Gạo Việt lo mất thị phần vì Philippines sửa luật

Chí Nhân
Chí Nhân
13/05/2024 16:26 GMT+7

Philippines - nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam - dự kiến sẽ thông qua chính sách nhập khẩu mới vào cuối tháng này. Chính sách mới này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Tuần trước, hai Ủy ban của Hạ viện Philippines đã thông qua dự thảo luật Thuế quan gạo (RTL) mới và khôi phục vai trò của Cơ quan Lương thực quốc gia (NFA). Trước đó, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết, đây là biện pháp khẩn cấp trong việc ổn định giá gạo của nước này.

Gạo Việt lo mất thị phần vì Philippines sửa luật- Ảnh 1.

Philippines điều chỉnh chính sách, gạo Việt lo mất thị phần

CÔNG HÂN

Theo dự thảo chính sách mới, NFA sẽ được khôi phục chức năng điều tiết thị trường cho NFA. Cơ quan này sẽ được cấp tiền và quyền để mua gạo nội địa cũng như nhập khẩu trực tiếp trong trường hợp cần thiết để đảm bảo đủ lượng gạo dự trữ và tiêu dùng nội địa cũng như bình ổn giá gạo.

Philippines là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, lên đến 3,9 triệu tấn trong năm 2023 và dự kiến đạt tới 4,1 triệu tấn trong năm 2024. Nước này cũng là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Năm 2023, Philippines đã nhập từ Việt Nam tới 3,1 triệu tấn và kim ngạch đạt 1,75 tỉ USD. Gạo Việt Nam chiếm thị phần trên 80% tại Philippines. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gạo sang nước này đạt trên 1 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, chiếm 46% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Giá xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 642 USD/tấn, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước.

Việc thị trường quan trọng như Philippines điều chỉnh chính sách sẽ tác động thế nào đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam?

Theo một số doanh nghiệp và chuyên gia, chính sách mới của Philippines hướng đến mục tiêu kiềm chế giá gạo tăng quá cao như thời gian vừa qua. Nếu chính sách được thông qua vào cuối tháng này như dự kiến và những nội dung trong dự thảo hiện tại thì việc xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do chính sách mới đề cao vai trò bình ổn thị trường của cơ quan quản lý nhà nước là NFA và làm mờ vai trò của doanh nghiệp tư nhân. Hiện tại, các doanh nghiệp tư nhân đang đóng vai trò chủ chốt trong việc kinh doanh và xuất nhập khẩu gạo. Khi thay đổi như vậy, trước mắt doanh nghiệp Việt Nam phải làm quen với phương thức mới của thị trường và vẫn phải chờ chính sách mới được công bố cụ thể như thế nào.

Chuyên gia Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SSricenews phân tích: Để thực hiện vai trò của mình, NFA phải thu mua lúa gạo nội địa. Tuy nhiên, nguồn cung không đủ, buộc họ phải nhập khẩu. Có thể NFA sẽ học theo cách của Indonesia là mời thầu quốc tế để được giá tốt nhất. Cách khác là họ sẽ mua gạo qua kênh chính phủ (G2G) thay vì kênh thương mại thông thường. 

Điều cần lưu ý, và trò của NFA là tăng nguồn dự trữ quốc gia và bình ổn giá gạo nội địa. Chính vì vậy, nhiều khả năng họ sẽ tập trung vào lượng và giá thay vì chất lượng gạo như cách làm của các doanh nghiệp tư nhân. Chính vì vậy, khả năng cao là sẽ tập trung vào các loại gạo thông dụng, đặc biệt là gạo 25% tấm. Trong khi hiện tại, doanh nghiệp tư nhân Philippines tiêu thụ rất mạnh các loại gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, hiện nay Việt Nam cũng không có thế mạnh ở phân khúc gạo cấp thấp. Chính vì vậy, có thể chúng ta sẽ bị mất thị phần gạo tại thị trường quan trọng này. 

"Đây là những nguy cơ có thể nhìn thấy trước mắt mà các doanh nghiệp và thậm chí cả cơ quan chức năng Việt Nam cần lưu ý để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp", bà Hương khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.