cử vào Nhà Trắng.

Đồng thời, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nộp đơn kháng cáo sau khi thẩm phán Tracie Porter của hạt Cook (bang Illinois) ra lệnh cho Ủy ban Bầu cử Illinois xóa tên ứng viên đảng Cộng hòa khỏi lá phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này vào ngày 19.3, theo CBS News. Thẩm phán Porter đã truy cứu trách nhiệm của ông trong cuộc bạo loạn Điện Capitol ngày 6.1.2021 để đưa ra quyết định trên.

Về cáo buộc ông Trump can thiệp bầu cử Mỹ năm 2020, Tòa án Tối cao của Mỹ được cho sẽ mất nhiều thời gian để hoàn tất các quy trình tố tụng trước khi có kết luận chính thức về khả năng ông Trump được hưởng quyền miễn truy tố hình sự hay không. Luật sư đại diện ông Trump cho rằng thân chủ được hưởng quyền đó do các hành vi của ông được thực hiện trong lúc còn là tổng thống Mỹ.

Reuters dẫn lời một số chuyên gia pháp lý phân tích rằng các thẩm phán của Tòa án Tối cao cần phải ra phán quyết vào ngày 1.6 nếu muốn đủ thời gian xúc tiến vụ xử án để kết thúc trước ngày dân Mỹ đi bầu 5.11.

Chính phủ Mỹ tạm thời được "giải cứu"

Hôm qua (giờ VN), Quốc hội Mỹ đã chuyển dự luật ngân sách ngắn hạn cho Tổng thống Joe Biden, tạm thời đẩy lùi nguy cơ đóng cửa chính phủ nước này vào ngày 1.3. Theo Đài NBC News, thượng viện thông qua biện pháp tạm thời, gọi là CR, với tỷ lệ 77 phiếu thuận, 13 phiếu chống. Trước đó trong ngày, dự luật đã qua ải hạ viện với tỷ lệ 320-99. Đối mặt nguy cơ chính phủ đóng cửa ngày 1.3, Tổng thống Biden ký CR thành luật vào trước thời hạn này. Dù vậy, CR chỉ cấp thêm ngân sách thêm 1 tuần cho 6 bộ gồm Nông nghiệp, Thương mại, Năng lượng, Nội vụ, Tư pháp, Giao thông và Cựu chiến binh. Điều này có nghĩa là đến ngày 8.3, Quốc hội Mỹ phải thông qua tiếp dự luật mới cho phép các bộ này có ngân sách hoạt động. Trong khi đó, phần còn lại của chính phủ sẽ hết ngân sách vào ngày 22.3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.