Gay cấn phán quyết về quyền miễn trừ của ông Trump

Văn Khoa
Văn Khoa
27/04/2024 06:00 GMT+7

Tòa án Tối cao Mỹ đã tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của ông Donald Trump rằng một cựu tổng thống Mỹ "hoàn toàn được miễn" truy tố hình sự.

Hôm qua (26.4, theo giờ VN), Tòa án Tối cao Mỹ xem xét tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông được hưởng quyền miễn trừ truy tố hình sự cho vụ ông bị cáo buộc cố lật ngược kết quả bầu cử năm 2020.

Lập luận "khó được chấp nhận"

Trong phiên tranh tụng diễn ra khoảng 2 tiếng rưỡi tại tòa án nói trên, hầu hết các thẩm phán dường như khó chấp nhận lập luận của ông Trump rằng các tổng thống được hưởng "quyền miễn trừ tuyệt đối" đối với các hành vi khi còn đương nhiệm, theo Reuters. Tuy nhiên, hầu hết trong số 6 thẩm phán bảo thủ của Tòa án Tối cao Mỹ bày tỏ lo ngại về việc các tổng thống thiếu mức độ được miễn trừ nào đó, đặc biệt là đối với các hành vi ít nghiêm trọng hơn.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo chí tại Tòa án Hình sự Manhattan ở TP.New York (Mỹ) vào ngày 25.4

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo chí tại Tòa án Hình sự Manhattan ở TP.New York (Mỹ) vào ngày 25.4

Reuters

Thẩm phán bảo thủ Clarence Thomas đã hỏi ông Michael Dreeben, luật sư đại diện cho công tố viên đặc biệt Jack Smith, rằng tại sao trước đây chưa có bất kỳ vụ truy tố cựu tổng thống nào. Ông Dreeben trả lời: "Lý do tại sao chưa có truy tố hình sự trước đây là vì không có tội ác". Ông Dreeben lập luận việc trao "quyền miễn trừ tuyệt đối" sẽ "miễn trừ" cho các cựu tổng thống khỏi trách nhiệm hình sự cho tội "hối lộ, phản quốc, xúi giục nổi loạn, giết người". Và trong trường hợp của ông Trump là "cho âm mưu sử dụng gian lận để lật ngược kết quả bầu cử và duy trì quyền lực cho chính ông ấy".

Trong khi đó, 3 thẩm phán theo chủ nghĩa tự do, gồm Sonia Sotomayor, Elena Kagan và Ketanji Brown Jackson, đã phản đối mạnh mẽ quan điểm về quyền miễn trừ tổng thống tuyệt đối, theo AFP. Thẩm phán Kagan hỏi liệu một tổng thống "bán bí mật hạt nhân cho kẻ thù nước ngoài" có được miễn truy tố hay không. "Nếu tổng thống ra lệnh cho quân đội tiến hành đảo chính thì sao?", bà Kagan hỏi tiếp.

Đáp lại, luật sư John Sauer, đại diện cho ông Trump, nói trước tòa rằng những giả thuyết như thế "nghe rất tệ", nhưng "nếu đó là một hành động chính thức, cần phải bị quốc hội luận tội và kết án" trước khi một tổng thống có thể bị truy tố hình sự. Ông Sauer còn nói rằng một cựu tổng thống có thể bị truy tố cho "hành vi riêng tư".

Các đồng minh của Mỹ chuẩn bị ra sao cho khả năng "Trump 2.0"?

Đưa lại tòa án cấp thấp ?

Các thẩm phán bảo thủ ở Tòa án Tối cao Mỹ dường như muốn đưa lại việc xem xét quyền miễn trừ cho các tòa án cấp dưới để phân tích thêm. Họ đặt câu hỏi về hành động nào của ông Trump mà giới công tố trích dẫn được thực hiện với chức vụ chính thức, trái ngược với tư cách cá nhân, và hành động nào trong số những hành động được thực hiện với chức vụ chính thức có thể được miễn trừ. Phán quyết như thế có thể trì hoãn thêm phiên tòa xét xử ông Trump về vụ án lật ngược kết quả bầu cử nếu các tòa án cấp dưới phải thực hiện cuộc điều tra nghiêm ngặt, theo Reuters.

Trước đó, quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ hoãn các phiên tranh tụng về quyền miễn trừ cho đến tháng này đã hoãn phiên tòa xét xử ông Trump về vụ án lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, lúc đầu dự kiến diễn ra vào tháng 3. Tòa án Tối cao Mỹ dự kiến đưa ra phán quyết về quyền miễn trừ vào cuối tháng 6.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng cần có phán quyết trước ngày 1.6 để phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Trump được tổ chức trước cuộc bầu cử vào ngày 5.11, khi ông Trump sẽ tái đấu với Tổng thống Joe Biden. Nếu đắc cử, ông Trump có thể ra lệnh cho Bộ Tư pháp Mỹ lập tức bác bỏ mọi cáo buộc liên bang mà ông vẫn đang đối diện. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.