Lãng phí đất tại Quảng Trị

09/06/2014 10:32 GMT+7

Thực hiện chiến lược từng bước công nghiệp hóa tỉnh nghèo, Quảng Trị đã xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) để thu hút đầu tư.

Thực hiện chiến lược từng bước công nghiệp hóa tỉnh nghèo, Quảng Trị đã xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) để thu hút đầu tư.

 
Phần đất dư thừa trong khuôn viên một Nhà máy tại KCN Nam Đông Hà (Quảng Trị) - Ảnh: Nguyễn Phúc

Lãng phí...

PV Thanh Niên đã có chuyến khảo sát tại KCN Nam Đông Hà và CCN Diên Sanh (H.Hải Lăng), đây lần lượt là 2 khu, cụm công nghiệp được đánh giá là “khá tốt” tại Quảng Trị. Nhưng thực tế quan sát bằng mắt thường và các con số lại không sáng sủa như nhận định trên. Và không lạ khi trong kết quả giám sát của thường trực  HĐND tỉnh về tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất cuối năm 2012 đã khẳng định: đối với doanh nghiệp trong KCN, CCN, khu du lịch phần lớn sử dụng đất chưa đến 50% diện tích đất được thuê và có nhiều sai phạm. Cụ thể, tại KCN Nam Đông Hà có 9 dự án chưa sử dụng đất xây dựng giai đoạn 2 với diện tích 79.001m2, có 10 dự án sử dụng đất không đúng mục tiêu đầu tư với diện tích 12.330m2. Ví như trong khuôn viên của Nhà mát MDF VRG Quảng Trị có đến 21.330m2 đất “trồng cỏ”, Nhà máy may xuất khẩu Đông Hà-Công ty may Hòa Thọ cũng có 12.575m2 đất hoang...

 
Theo BQL các khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, tính đến 31.12.2013, tỉnh này có 3 KCN (Nam Đông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá (đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng), 1 khu kinh tế (Lao Bảo). Hiện đã có 102 dự án lập thủ tục đầu tư với tổng mức đầu tư 8.425 tỉ đồng, trong đó 98 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài ra, hầu hết tại các huyện đều có các cụm công nghiệp với tổng diện tích 434,377 ha đất...

Tại CCN làng nghề Diên Sanh (H.Hải Lăng), với cơ sở hạ tầng khá tốt so với các CCN khác đã thu hút 8 dự án với diện tích đất được thuê là 201.248m2 nhưng thực tế sử dụng chỉ là... 43.882m2. Ví dụ, khu sản xuất bao bì của Công ty TNHH MTV An Phú Minh còn “dư” đến 43.187m2,  Công ty CP Vinafor “dư” 11.263m2... Còn đối với các CCN “lèng èng”  như Cam Thành, Cam Hiếu (cùng thuộc H.Cam Lộ) và Hướng Tân (H.Hướng Hóa) nơi thì chỉ có 3 dự án nhưng chỉ sử dụng 50% diện tích đất được thuê nơi thì còn chưa xác định rõ mục tiêu hoạt động. Một người dân địa phương mỉa mai rằng: “Đất rộng thế này mà cho chăn bò thì tốt biết mấy”.

Vì đâu?

Theo số liệu mà chúng tôi tiếp cận được thì số dự án vi phạm quyền sử dụng đất khá nhiều, tỉnh Quảng Trị đã từng xử lý, thu hồi trong các KCN 7 dự án với diện tích thu hồi 141.352m2, khu KTTM đặc biệt Lao Bảo có 20 dự án với diện tích thu hồi 193.519m2. Nhưng việc lãng phí đất vẫn là “chuyện thường ngày” ở các KCN, CCN. Nhận định về nguyên nhân, đoàn giám sát về đất đai của HĐND tỉnh Quảng Trị cho rằng công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, năng lực cán bộ hạn chế trong khi các đơn vị, DN hoặc thiếu năng lực tài chính hoặc tìm cách lách luật để... “xí đất”.

Trong khi đó, ông Hà Sĩ Đồng, Trưởng BQL các khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho rằng việc đất tại các KCN có nơi còn lãng phí là do trong tình hình suy thoái kinh tế, một số chủ đầu tư, DN gặp khó khăn không thể đầu tư như cam kết hoặc có đầu tư nhưng chưa hết đất. Phần nữa, chính quyền cũng không thể đồng ý cho các DN ào ào vào đầu tư, xây dựng nhà xưởng trong các KCN, CCN nếu chưa cân nhắc về 3 yếu tố: phát triển kinh tế, môi trường và tạo việc làm. “Nếu DN nào quá đáng thì ta có thể chiếu theo luật để có biện pháp thích hợp, thu hồi đất chẳng hạn... Nhưng theo tôi, chúng ta cũng phải chia sẻ, động viên các DN trong thời buổi khó khăn này trước khi dùng các chế tài mạnh. Tốt nhất là nên ràng buộc DN ngay từ đầu”, ông Đồng nói. Dù vậy, theo ông Đồng để xảy ra tình trạng bỏ hoang, đìu hiu, lãng phí đất của những KCN, CCN trước hết chúng ta phải... tự trách mình. Khi kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng chưa lớn và chưa đồng bộ để tạo sức hút cho các nhà đầu tư. Chưa hết, các thủ tục hành chính của Việt Nam còn nhiêu khê, nói là một cửa nhưng lại... rất nhiều cửa trong khi chính sách thì chưa thống nhất, thay đổi xoành xoạch nên khó tạo niềm tin cho giới đầu tư.

Để khắc phục, ông Đồng đề xuất: “Trong quá trình tái cấu trúc lại kinh tế địa phương, chính quyền cần phải rà soát, cân nhắc lại nếu KCN, CCN nào thực sự thuận lợi thì tiếp tục đầu tư, không nên để dở dang vì như thế sẽ càng nhanh xuống cấp, càng mất sức hút với các nhà đầu tư. Trái lại, nơi nào không có tiềm năng thì phải bỏ hẳn để chuyển dịch sang ngành nghề, mục đích khác, không để đất lãng phí”.

Đối với các cụm công nghiệp đang trực thuộc các huyện, ông Đồng cho rằng: “Các CCN đa số manh mún, nhỏ lẻ, không có tiềm lực nên khó lôi kéo nhà đầu tư ghé chân dẫn đến việc bị bỏ hoang hoặc vắng vẻ. Nên chăng vẫn để CCN trên đất của huyện nhưng phải quy về một mối cho tỉnh quản lý. Có vậy mới nâng quy mô quảng bá, xúc tiến đầu tư...”.

Nguyễn Phúc

>> Lãng phí khu công nghiệp bỏ hoang
>> Quy hoạch và lãng phí
>> Lãng phí đất vàng
>> Lãng phí cần xem như tham nhũng
>> Không để lãng phí đất nông lâm nghiệp
>> Lãng phí các dự án du lịch bỏ hoang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.