'Giải cơn khát' bãi đậu xe cho TP.HCM

22/07/2023 07:04 GMT+7

Thay vì loay hoay chờ đợi 4 bãi đậu xe ngầm thoát cảnh bế tắc, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm các bãi đậu xe lắp ghép thông minh để "chữa cháy" tình trạng thiếu trầm trọng các bãi đậu xe khu vực trung tâm TP.

4 bãi đậu cao tầng, sức chứa hơn 500 xe

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện đề nghị rà soát trong phạm vi quản lý các vị trí đất do nhà nước quản lý phù hợp để xây dựng có thời hạn công trình để xe công cộng lắp ghép thông minh.

'Giải cơn khát' bãi đậu xe cho TP.HCM - Ảnh 1.

Bên trong nhà giữ xe TCP ở sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình, TP.HCM)

CTV

Sau thời gian rà soát, Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật và Trung tâm quản lý giao thông công cộng đã đề xuất làm công trình để xe cao tầng bán tự động tại 4 khu đất gồm: Một phần lòng đường Lê Lai đoạn từ đường Phạm Hồng Thái đến đường Nguyễn Thị Nghĩa (Q.1); Một phần đất trước công viên Lê Văn Tám trên đường Hai Bà Trưng đoạn từ Võ Thị Sáu đến Điện Biên Phủ (Q.1). Hai khu vực này hiện đang tổ chức đỗ xe có thu phí.

Vị trí thứ ba là một phần đất trong Bến xe buýt Chợ Lớn và một bãi đậu xe dự kiến làm trên một phần lòng đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5). Tổng diện tích các khu đất này dự kiến hơn 1.500 m2, sức chứa khoảng 350 ô tô từ 9 chỗ trở xuống và 200 xe máy. Sở GTVT đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát các vị trí trên và gửi thông tin chi tiết về sở trước 30.7.

Đề xuất làm 4 bãi xe ‘khủng’ lắp ghép, gọn gàng ở trung tâm TP.HCM

Trả lời Thanh Niên, một cán bộ thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết ngoài việc tiếp tục triển khai và nâng cấp công tác thu phí đậu, đỗ xe dưới lòng đường thì nghiên cứu thí điểm bãi xe cao tầng nằm trong định hướng ngành giao thông TP về triển khai các công trình giữ xe ở trung tâm và những nơi thiếu chỗ đậu xe.

'Giải cơn khát' bãi đậu xe cho TP.HCM - Ảnh 2.

Bãi đỗ xe trên đường Lê Lai (Q.1, TP.HCM)

Ngọc Dương

Theo quy hoạch, có 4 bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng trong khu vực 930 ha tại: sân khấu Trống Đồng, công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư nhưng đến nay chưa có công trình nào được triển khai và đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện số bãi đậu xe chỉ đáp ứng được khoảng 7% nhu cầu. Do không có bãi giữ xe nên vỉa hè, lòng đường của một số tuyến đường đã được tận dụng làm nơi đỗ xe có thu phí.

Sở GTVT đánh giá các bãi đậu xe lắp ghép không tốn quá nhiều diện tích, ưu điểm là chi phí thấp hơn so với các bãi đỗ xe ngầm đã được quy hoạch, lắp đặt dễ dàng, nhanh chóng và có thể tăng số lượng vị trí đỗ bằng cách lắp ghép các block đỗ xe lại với nhau. Ngoài ra có thể di chuyển cả hệ thống sang một khu vực khác mà không mất quá nhiều công sức và thời gian.

Đừng "ngại" bãi xe nổi

Thực ra từ cách đây nửa thập niên, lãnh đạo TP đã nhận nhiều ý kiến hiến kế từ các nhà khoa học về việc quản lý bãi đậu xe và xây dựng các bãi xe nổi lắp ghép thông minh, linh động. Thậm chí, có người dân còn gửi một bản kế hoạch chi tiết tới tận Bí thư TP, đề xuất đầu tư những dàn đậu xe thông minh nổi dọc 2 tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ, chạy suốt từ quận 1, 3, 4, 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, 6, 8. Tuy nhiên, ý tưởng này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều với lo ngại làm hỏng mỹ quan đô thị dọc bờ kênh.

Theo quy hoạch của TP, 4 bãi đậu xe ngầm có sức chứa tổng cộng tới gần 12.000 phương tiện. Nghĩa là nếu muốn thay thế 4 bãi ngầm này, TP cần tổ chức khoảng 24 vị trí làm bãi đậu xe thông minh lắp ghép. Đây là bài toán không hề đơn giản bởi quỹ đất hiện nay vô cùng khan hiếm.

'Giải cơn khát' bãi đậu xe cho TP.HCM - Ảnh 3.

Xe đậu trên đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM

Ngọc Dương

Ngay cả khi đã có được 24 bãi đậu xe thông minh lắp ghép thì vẫn chưa thấm vào đâu với "cơn khát" bãi đậu xe ở TP.HCM. Số liệu từ Sở GTVT cho biết, tính đến tháng 6 năm nay, TP đang quản lý gần 9 triệu phương tiện (gồm 913.994 ô tô và hơn 8 triệu mô tô). So với cùng kỳ năm 2022, tổng số phương tiện tăng 3,36%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, bình quân mỗi ngày có khoảng 135 ô tô và 598 mô tô đăng ký mới. Nếu tính cả xe vãng lai từ các tỉnh, thành khác đổ về, TP.HCM đang có trên 10 triệu phương tiện.

Trong khi đó, hệ thống bến bãi hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900 ha so với chỉ tiêu gần 1.200 ha sau năm 2020. Nếu tính trung bình, mỗi bãi đậu xe nổi có diện tích khoảng 400 - 1.000 m2 thì để đáp ứng đủ nhu cầu theo quy hoạch, TP.HCM cần thêm khoảng 10.000 - 15.000 bãi đậu xe như vậy (tùy diện tích từng khu đất và trừ đi nhu cầu bãi đậu xe cho xe khách, xe buýt, container).

Trước lo ngại "phủ" bãi xe nổi sẽ ảnh hưởng tới mỹ quan, đô thị của TP, KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch - dẫn chứng các nước phát triển như Mỹ, châu Âu rất quan trọng mỹ quan đô thị nhưng họ vẫn chủ trương phát triển các bãi xe nổi như 1 phần hạ tầng tất yếu của đô thị. Như tại TP.NewYork (Mỹ), cứ cách mấy trăm mét lại có 1 nhà gửi xe nổi, được quản lý bài bản. Bên cạnh đó, nếu TP.HCM quyết tâm rà soát lại toàn bộ các cơ sở tập trung đông người như trung tâm thương mại, trung tâm giáo dục, khách sạn, nhà hàng… yêu cầu phải cải tạo, tuân thủ đúng điều kiện đảm bảo chỗ đậu xe thì sẽ giải quyết được số lượng tương đối lớn bãi đậu.

Ngoài ra, ông Nam Sơn cho rằng TP cần tính toán lại thật kỹ tính khả thi của các bãi đậu xe ngầm. Thứ nhất, chi phí làm bãi xe ngầm cao hơn nhiều so với làm các nhà gửi xe nổi. Thứ hai, các doanh nghiệp (DN) muốn làm bãi xe ngầm chủ yếu muốn tận dụng không gian xây dựng các dịch vụ thương mại bên cạnh không gian đậu xe để bù đắp chi phí các công trình bên dưới. Khi đó, bãi đậu xe chủ yếu sẽ phục vụ nhu cầu người dân tới các khu phức hợp, thậm chí còn không đủ, chưa nói đến nhu cầu đậu xe công cộng cho người dân. Thứ ba là tác động tới môi trường.

"Toàn TP hiện bê tông hóa quá nhiều, mảng xanh bị lấn chiếm hết, chỗ thoát nước cũng ngày càng hiếm nên mới dẫn đến tình trạng ngập úng nghiêm trọng. Nếu bây giờ đến không gian ngầm cũng bị bê tông hóa hết thì rất nguy hiểm. Đặc biệt, vị trí quy hoạch bãi xe ngầm hiện nay chủ yếu nằm ở khu vực đất công viên, những mảng xanh hiếm hoi của TP. Vì thế, TP nên ưu tiên các bãi đậu xe nổi", KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.

'Giải cơn khát' bãi đậu xe cho TP.HCM - Ảnh 3.

Quy hoạch "không nhìn" nhu cầu, bãi đậu xe sẽ chết yểu

Chuyên gia giao thông Vũ Đức Thắng đánh giá các công trình bãi đậu xe thông minh lắp ghép chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh TP đang quá "khát" bãi đậu xe. Có ưu điểm linh động, dễ tháo dỡ nhưng mô hình này cũng gặp bất lợi là khó triển khai rộng rãi bởi trường hợp thuê đất, khách đang đông mà bị đòi mặt bằng thì sẽ gây xáo trộn, rối loạn hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư. Trường hợp khảo sát không kỹ, làm tại các điểm ế khách phải tháo dỡ thì cũng lãng phí. Vì thế, bài toán bãi đậu xe vẫn cần xem xét, giải quyết từ tận gốc vấn đề là nhu cầu của người dân.

Theo ông Thắng, vấn đề làm bãi đậu xe đã được TP.HCM đặt ra từ năm 1992, trải qua rất nhiều đề án nghiên cứu nhưng vẫn không triển khai được do các quy hoạch, đề án bãi đậu xe không phù hợp với nhu cầu của người dân đô thị và sai lầm từ buông lỏng quản lý. Bởi người dân TP có nhu cầu đậu xe tại điểm họ muốn tới, không phải tìm kiếm điểm đậu tập trung. Nhu cầu phân tán trong khi quy hoạch các bãi đậu xe lại là bãi tập trung, chỉ phân bổ ở một vài điểm. Đơn cử, làm bãi xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám thì chỉ những người có nhu cầu đi lại ở một số khu vực trên đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng hay Phùng Khắc Khoan mới tới gửi. Sẽ không ai tới gửi xe ở đây để đi bộ ra tận hồ Con Rùa hoặc nhà thờ Đức Bà hay chợ Bến Thành. Vì thế lượng khách sẽ ít, không đủ chi phí hoạt động, các nhà đầu tư không mặn mà.

Nghị quyết 98 sẽ giúp TP đẩy nhanh xây dựng bãi xe

Mô hình bãi xe lắp ghép đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Thực tế phương án này đã được Sở cùng một số nhà đầu tư nghiên cứu từ lâu nhưng trước đây chưa có hành lang pháp lý. Mới đây, Nghị quyết 98 được Quốc hội ban hành đã cho phép TP được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với các công trình công cộng bao gồm nhà, sân bãi để xe, nhà vệ sinh công cộng trên đất do nhà nước quản lý. Đây là cơ sở quan trọng để TP triển khai thí điểm các bãi đậu xe lắp ghép gọn gàng, hiệu quả.

"Cả TP hiện chỉ có bãi đậu xe trong sân bay là thành công nhất là bởi người dân ai cũng có nhu cầu tới đậu xe để vào sân bay. Điều này càng chứng tỏ tầm quan trọng của việc xác định nhu cầu để đưa ra nguồn cung phù hợp. Các đề án bãi đậu xe thất bại là do không phù hợp với thực tế", chuyên gia này nói và cho rằng từ đầu thập niên 1990, TP đã có chủ trương sử dụng toàn bộ đất kho bãi để làm bãi đậu xe; đồng thời yêu cầu quản lý mỗi cơ sở kinh doanh, mỗi trung tâm thương mại phải đảm bảo chỗ đậu xe cho khách. Đây là điều kiện tiên quyết để cấp phép kinh doanh.

"Chủ trương là vậy nhưng thực tế thì sao? Đất kho bãi không giữ được, dần được đưa vào xây dựng nhà cửa, chuyển đổi mục đích; các trung tâm thương mại, các công trình tập trung đông người như khách sạn, nhà hàng, trung tâm giáo dục… được cấp phép tràn lan mà không cần lo tới diện tích bãi đậu xe. Việc buông lỏng quản lý trong thời gian quá dài khiến vòng luẩn quẩn xe tăng, bãi đậu xe thiếu ngày càng phức tạp. TP cần nghiêm túc đặt ra vấn đề này, làm lại quy hoạch một cách bài bản", chuyên gia giao thông Vũ Đức Thắng nhấn mạnh.

Triển khai đồng loạt nhiều giải pháp

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, hiện có 5 bến xe tại Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn… đã được HĐND TP bố trí vốn gần 1.000 tỉ đồng để đầu tư hoàn chỉnh. Từ nay đến 2030, TP dự kiến sẽ đầu tư thêm 4 bến xe, giúp hệ thống bến phục vụ hạ tầng giao thông công cộng cơ bản đầy đủ so với quy hoạch.

Với các bãi đậu xe cá nhân, Sở sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống bến bãi, đặc biệt là lồng ghép chỉ tiêu cụ thể tại các dự án phát triển khu đô thị. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư các bến xe mang tính khả thi như thay vì bến xe ngầm thì đầu tư bến xe nổi hoặc bãi đậu xe lắp ghép thông minh. Ngoài ra, tại khu vực trung tâm, thời gian qua, TP cũng đã triển khai hệ thống hơn 500 xe đạp công cộng, bố trí khu vực người dân để xe gắn máy tại các trạm dừng, nhà chờ xe buýt.

Tại nhiều tuyến đường Q.1, Q.3, Q.5, HĐND TP đã ban hành nghị quyết cho đậu xe lòng đường.

Đề xuất làm bãi xe bán tự động

Hiện nay, công trình để xe lắp ghép thông minh trên thế giới được chia làm 2 hệ thống: tự động và bán tự động.

Hệ thống vận hành tự động hoàn toàn 100%. Người gửi xe thao tác qua bảng điều khiển để xác nhận gửi xe (thông tin gửi xe được cung cấp qua thẻ từ hoặc trên ứng dụng di động); hệ thống sẽ tự động tiếp nhận xe (tại vị trí bên trong hoặc tại pallet ngay của công trình).

Trong khi đó, hệ thống bán tự động hoạt động theo nguyên lý xếp hình. Để gửi xe, người gửi điều khiển xe chạy vào vị trí pallet tiếp nhận xe, sau đó thao tác qua bảng điều khiển để xác nhận gửi xe (thông tin gửi xe được cung cấp qua thẻ từ hoặc trên ứng dụng di động ); hệ thống sẽ được điều khiển tiếp nhận và sắp xếp xe vào bên trong hệ thống. Ngoài ra, hệ thống bán tự động có thể được cải tiến để đỗ xe 2 bánh.

Sở GTVT đánh giá hệ thống gửi xe tự động 100% tuy thuận tiện cho người sử dụng hơn, vòng đời dài (20 - 50 năm) nhưng chi phí đầu tư, bảo hành, sửa chữa cao hơn so với hệ thống bán tự động. Thời gian hoàn vốn kéo dài trên 10 năm (hệ thống bán tự động có thời gian hoàn vốn 5 năm). Bên cạnh đó công nghệ quản lý của hệ thống tự động 100% phải phụ thuộc hoàn toàn nước ngoài, chưa thể nội địa hóa như loại bán tự động. Diện tích mặt bằng chiếm dụng cũng thường lớn hơn hệ thống bán tự động. Do đó, các đơn vị đang cân nhắc, ưu tiên đề xuất làm bãi đậu xe công cộng theo hình thức bán tự động.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.