Giao dịch bằng tiền ảo Pi, có vi phạm pháp luật không?

Thanh Nam
Thanh Nam
19/02/2024 15:44 GMT+7

Hiện nay, không ít người mua bán, trao đổi hàng hóa bằng tiền ảo Pi. Nhưng việc này có vi phạm pháp luật hay không?

Trên Facebook, có vô số hội, nhóm Pi Network thu hút đông đảo người trẻ Việt Nam. Tại đây, các thành viên rủ rê nhau trao đổi hàng hóa bằng tiền ảo Pi.

Như trên nhóm Pi Network Quảng Ngãi, một thành viên bán nồi lẩu mini đa năng với giá trị 20 Pi. Một thành viên khác bán giày với giá 19 Pi.

Tương tự, trên nhóm Pi Network Quảng Ngãi giao dịch đồng thuận, nhiều người cũng rao bán điện thoại, xe máy, xe đạp, đèn nháy… cùng những mặt hàng và đồng ý thanh toán bằng tiền ảo Pi.

Giao dịch bằng tiền ảo Pi, có vi phạm pháp luật không?- Ảnh 1.

Hàng loạt nhóm trao đổi, giao dịch bằng tiền Pi tại Việt Nam

CHỤP MÀN HÌNH

Hàng loạt cộng đồng Pi Network ở Việt Nam cũng hoạt động rầm rộ. Theo Trần Thị Ngọc (31 tuổi, ở TP.Đà Nẵng), thành viên nhóm Pi Network Việt Nam, trong tương lai Pi sẽ là tiền tệ phổ biến, phục vụ cho nhu cầu hoán đổi. Thế nên không có gì lạ khi loại tiền ảo này đã và đang được sử dụng.

Ngọc cũng cho biết thường xuyên thanh toán bằng tiền ảo Pi cho các giao dịch trao đổi hàng hóa. "Ở một số quán cà phê, cửa hàng thời trang… cũng chấp nhận việc trả bằng tiền ảo Pi", Ngọc nói.

Nguyễn Sơn Hùng (28 tuổi, ở H.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết trước đây việc giao dịch tiền ảo Pi thường xuất hiện trong các nhóm kín vì bị dư luận "nói này nói kia". Tuy nhiên, hiện nay cộng đồng người sở hữu Pi ngày càng nhiều nên việc thanh toán bằng tiền ảo này cũng phổ biến.

Giá Pi "nhảy múa" và vi phạm pháp luật

Theo Hùng, hiện nay nhiều người thanh toán khi mua hàng hóa bằng tiền Pi chủ yếu dựa trên "giá đồng thuận". "Có nghĩa là vừa lòng cả bên bán lẫn bên mua, tự thỏa thuận rồi đưa ra giá phù hợp", Hùng cho biết.

Cũng theo Hùng, 1 Pi có thể mua được cả điện thoại 15 triệu đồng. Nhưng cũng có trường hợp, 1 Pi chỉ đủ để mua tô phở, ly cà phê.

Ghi nhận trên nhiều cộng đồng Pi Network có thể thấy tiền Pi "loạn giá". Theo đó, giá trị tiền Pi "nhảy múa liên tục".

Chẳng hạn, trên nhóm Pi Network Việt Nam, có người rao bán tủ lạnh, giá thật là 4 triệu đồng, nhưng chấp thuận nhận tiền ảo Pi, chỉ đồng ý giao dịch với 20 Pi. Có nghĩa 1 Pi tương đương 200.000 đồng.

Nhưng tại Hội mua bán, trao đổi Pi Network Việt Nam, có người bán máy giặt (ngoài thị trường giá 6 triệu đồng) với giá 50 Pi. Tức người này tự định giá 1 Pi là 120.000 đồng.

Ngoài ra, nhiều người cũng "đẩy lên đưa xuống" giá trị 1 Pi với hàng loạt giá trị khác nhau. Có khi 1 Pi chỉ khoảng vài ngàn đồng, nhưng không ít trường hợp cho rằng 1 Pi có giá lên đến tiền triệu, thậm chí cả chục triệu đồng.

Giao dịch bằng tiền ảo Pi, có vi phạm pháp luật không?- Ảnh 2.

Tiền ảo Pi không phải phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam

SIMILARWEB

Theo luật sư Nguyễn Hải Long (Đoàn luật sư Tây Ninh), đến nay tiền mã hóa hay tiền số vẫn chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Khoản 6, điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng có quy định các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50 - 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trong Công văn 5747/NHNN-PC ngày 21-7-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định bitcoin, litecoin... và các loại tiền ảo, tiền mã hóa khác tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

"Chính vì thế, tiền ảo Pi không phải phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo Pi làm phương tiện thanh toán là hành vi trái pháp luật", luật sư Long nói.

Anh Lâm Văn Trường (29 tuổi), giám đốc một công ty về dịch vụ marketing ở đường Lâm Văn Bền, Q.7, TP.HCM, cho biết có rất nhiều cảnh báo Pi Network lấy cắp dữ liệu người dùng. Nguy cơ bị lộ, lọt dữ liệu rất cao bởi các thông tin được chuyển ra máy chủ ở nước ngoài luôn rình rập. Chính vì thế những nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động tiền mã hóa cũng như sản phẩm tương tự vì không được pháp luật bảo hộ.

"Cần cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và giao dịch mua bán tiền ảo Pi", anh Trường nói.

Theo thông tin trên trang minepi.com, Pi là dự án về tiền điện tử ra đời từ năm 2019, bởi người sáng lập là tiến sĩ Nicolas Kokkalis, ĐH Stanford (Mỹ).

Dự án được quảng cáo có thể "đào" miễn phí trên điện thoại bằng ứng dụng Pi Network. Để tiến hành đào đồng Pi, người dùng cần sở hữu một thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng và thực hiện việc điểm danh hằng ngày. Tốc độ khai thác Pi sẽ phụ thuộc vào số lượng người tham gia trong cộng đồng, với mục tiêu tạo ra độ khó tăng dần. Khi có nhiều người dùng tham gia, số Pi được "đào" ra sẽ giảm đi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.