Đồng Nai điều tra vụ hơn 300 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì
* 15 học sinh tại TP.HCM nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

03/05/2024 04:40 GMT+7

Chiều 2.5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các bệnh viện tăng cường công tác điều trị nạn nhân vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì của cơ sở Băng (TP.Long Khánh) khiến hơn 300 người phải nhập viện.

Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các đơn vị liên quan, khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Các nạn nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh

Các nạn nhân bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh

LÊ LÂM

Cùng ngày, UBND TP.Long Khánh đã có báo cáo về vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì của cơ sở Băng nằm trên đường Trần Quang Diệu (P.Xuân Bình, TP.Long Khánh, Đồng Nai).

Theo đó, tính đến 15 giờ ngày 2.5, có tổng cộng 328 ca nhập viện khám và điều trị (Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận 315 trường hợp và Bệnh viện đa khoa Cao su Đồng Nai tiếp nhận 13 trường hợp). Trong đó, có 9 ca bệnh nhi nặng được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị.

Cũng theo UBND TP.Long Khánh, tiệm bánh mì Băng quy mô phục vụ trên 1.000 ổ bánh mì/ngày (2 buổi), rơi vào diện bán hàng nhỏ lẻ không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tiệm có 4 nhân viên phục vụ, không có khám sức khỏe định kỳ. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu tự mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến.

Vụ ngộ độc bánh mì ở Long Khánh: Có những gia đình 5 người cùng nhập viện

Ngay khi sự việc xảy ra, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Long Khánh đã đến kiểm tra cơ sở, tiến hành niêm phong tủ cấp đông (trong đó có nhiều nguyên liệu), buộc cơ sở ngưng hoạt động từ 11 giờ ngày 1.5. Đồng thời có văn bản yêu cầu các phường, xã rà soát tăng cường kiểm tra các nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, hàng rong… trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh trong ngày 2.5, do số lượng bệnh nhân nhập viện quá nhiều, bệnh viện đã lập mới một đơn vị chuyên tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc để tập trung điều trị, với số lượng 70 giường, đồng thời huy động nhân lực, vật lực tập trung chữa trị. Bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết ngoài các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, gần 70% bệnh nhân bị sốt, sốt liên tục, có người sốt rất cao.

* Cùng ngày (2.5), Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) báo cáo Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật và Trung tâm y tế TP.Thủ Đức về vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại 4 trường tiểu học trên địa bàn TP.Thủ Đức.

Học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh

Học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh

D.T

Theo báo cáo, từ lúc 9 giờ ngày 2.5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp nhận 15 học sinh đến cấp cứu với các triệu chứng ói, chóng mặt, chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Cụ thể, tại Trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi có 8 em; Trường tiểu học Bình Trưng Đông có 3 em; Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi có 1 em; Trường tiểu học Nguyễn Thế Vinh có 1 em; 2 em chưa rõ trường học. Trong 15 em thì có 10 em ăn sushi, có em ăn bánh mì trước cổng trường. Đến 18 giờ cùng ngày, số học sinh vẫn còn nằm tại bệnh viện để được theo dõi.

Trung tâm y tế TP.Thủ Đức và các cơ quan chức năng đã đến các trường tiểu học có học sinh nghi ngộ độc thực phẩm trên để làm việc; đề nghị nhà trường giám sát và củng cố hệ thống tự đánh giá, kiểm tra về an toàn thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm tại trường. UBND địa phương tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn phường, tập trung vào loại hình kinh doanh thức ăn đường phố; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trước cổng trường, không để các thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán cho các em học sinh và phụ huynh trước cổng các trường học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.