Giáo sư Đặng Ngọc Long công bố 'Faust-Sonata'

14/02/2022 17:05 GMT+7

Faust-Sonata - CD mới của giáo sư âm nhạc Đặng Ngọc Long , người Việt tại Đức sắp ra mắt, do Nhà xuất bản Logiber Berlin, CHLB Đức kết hợp với Sheet MUSIC, recordJET phát hành.

Giáo sư Đặng Ngọc Long hoàn thành tác phẩm Faust-Sonata đúng trước thềm Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tác phẩm mang đến cho công chúng Việt Nam tinh hoa của nền văn học, văn hóa Đức, đồng thời giới thiệu với công chúng âm nhạc cổ điển Đức và châu Âu một cách diễn giải riêng, độc đáo, đậm đà tính chất Phương Đông về một tượng đài văn hóa của chính họ - về nền văn hóa Đức và châu Âu.

Giáo sư Đặng Ngọc Long (phải) và tiến sĩ Trương Hồng Quang

NVCC

Vở bi kịch Faust của thi hào Goethe là tập đại thành của nền văn học Đức, một tượng đài văn chương độc nhất vô nhị, có vị trí tương tự như Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du trong nền văn học dân tộc của Việt Nam.

Tác phẩm này cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho những tên tuổi âm nhạc lẫy lừng nhất ở Đức và châu Âu, từ những ca khúc chuyển thể ngắn như Gretchen am Spinnrade (Gretchen bên khung cửi) của Franz Schubert, đến vở opera Faust gồm 5 hồi của nhạc sĩ Pháp Charles Gounold, giao hưởng Faust gồm 3 chương của Franz Liszt, và đặc biệt nhất, bản giao hưởng số 8 - bản giao hưởng được mệnh danh là “Giao hưởng của 1.000 người” của Gustav Mahler - với chương cuối là phần phổ thơ từ phần cuối tập 2 của vở bi kịch Faust.

Tuy nhiên cho đến nay, chưa có một tác phẩm độc tấu nào về chủ đề Faust, và chắc chắn là chưa có một tác phẩm độc tấu nào viết cho đàn guitar cổ điển dựa trên tác phẩm này.

Faust-Sonata của Đặng Ngọc Long như vậy sẽ là một cột mốc trong dòng lịch sử âm nhạc ở Đức và châu Âu về đề tài Faust. Trong quá trình sáng tạo, được biết Đặng Ngọc Long cũng đã nghe và tham khảo các thành tựu của các nhà soạn nhạc trước anh.

Faust-Sonata - CD mới của giáo sư Đặng Ngọc Long

NVCC

Chương 1, Faust, khác với chất sôi nổi, nổi loạn trong chương 1 cùng tên của Liszt, ở Đặng Ngọc Long lại đậm đà tính chất hồi tưởng, hoài cảm, với những giai điệu trữ tình, miên man, tuôn chảy, có lẽ thuộc hàng những giai điệu đẹp nhất trong sáng tác của Đặng Ngọc Long từ trước tới nay.

Chương 2, mang tên Gretchen, khắc họa mối tình của Faust, lại mang tính nhí nhảnh, gợi lên cảm giác của những vũ điệu và đặc biệt ở phần cuối với những phát triển cao trào, tạo nên những ấn tượng bão táp, nổi loạn. Đây là một sự đảo ngược lại hết sức bất ngờ và thú vị, nếu so sánh với cách xử lý với hai nhân vật Faust và Gretchen trong lịch sử âm nhạc truyền thống.

Chương 3, chương dài nhất, mang tiêu đề Mephisto (Quỷ Mephisto) là chương mà tác giả đã dành nhiều thời gian và công phu nhất trong quá trình sáng tác. Ở đây, chúng ta sẽ được tiếp cận với nhiều thủ pháp hiện đại, các kỹ thuật “gõ”, “vuốt”, rồi các nghịch âm... để khắc họa chân dung Quỷ. Tuy nhiêu, điều bất ngờ nhất ở đây là sự trở lại của chủ đề hoài cảm, chủ đề khát vọng của Faust từ chương 1 và chủ đề tình yêu của Gretchen từ chương 2 ở cái phần kết thúc của chương 3 này. Tiếp theo đó, ở gần kết thúc, dường như ta cảm thấy có những tiếng chuông đồng vọng, vang lên như một viễn cảnh giải thoát với ý thơ “Thiên tĩnh nữ vĩnh hằng - Gọi ta lên cao mãi” như trong phần kết lại vở bi kịch của Goethe. Nhưng Faust-Sonata không kết thúc với một khung cảnh dịu êm hay lộng lẫy mang tính giải thoát tôn giáo như ở giao hưởng của Franz Liszt hay của Gustav Mahler, mà bằng một tiếng vuốt “sắc lẹm” trên dây đàn, mà ở đây tôi hiểu một cách rất chủ quan như lời nhắn gọi vừa dữ dội, vừa hài hước, tinh quái của quỷ Mephisto, như cách chúng ta vẫn thường nói: “Hãy đợi đấy!”.

Năm 2016 nhạc sĩ Đặng Ngọc Long công bố Suite Kiều (Tổ khúc Kiều). Tác phẩm này đã khẳng định vị trí của mình trong các chương trình thi âm nhạc guitar quốc tế, từng vang lên chẳng hạn tại Bảo tàng khảo cổ học Đức ở Chemnitz nhân đợt triển lãm “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”, được dự kiến biểu diễn tại Trụ sở UNESCO năm 2020 nhân sự kiện chính thức kỷ niệm 200 năm ngày mất của thi hào Nguyễn Du, nếu không có có đại dịch Covid-19 diễn ra.

Faust-Sonata mang đến cho các nghệ sĩ guitar cơ hội trổ tài kỹ thuật và khả năng diễn tả âm nhạc trên cây đàn guitar cổ điển. Để diễn đạt tác phẩm một cách thuyết phục và thành công, người biểu diễn phải có tài năng và luyện tập công phu thì mới đạt được. Trong chương 1 và chương 2, nhà soạn nhạc đã chọn một hình thức phát triển giai điệu ấn tượng, trong đó có thể nhận ra rõ ràng sự pha trộn của âm nhạc dân gian Việt Nam. Trong chương 3 đã đạt đến cao trào đỉnh điểm khi tác giả sử dụng kỹ thuật hiện đại ngày nay như “gõ”, “búng” vào dây đàn có hiệu quả rõ rệt. Độ khó của bản độc tấu Faust được công bố đầy thách thức đối với các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Bản Xô nát Faust được lựa chọn là tác phẩm bắt buộc cho cuộc thi guitar quốc tế tại Berlin (15-17.2.2022).

Giáo sư, nghệ sĩ guitar Inge Wilczok, nguyên Trưởng khoa guitar Nhạc viện Berlin, Phó chủ tịch hội đồng giám khảo cuộc thi guitar quốc tế Berlin

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.