Bộ GD-ĐT tính phương án chỉ còn một kỳ thi quốc gia

11/06/2014 12:07 GMT+7

(TNO) Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết bộ này đang tính toán về phương án, lộ trình 'chỉ còn một kỳ thi quốc gia'.

(TNO) Đổi mới giáo dục phổ thông và cách thi cử; chủ trương bỏ điểm sàn; cử nhân không tìm được việc làm… là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận sáng nay 11.6.

>> Về đề án đổi mới SGK, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Hơn 34.000 tỉ đồng là 'sơ suất đáng tiếc
>> Bộ trưởng GD-ĐT day dứt vì "nợ" lương giáo viên
>> Cần hơn 34 nghìn tỉ đồng để đổi mới giáo dục phổ thông

Huy động toàn xã hội tham gia viết sách giáo khoa

Trả lời Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) xung quanh những chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sau 2015, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: "Có nhiều vấn đề phải chú trọng thực hiện. Trong đó, việc có tổ chức viết sách giáo khoa thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm, chúng tôi đang bàn vấn đề này. Cách làm trước kia là Bộ GD-ĐT đứng ra biên soạn chương trình, biên soạn sách giáo khoa, thẩm định và tổ chức triển khai bộ sách giáo khoa đó. Lần này có những điều kiện thuận lợi hơn, chúng tôi đang cân nhắc việc Bộ lo xây dựng một bộ chương trình thật tốt, thật hoàn chỉnh rồi sau đó công bố rộng rãi cả xã hội và huy động các lực lượng xã hội tham gia vào việc viết sách giáo khoa mới".

"Việc này đang trong quá trình thảo luận, chúng tôi đã có báo cáo sơ bộ với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó thủ tướng cũng chia sẻ, đồng tình với chúng tôi theo hướng này. Chúng tôi sẽ trình bày trong Ủy ban Quốc gia về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Hội đồng quốc gia về phát triển nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, hoàn thiện, cân nhắc và sẽ có báo cáo với Thủ tướng chính phủ", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết thêm.

Bộ không bỏ điểm sàn

Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ ra trường không tìm được việc làm tiếp tục là vấn đề quan tâm của nhiều đại biểu. ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng), ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh)… đã chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xung quanh vấn đề này. Đồng thời bày tỏ lo ngại khi từ năm nay, Bộ bỏ điểm sàn tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ trong khi các cơ sở đào tạo thì chưa chịu trách nhiệm về đầu ra, cộng với việc mở trường ĐH tràn lan liệu có dẫn tới tình trạng người được đào tạo vẫn thất nghiệp ngày càng nhiều?

Ông Luận khẳng định Bộ GD-ĐT không bỏ điểm sàn, năm nay vẫn có điểm sàn, nhưng đổi mới theo cách không chỉ có 1 mức mà phân thành 2-3 mức sàn. Mức sàn thấp nhất cũng không hạ yêu cầu so với các năm trước.

Do triển khai luật Giáo dục Đại học, tổ chức phân tầng ĐH thành các tầng khác nhau với các mức chất lượng khác nhau nên Bộ GD-ĐT sẽ phải có các mức sàn khác nhau để thông báo cho người học, cho xã hội biết và cân nhắc lựa chọn.

Ông Luận còn cho biết thêm điểm sàn chỉ là mức giới hạn chất lượng còn chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường, đã thay đổi bỏ cơ chế xin cho mà căn cứ vào hai tiêu chí: số lượng giảng viên cơ hữu thực có của các cơ sở đào tạo, nếu có nhiều giáo sư, tiến sĩ thì được đào tạo nhiều hơn; chỉ tiêu thứ hai là diện tích xây dựng mà nhà trường hiện có.

Do vậy, chỉ tiêu được giao dựa vào hai tiêu chí như vậy chứ không dựa vào điểm sàn. Sẽ có mức điểm sàn tối thiểu và mức điểm sàn cao hơn dựa trên kết quả chất lượng của kỳ thi tuyển sinh.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng thừa nhận Bộ GD-ĐT cũng có trách nhiệm trong vấn đề để sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm. Tuy vậy, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng nhận trách nhiệm chỉ là một phần, phần quan trọng khác là xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu công việc ra sao.

Ông Luận cho rằng việc xử lý cá nhân hay không phải chấp hành các quy định của pháp luật, phải phân tích rất kỹ trách nhiệm. Mỗi năm có khoảng 400 nghìn người tốt nghiệp ĐH, CĐ. 5 năm có 2 triệu người tốt nghiệp, nếu số thống kê 72 nghìn người chưa có việc làm là đúng thì tỉ lệ là 3,6%.

Chỉ có thể khớp được việc làm với đào tạo là ở thời bao cấp, khi thị trường lao động đã hình thành và ngày càng phát triển thì độ trễ và không khớp giữa cung và cầu là một thực tế khách quan. Bộ có trách nhiệm để xử lý dưới góc độ “cung” có chất lượng hơn, cảnh báo ngành nào, chỗ nào thiếu, chỗ nào thừa… còn các ngành khác, dịch vụ khác như trung tâm xúc tiến việc làm, sàn lao động… cần phải được phát triển hơn.

Sẽ chỉ còn một kỳ thi

ĐB Đoàn Thị Mỹ Hương băn khoăn liệu thời gian tới có còn đổi mới kỳ thi nào nữa không và khi nào sẽ chỉ còn một kỳ thi (vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH, CĐ) và kỳ thi đó sẽ tổ chức như thế nào?

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng sẽ có những điều chỉnh tiếp để nội dung đề thi sẽ ngày càng nhiều yêu cầu về vận dụng kiến thức thay vì tái hiện kiến thức. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua chỉ là bước khởi đầu và những kỳ thi tới sự đổi mới này sẽ ngày càng “đậm đặc” hơn. Thi như vậy sẽ khiến thầy thay đổi cách dạy, trò thay đổi cách học.

Ông Luận cũng “bật mí” những thay đổi năm nay nằm trong lộ trình tiến tới sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia. “Chúng tôi đang thảo luận, tính toán và đã có báo cáo với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về vấn đề này và sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể thực hiện được một kỳ thi quốc gia”, ông Luận nói.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.