Doanh nhân Việt xưa và nay

14/10/2023 10:17 GMT+7

Tinh thần dân tộc là động lực vô hình nhưng chính yếu cho các quyết định kinh doanh đầy tham vọng của nhiều doanh nhân Việt từ xưa đến nay. Trong hội nhập, những nhà tư sản dân tộc lại tiếp tục viết những trang sử về doanh nhân Việt thật ấn tượng.

Những nhà tư sản dân tộc tài ba đầu thế kỷ 20

Ngay từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi người Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa, xây dựng loạt cầu cống, đường sá, ông Bạch Thái Bưởi đã biết hùn vốn với người Pháp, cung cấp nguyên vật liệu cho tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ, khởi đầu là cầu Long Biên lịch sử. Vốn liếng ngày càng tăng, không chịu để tiền nhàn rỗi, ông lập công ty, táo bạo chuyển hướng thuê 3 tàu thủy, khai thác 2 tuyến đường thủy.

Ngày nay, các ông chủ doanh nghiệp Việt rất rạch ròi với chiến lược cho dòng "tiền sống" và dòng "tiền chết", không để hàng hóa, nguyên liệu tồn đọng, tìm cách đẩy dòng "tiền sống" sinh lợi càng nhiều càng tốt. Thế nhưng đầu thế kỷ 20, khi công việc kinh doanh toàn nằm trong tay các thương nhân phương Tây, tư duy "để tiền đẻ ra tiền" của ông Bạch Thái Bưởi là rất táo bạo, giúp ông sớm trở thành thương nhân giàu có, vào hàng "tứ đại gia" xứ Đông Dương.

Doanh nhân Việt xưa và nay - Ảnh 1.

Sản phẩm chế biến từ gạo của doanh nghiệp Việt giới thiệu tại hội chợ quốc tế

CTV

Năm 1940, ông Trịnh Văn Bô được xem là một trong những người giàu có bậc nhất đất Hà thành, thường xuyên giao thương với các thương gia nổi tiếng trong khu vực Đông Dương, sở hữu một nhà máy dệt, nhiều bất động sản…

Sau 10 năm, ông Bạch Thái Bưởi đã sở hữu gần 30 tàu lớn bé và sà lan chạy hầu hết tuyến sông nước miền Bắc, trên 17 tuyến hàng hải trong và ngoài nước, vươn đến tận Hồng Kông, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Singapore... Đặc biệt, có 6 chiếc tàu của hãng tàu Pháp bị phá sản, được ông mua lại đặt cho những tên: Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi. Ngay việc đặt tên cho các con tàu chứng tỏ thương gia này có tinh thần tự tôn dân tộc rất lớn. Thế nên, cái tên "vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi được ghi vào huyền thoại bên cạnh những nhà tư sản yêu nước của dân tộc vào đầu thế kỷ 20 là vậy.

Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam chứng kiến sự du nhập của nhiều ngành công nghiệp nhẹ từ người Pháp như: đóng tàu, luyện kim, sơn… Nhằm phục vụ mục đích mở rộng thuộc địa, chiếm ưu thế ở Đông Dương, người Pháp triển khai rất nhiều dự án làm đường sá, nhà cửa trong giai đoạn này nên nhu cầu mua sắm vật liệu xây dựng cũng ngày càng lớn.

Doanh nhân Việt xưa và nay - Ảnh 3.

Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan năm 2023

H.H

Ông Nguyễn Sơn Hà là thương gia Việt đầu tiên nhìn thấy cơ hội kinh doanh lớn với ngành sơn khi còn là nhân viên cho hãng sơn của Pháp tại Hải Phòng. Ông đã tìm hiểu kỹ thuật làm sơn của người phương Tây, đọc sách tiếng Tây, mày mò nghiên cứu và khởi nghiệp bằng cửa hàng bán sơn, nhận quét sơn nhà, kẻ biển. Dần dần, ông âm thầm chế tạo một sản phẩm sơn riêng cho mình. Năm 26 tuổi, thương gia Nguyễn Sơn Hà đã là chủ Hãng sơn Gecko tại Hải Phòng. Tuy vậy, hàng hóa không có thương hiệu, khó cạnh tranh với người Pháp, ông liền nhận làm đại lý phân phối cho một hãng sơn Pháp và nhanh chóng đưa sơn hiệu Résistanco của mình phủ thị trường cả nước qua hệ thống bán hàng của hãng sơn Pháp này.

Ngày nay, sẽ rất bình thường khi một doanh nhân Việt nói rằng, người nào làm chủ được hệ thống phân phối, kẻ đó thắng. Thế nhưng, những năm đầu thế kỷ 20, ông Nguyễn Sơn Hà đã "thắng người Pháp" bằng tư duy này thì quả là suy nghĩ của một người có tố chất kinh doanh thông minh, tài ba từ trong máu.

Doanh nhân Việt xưa và nay - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm, thương hiệu Việt thành công ra thị trường quốc tế

Nguyên Nga

Nếu những ông Bạch Thái Bưởi hay Nguyễn Sơn Hà là niềm kiêu hãnh cho thương nhân Việt trong những năm đầu thế kỷ 20, Việt Nam còn là nước thuộc địa, thì những nghĩa cử cao đẹp của các thương nhân Ngô Tử Hạ, Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô… đã hiến hết tài sản to lớn của mình cho đất nước cũng là điều xúc động trân trọng. Trước Cách mạng tháng Tám, nhà in nổi tiếng Ngô Tử Hạ tại Hà Nội là nhà hảo tâm của các trí thức yêu nước muốn in ấn sách báo. Nhà in này đã nhiều năm âm thầm hỗ trợ in ấn sách báo, tài liệu, truyền đơn ủng hộ Việt Minh vào những năm trước 1945. Rồi những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà người dân quen gọi là "đồng bạc cụ Hồ" cũng được ra đời từ nhà in Ngô Tử Hạ.

Đặc biệt, sau năm 1945, khi nhu cầu in ấn tiền của Chính phủ mới càng nhiều, chính một nhà tư sản yêu nước khác là ông Đỗ Đình Thiện đã bỏ tiền ra mua lại nhà in của Pháp rồi hiến tặng cho Chính phủ để lập nhà in tiền tại đồn điền của gia đình ở Hòa Bình vào năm 1946. Tuy vậy, ông và gia đình chọn cuộc sống thật giản dị, không trụ lại thủ đô Hà Nội để sinh sống. Sau 1945, bỏ hết cơ ngơi, sản nghiệp tại thủ đô, ông đưa gia đình với 2 người con bé nhỏ lên Việt Bắc, đồng hành cùng Cách mạng 9 năm trường kỳ kháng chiến và giao luôn nhà in cho Ủy ban kháng chiến TP.Hà Nội.

Hay như trường hợp của gia đình và nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, trong Tuần lễ Vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào tháng 9.1945, gia đình ông Bô đã hiến tặng cho Cách mạng số vàng lên đến 5.000 lượng, hơn 90% tài sản gia đình, gần gấp đôi ngân khố Chính phủ có lúc bây giờ. Tại Tuần lễ Vàng này, ông chủ hãng sơn Gecko Nguyễn Sơn Hà cũng đã cùng vợ con tháo hết nữ trang vàng bạc được 10,5 kg, đóng góp cho Cách mạng.

Doanh nhân Việt trong thời đại mới

Ngày nay, Việt Nam trong tâm thế một quốc gia độc lập, hội nhập và là một nền kinh tế mở, những doanh nhân tài ba như những nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi, Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà… ngày một đông đảo hơn và đã định vị được thương hiệu ra thị trường thế giới. Đó là việc VinFast, thương hiệu xe hơi Việt, niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và trong thực tế, hệ sinh thái của Tập đoàn VinGroup do doanh nhân Phạm Nhật Vượng sáng lập, đến nay đã xây dựng nhiều thương hiệu lớn thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học... Đặc biệt, Quỹ VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân sáng lập và tài trợ đến nay đã được 3 năm. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là tổ chức giải thưởng VinFuture - giải thưởng khoa học và công nghệ toàn cầu đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng và là một trong những giải thường niên có giá trị lớn nhất thế giới. Sau 2 mùa giải, đã có 16 nhà khoa học được tôn vinh. Năm 2022, giải thưởng VinFuture trị giá 3 triệu USD đã trao cho phát minh kết nối công nghệ mạng toàn cầu, đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế, xã hội hiện đại.

Doanh nhân Việt xưa và nay - Ảnh 5.

VinFast niêm yết tại sàn chứng khoán Nasdaq, Mỹ

Trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt công nghệ bán dẫn mà Việt Nam đang kỳ vọng sẽ hấp dẫn nguồn vốn ngoại để phát triển, Đại học FPT thuộc Tập đoàn FPT do doanh nhân Trương Gia Bình làm Chủ tịch, đến nay đã công bố thành lập Khoa vi mạch bán dẫn để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại VN. Năm 2022, FPT công bố thành lập Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch FPT Semiconductor và đến nay có thể sản xuất hàng loạt. Kế hoạch 2 năm tới của tập đoàn là cung cấp 25 triệu chip ra toàn cầu. Trong thực tế, ông Trương Gia Bình đã đưa thương hiệu FPT gia nhập thị trường Mỹ từ năm 2008 và đã trở thành đối tác của hơn 300 khách hàng thế giới, trong đó có hơn 30 công ty nằm trong danh sách Fortune 500. Mới đây, tại Hội nghị cấp cao Việt - Mỹ về đổi mới sáng tạo, FPT cũng cho biết sẽ đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại Mỹ vào cuối năm nay. Với khoản đầu tư mới này, FPT đặt tham vọng đạt doanh thu tỉ USD từ thị trường Mỹ vào năm 2030.

Cuối tháng 9 vừa qua, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) do nữ doanh nhân Mai Kiều Liên làm Tổng giám đốc đã ký kết ghi nhớ hợp tác với 2 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân phối, nhập khẩu sữa và nông sản tại Trung Quốc để đưa sản phẩm vào thị trường tỉ dân này. Vinamilk là doanh nghiệp xuất khẩu sữa bột đầu tiên của Việt Nam có mặt ở thị trường Trung Đông với thương hiệu Dielac. Vinamilk cũng là một trong những nhà đầu tư tiên phong đầu tư ra nước ngoài vào các chi nhánh ở thị trường Mỹ, Lào, Campuchia, Philippines… Xây được nhà máy tại các nước không chỉ là thành công của một thương hiệu, mà còn là dấu ấn của ngành sữa Việt Nam trong hành trình chinh phục đưa sản phẩm sữa "made in Vietnam" ra thế giới.

Tương tự, Công ty CP cà phê Trung Nguyên của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ với thương hiệu Trung Nguyên Legend đang tiếp tục tăng sự hiện diện tại các nước phát triển và sớm được giới yêu cà phê chú ý. Ngày 29.9 vừa qua, tiệm cà phê đầu tiên mang thương hiệu Trung Nguyên Legend được khai trương tại Little Saigon (bang California, Mỹ). Như vậy, Mỹ là thị trường lớn thứ 2 của Trung Nguyên Legend đặt chân tới, sau Trung Quốc. Trước đó, tập đoàn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ gây sự chú ý khi lần lượt xuất hiện tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 9.2022 và tháng 7.2023. Chỉ 6 tháng sau khai trương tại Thượng Hải, nơi có hàng trăm thương hiệu cà phê lớn bé của Trung Quốc và thế giới, Trung Nguyên Legend đã vào top quán cà phê toàn Thượng Hải ở hạng mục "Must try" (tạm dịch: nhất định phải thử) hay top 1 về cửa hàng cà phê "hot" nhất trên đường Tây Nam Kinh trên ứng dụng số 1 đánh giá về dịch vụ, địa điểm ăn uống Dazhongdianpin.

Doanh nhân Việt xưa và nay - Ảnh 6.

Cà phê Trung Nguyên tại hội chợ lớn ở Trung Quốc

N.N

Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đặt tham vọng nâng quy mô nhượng quyền tại thị trường Trung Quốc lên 1.000 cửa hàng. Trước Trung Quốc và Mỹ, công ty đã nhượng quyền thành công tại Singapore, Nhật Bản và trong tương lai gần có thể mở tiệm tại Hàn Quốc…

Bao năm qua, ở sân chơi quốc tế, mít sấy Vinamit, hồ tiêu Phúc Sinh, thủy sản Hùng Vương… cũng liên tục làm mưa làm làm gió, kiên cường đứng vững tại nhiều thị trường lớn. Con đường đi ra thế giới của các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt ngày càng rộng mở, ngày càng nhộn nhịp.

Không có doanh nghiệp Việt lớn mạnh, khó có đại bàng đến làm tổ

PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp, nhận xét sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp trong năm nay bị ảnh hưởng nhiều vì một "thế giới phân mảnh". Chiến tranh, suy thoái, dịch bệnh… mà một số nguyên nhân đã xảy ra từ mấy năm trước, đến nay độ ngấm của nó càng lớn hơn. Ảnh hưởng dễ thấy nhất là xuất khẩu giảm, bất động sản đóng băng… Thế nên, những doanh nhân tài ba, từng rất giỏi trong việc xây dựng kiến trúc hạ tầng tài chính cho doanh nghiệp, có uy thế trên thị trường tài chính thế giới… cũng gặp không ít khó khăn. Thậm chí chính họ chịu không ít áp lực để duy trì vị thế và danh tiếng của mình tại thị trường nội địa cũng như ra nước ngoài, buộc phải bán bớt cổ phần, thậm chí bán hết để vận hành và phát triển. Đó là điều rất đáng tiếc. Nhưng sự kiên cường của doanh nhân trong những thời khắc khó khăn này là điều chúng ta phải trân trọng và đánh giá cao.

"Nếu cứ để chìm đắm trong nỗi u uất vì một thế giới phân mảnh, nên chăng chúng ta hãy chủ động để kiến tạo, hướng về một tương lai xán lạn hơn. Nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua đã hơi lãng phí khi không tranh thủ "xốc" lại đội ngũ, hoàn thiện lại hệ thống, chỉnh đốn, kiện toàn đào tạo mảng nhân lực… để tìm cơ hội mới", ông Quân đề xuất.

Theo ông Quân, Chính phủ đã có những chính sách kịp thời, đặc biệt liên quan đến chính sách vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng "trên nóng dưới lạnh" khiến nhiều doanh nghiệp sốt ruột.

"Chúng ta nói nhiều đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào VN, nói nhiều về việc doanh nghiệp nội địa có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Thế nhưng, chúng ta đã và đang giúp những doanh nghiệp cạn dòng vốn, có thừa nhiệt huyết và tham vọng này cụ thể là gì?", ông Quân đặt vấn đề và cho rằng, chất lượng của các nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày một nâng cao hơn hơn. Chính các doanh nghiệp tư nhân năng động này là lý do quan trọng để các tập đoàn tài chính có máu mặt trên thế giới, những quỹ đầu tư lớn, có uy tín thế giới xuất hiện và đóng đô tại VN. Không có doanh nghiệp Việt lớn mạnh, khó có "đại bàng" từ các nước bay vào dễ dàng được. Vì thế, đồng hành, hỗ trợ để các doanh nghiệp nội vượt qua khó khăn, nâng cao vị thế trong nước và quốc tế phải được coi là việc làm cấp bách, quyết liệt chứ không dàn trải như hiện nay. 

Có một thực tế, do việc kinh doanh không phát triển, thậm chí bế tắc, nhiều doanh nghiệp không mấy hào hứng, mất đi nhiệt huyết. Khoảng lặng này tạo nhiều bất lợi cho sự phát triển chung. Chúng ta cần nhìn lại và nhanh chóng tận dụng thời gian lúc này để nâng cao năng lực, đào tạo nhân lực để chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.