Những giai điệu biển đảo - Chút thư tình người lính biển

09/06/2014 03:25 GMT+7

Thật nhiều dấu luyến giúp nốt nhạc kéo dài mềm mại đi xuyên ô nhịp. Giọng thứ da diết. Lời ca của một nhà thơ lính. Chút thư tình người lính biển yêu là thế, thương là vậy.

 >> Những giai điệu biển đảo: Bay qua biển Đông
 >> Những giai điệu biển đảo: 'Tổ quốc nhìn từ biển
 >> Những giai điệu biển đảo: Hoàng Sa - Trường Sa

 Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhạc sĩ Hoàng Hiệp - Ảnh: Tư liệu
Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhạc sĩ Hoàng Hiệp - Ảnh: Tư liệu

Cho tới khi bài thơ Chút thư tình người lính biển ra đời năm 1981, trong suốt nhiều năm danh hiệu thần đồng thơ của Trần Đăng Khoa bị vây bủa trong nghi ngờ. Anh đã không còn có thể viết những câu thơ tinh tế đến tận cùng như “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” nữa. Càng mong ngóng, càng không thấy. Trần Đăng Khoa đã lớn, bị dứt khỏi một cậu bé nông thôn, đã không thể có một giọng thơ riêng mình.

“2 trong 1”

Nhưng rồi cuộc sống người lính nơi biển đảo Trường Sa đã như một con sóng chồm tới, đổ ập vào mọi giác quan của Trần Đăng Khoa theo cách bất ngờ nhất, thức tỉnh nhất.

Sau này, khi viết Đảo chìm - một cột mốc sáng tác khác của mình, nhà thơ đã không quên mô tả điều đó. Nhà thơ tả về hòn đảo chìm - bé đến mức “chỉ nói một câu là hết” - nhưng bao người lính đã ra đó để sống chết với đảo, với biển. Trần Đăng Khoa tả những người lính sạm nắng và hiên ngang hơn nắng, hiền hậu mà quả cảm như biển. Họ sống trong những túp lều hoang sơ, như lều vịt mà ông chủ đãng trí nào đó đã bỏ quên trên cánh đồng đang cày vỡ. Mái lều trũng xuống vì những vệt phân chim lâu ngày trắng xóa. Và người lính nào cũng mang theo một chuyện tình.

Như nhiều sáng tác vào những năm 1980, bài thơ của Trần Đăng Khoa mang một chuyện tình “2 trong 1”. Nghĩa là có một tình yêu đôi lứa xen vào với tình yêu đất nước quê hương. Ở cái mốc 1980, sự pha trộn này đã rất khác. Tình yêu đôi lứa dường như không còn bị tách bạch với nhiệm vụ, đối kháng với nhiệm vụ. Nhưng vừa dứt tiếng súng biên giới năm 1979, thì giác quan của người lính vẫn còn hằn mùi thuốc nổ, và liên tưởng về sự hy sinh vẫn rất đậm nét. “Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía/Biển một bên và em một bên” nhưng “Không có em yêu anh chỉ còn với cỏ/Cho dẫu thế thì anh vẫn nhớ/Biển một bên và em một bên”.

Sự kết hợp của thơ và nhạc

Sự da diết của ca từ Trần Đăng Khoa, cộng thêm âm nhạc Hoàng Hiệp, khiến nhiều khi người ta quên đi không giải mã câu “Không có em yêu anh chỉ còn với cỏ”. “Còn với cỏ” - đấy là dự cảm về sống - chết, mất - còn. Nếu anh chết đi, thì biển kia, anh đó, nhưng anh sẽ nằm dưới cỏ và nhớ rằng mình sống chết ra sao cũng phải trọn vẹn cả em và biển hai bên.

Thơ tình người lính biển nói đến hy sinh. Nhưng sự hy sinh đó không hề được lý tưởng hóa, tô hồng một chiều. Nó được đặt trong tương quan với sự gác lại mối tình riêng, nhưng ra đi cũng là để chiến đấu cho sự trở về. Có ý thức về cái chết. Nhưng lớn hơn là vượt qua nỗi sợ hãi cái chết. Trần Đăng Khoa, với tác phẩm này, lớn hơn vì nói ra được bằng lời sự chiến thắng nỗi sợ ấy.

Với cách nhìn cuộc chiến biển đảo, cuộc tình đôi lứa như thế, Trần Đăng Khoa đã gặp âm nhạc của Hoàng Hiệp. Chúng ta nhớ rằng, giữa không khí chiến tranh bảo vệ biên giới, Hoàng Hiệp vẫn là người nói lên suy tư chiến tranh qua việc phổ bài thơ Đợi anh của Lê Giang. “Năm tháng gội mưa rừng/Ngày đêm vùi sương núi/Em vẫn chờ vẫn đợi - vẫn đợi anh về…”. Những bài ca như thế, cùng với Chút thư tình người lính biển, đã xóa nhòa ranh giới giữa nhạc đỏ với tình ca.

Cũng phải nói thêm, thời điểm ra đời bài hát này, khoảng những năm 1980, nhạc sĩ Hoàng Hiệp còn bị chỉ trích đã viết theo khuynh hướng nhạc vàng. Nhạc vàng, nghĩa là có vấn đề về lối sống. Ta có thể thấy điều đó qua hàng loạt tranh biếm họa đả kích những người hát nhạc vàng, nghe nhạc vàng. Do đó, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha, ông thậm chí còn giữ một số bài hát để cho riêng mình như Trở về dòng sông tuổi thơ. Một số bài khác như Mùa chim én bay, Nơi em gặp anh, Con đường có lá me bay… hoặc không được duyệt hoặc bị cắt sửa.

Điều kỳ lạ là bài hát có hai câu được người nghe trích dẫn đi trích dẫn lại nhiều lần. Cả hai nằm ở hai thái cực. Ở cực tình yêu, công chúng thích “Biển một bên và em một bên”. Ở cực vận mệnh đất nước, người ta không quên “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”. Điều đó đã nói lên tinh thần nam công dân toàn vẹn của bài thơ, bài hát. Và những ngày nóng trên biển Đông này, bài ca cũng được hát lại, trích lại nhiều lần trên các diễn đàn.

Đất nước gian lao là thế. Chưa bao giờ bình yên là vậy.

Nhưng người lính công dân đã lên đường ra khơi. Biển một bên, và em một bên.

Nghe lại bài hát để thấy thương mà cảm phục các anh hơn - những người lính viết thư tình.

Chút thư tình người lính biển đã là một bài hát sớm được phát thanh qua Đài tiếng nói Việt Nam - kênh chuyển tải âm nhạc hiệu quả nhất thời kỳ đó. Sự cân đối giữa lý tưởng và tình cảm riêng, hình tượng người lính hải đảo cộng với người lính sáng tác Trần Đăng Khoa, đã giúp bài hát được phổ biến. Giai điệu của bài hát cũng rất đẹp. Được viết ở giọng thứ, Chút thư tình người lính biển có sự mềm mại, da diết. Nó cũng có nhiều nốt luyến, để nốt nhạc có thể ngân dài, xuyên qua ô nhịp tiếp theo mà vẫn mềm mịn như một nỗi nhớ.

Ca khúc này được rất nhiều ca sĩ hát từ khi ra đời đến nay và mới đây hàng chục ca sĩ ở TP.HCM đã cùng hát trong một video clip mà chúng tôi gửi đến bạn đọc.

Trinh Nguyễn

 >> Những giai điệu biển đảo: 'Gần lắm Trường Sa
 >> Những giai điệu biển đảo: Biển hát chiều nay
 >> Những giai điệu biển đảo - Tổ quốc gọi tên mình
 >> Những giai điệu biển đảo - 'Nơi đảo xa
 >> Những giai điệu bất hủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.