Ghibli - đứa con tinh thần vô giá của Hayao Miyazaki

Thế Sang
Thế Sang
24/09/2023 19:07 GMT+7

Nhiều tháng sau khi tác phẩm mới nhất từ xưởng Ghibli là The Boy and the Heron của đạo diễn Hayao Miyazaki ra mắt, truyền thông quốc tế cho biết studio này được bán lại cho Nippon TV - nhà đài đóng vai trò kinh tế quan trọng xuyên suốt quãng thời gian mà studio hoạt động.

Lý do Nippon TV ra tay thâu tóm Ghibli khá dễ hiểu: hãng không tìm được người kế nhiệm sau Hayao Miyazaki, người từng tuyên bố sẽ nghỉ hưu và rời Ghibli từ cuối thập niên 1990 đến nay, về việc quản lý di sản do ông để lại lẫn tiếp quản "tinh thần" của hãng. 

Goro, con trai của Hayao Miyazaki, từng chỉ đạo tác phẩm Tales from Earthsea (2006) của hãng Ghibli, không đủ sức gánh vác và hoạch định hướng đi của hãng thời gian tới, dù cả Hayao Miyazaki và đồng nghiệp, đồng thời là giám đốc của hãng là Toshio Suzuki, đã cố gắng tìm kiếm người tiếp quản hãng. 

Trong thông báo phát đi với Nippon TV, đại diện Studio Ghibli phát biểu: "Chúng tôi đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ai sẽ là người tiếp quản hãng, trong thời gian dài". Nhà làm phim Goro cho biết: "Một mình tiếp quản thì không xuể. Tốt nhất là để việc đó cho ai khác". 

Ghibli - đứa con tinh thần vô giá của Hayao Miyazaki  - Ảnh 1.

Chân dung đạo diễn Hayao Miyazaki

JAPAN TODAY

Nippon TV, nhà đài đã rót vốn sản xuất cho Ghibli từ lúc hãng thành lập lần đầu vào năm 1985 (đây là nhà đài đầu tiên phát sóng phim Nausicaa of the Valley of the Wind của hãng), nhận quyền biểu quyết (với 42,3% trong studio) và Ghibli trở thành công ty con của nhà đài này. 

Trước khi được bán lại cho Nippon TV, Ghibli là "đứa con tinh thần" của Hayao Miyazaki và bạn chí thân, đạo diễn quá cố Isao Takahata (phim The Tale of the Princess Kaguya, 2013, được đề cử giải Oscar Phim hoạt hình xuất sắc nhất). Ra đời trong thời gian các đạo diễn còn trẻ, đối với Hayao Miyazaki, studio này cho thấy rất rõ quan điểm sáng tạo cùng bước chuyển phong cách làm phim từ một anh chàng học việc tuổi đôi mươi sang người lèo lái cả hãng phim. 

Ghibli - đứa con tinh thần vô giá của Hayao Miyazaki  - Ảnh 2.

Quyển sách Thế giới Miyazaki - Một cuộc đời nghệ thuật là tác phẩm đầy cuốn hút nhờ chất lượng dịch tốt, cách dẫn giải quyến rũ của tác giả Susan Napier

TÂN VIỆT

Ghibli - đứa con tinh thần vô giá của Hayao Miyazaki  - Ảnh 3.

Phim Spirited Away (tựa Việt: Vùng đất linh hồn) của Hayao Miyazaki, ra mắt khán giả năm 2001, đoạt giải Oscar Phim hoạt hình xuất sắc nhất, vẫn được nhắc đi nhắc lại mỗi khi nói đến Ghibli và tên của vị đạo diễn. Phim này, cũng như nhiều phim trước và sau mốc 2001 của Ghibli, rất khó xem. Spirited Away, qua lý giải của Susan Napier, chứa đựng hàng loạt quan điểm về thẩm mỹ, tôn giáo, giới, chiến tranh... của nhà làm phim 82 tuổi

GHIBLI

Trong quyển tiểu sử về cuộc đời của vị đạo diễn 82 tuổi: Thế giới Miyazaki - Một cuộc đời nghệ thuật của giáo sư Susan Napier, người giảng dạy về văn hóa, hoạt hình Nhật Bản tại Đại học Tufts (Mỹ), hàng loạt trang thông tin quý giá về thời trẻ và năng suất làm việc, tư duy thẩm mỹ đáng kinh ngạc của Hayao Miyazaki lần đầu được giới thiệu đến độc giả Việt. 

Thì ra, bên dưới những khung hình rất đẹp của Ghibli đều là sự kết tinh, trăn trở không ngừng của Hayao Miayazaki và đội ngũ sáng tạo. Ẩn chứa trong những khung hình đó là những lớp ký ức chất chồng của đạo diễn, được góp nhặt từ chính cuộc đời của ông từ thuở nhỏ đến mãi sau này. 

Xuất thân của Hayao Miyazaki là một anh chàng học việc ở xưởng phim Toei Animation, sau đó thành họa sĩ hoạt hình vào năm 1963 - lúc 22 tuổi. 8 năm miệt mài làm việc tại Toei Animation đã tác động rất lớn đến khuynh hướng thẩm mỹ của Hayao Miyazaki và giúp ông trở thành một trong những nhà làm phim có ảnh hưởng cực lớn trong ngành công nghiệp anime sau này.Nó cũng góp phần lý giải vì sao hàng loạt các tình tiết, nét vẽ có vẻ như "châu Âu hóa" xuất hiện nhiều lần trong phim của Ghibli, và vì sao chiến tranh lặp đi lặp lại trong phim ông nhiều đến vậy. 

Trong quá trình dẫn dắt Ghibli cùng cộng sự, nhiều lần Hayao Miyazaki đã muốn rời đi. Nhưng sau đó, ông phải quay lại để "chăm bẵm" đứa con mình sáng lập ra. Việc Ghibli được mua lại lần này được xem một trong những sự kiện quan trọng trong quá trình hoạt động của hãng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.