Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

Giặt quần áo bằng tay không tốn điện còn giúp tôi thêm sức khỏe

18/05/2024 13:52 GMT+7

Vào TP.HCM học đại học năm 1997, cho đến khi tốt nghiệp ra trường rồi chọn nơi đây làm nơi để lập nghiệp và sinh sống, từ đó đến giờ mấy chục năm nay tôi vẫn có thói quen giặt quần áo của mình bằng tay, và có thói quen kỳ lạ là không muốn đụng đến máy giặt.

Nhiều người thân quen ghé nhà tôi chơi họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy tôi vẫn giặt quần áo bằng tay, "không thích xài máy giặt", có người bảo mua cái máy giặt về xài cho tiện chứ thời buổi này ai giặt áo bằng tay. Ai cũng bảo rằng tôi có sở thích "độc lạ Bình Dương" quá.

Căn phòng riêng của tôi luôn thoáng mát và tận dụng ánh sáng thiên nhiên tối đa vào ban ngày

Căn phòng riêng của tôi luôn thoáng mát và tận dụng ánh sáng thiên nhiên tối đa vào ban ngày

Mấy chục năm nay tôi có thói quen giặt đồ bằng tay và tận dụng nước sả để lau nhà cho thơm mát

Mấy chục năm nay tôi có thói quen giặt đồ bằng tay và tận dụng nước xả để lau nhà cho thơm mát

TGCC

Tôi sống một mình, quần áo cũng không nhiều, chỉ là mấy cái áo sơ mi, quần tây... tôi thay ra mỗi khi đi làm về nên chẳng cần gì máy giặt. Giặt đồ bằng tay tôi không chỉ tiết kiệm điện nước mà tôi thấy mình khỏe hơn, giống như tập thể dục "dưỡng sinh" mỗi ngày vậy. Nước xả ngâm quần áo, tôi tận dụng để lau nhà nên lúc nào nhà tôi cũng như căn phòng của riêng tôi luôn sạch sẽ, thơm mát dù là những ngày nắng nóng nhất.

Tôi có thói quen mỗi khi vào phòng vệ sinh tắm giặt thì các bóng đèn trong phòng hay ở nhà trên, đều phải tắt hết để tránh lãng phí khi không sử dụng. Có người ngạc nhiên vì nhà trên của tôi lúc nào cũng tối, vì họ tưởng tôi đi làm chưa về hay không có ở nhà.

Tôi đi làm cả ngày, nên ít khi nấu ăn ở nhà, chỉ nấu vào buổi chiều tối khi đi làm về. Thứ bảy, chủ nhật được nghỉ, tôi ở nhà nấu ăn cả ngày. Ban ngày ở nhà, hầu như tôi không bao giờ mở bóng đèn mà tận dụng ánh sáng tự nhiên ở các ô cửa sổ, lối đi lại ở cầu thang.

Nếu khách hàng biết sử dụng điện tiết kiệm thì người thợ sửa chữa đường dây bớt nỗi nhọc nhằn

Nếu khách hàng biết sử dụng điện tiết kiệm thì người thợ sửa chữa đường dây bớt nỗi nhọc nhằn

EVN

Đặc biệt, với kinh nghiệm riêng, tôi không bao giờ sử dụng các thiết bị điện (như bếp điện từ, nồi cơm điện, bình nấu nước bằng điện, laptop, thiết bị sạc pin điện thoại...), cùng một lúc mỗi khi ở nhà nấu nướng. Vì khi sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc để nấu ăn, điều đó vô hình trung đồng hồ điện sẽ quay như "chong chóng", điện năng sẽ tiêu thụ nhiều hơn, đó là chưa kể sẽ tạo "gánh nặng" và sự quá tải cho điện năng ở trong chính ngôi nhà của mình.

Quần áo tôi mặc đến công sở làm việc thường là áo sơ mi, quần vải..., vì vậy cuối tuần tôi tập hợp một lần để ủi cho ngay ngắn, thơm tho. Đó cũng là một cách để tiết kiệm điện rất có hiệu quả.

Không chỉ có thói quen tiết kiệm điện cho chính ngôi nhà đang thuê ở, cho "túi tiền" của mình, tôi còn thực hành việc tiết kiệm điện ngay ở cơ quan nơi tôi làm việc. Trong khi đó hiện nay, có không ít người ở nhà thì tiết kiệm điện nhưng ở công sở thì sử dụng điện thỏa mái, vì đâu phải tiền mình trả mà lo.

Lối cầu thang bộ đi lên xuống được tận dụng ánh sáng thiên nhiên mà không cần thiết mở điện vào ban ngày

Lối cầu thang bộ đi lên xuống được tận dụng ánh sáng thiên nhiên mà không cần thiết mở điện vào ban ngày

Buổi trưa, vào mùa mưa thời tiết mát mẽ tôi tắt máy lạnh, chỉ sử dụng quạt treo tường

Buổi trưa, vào mùa mưa thời tiết mát mẻ tôi tắt máy lạnh, chỉ sử dụng quạt treo tường

TGCC

Thường thì vào giờ nghỉ trưa có khi phòng chỉ còn lại mình tôi, tôi tắt hết tất cả các bóng đèn, kể cả máy tính làm việc của mình để không gian thoáng mát hơn. Nhiệt độ của máy lạnh thường tôi để ở 26 hay 27oC, có khi kèm theo quạt máy trên tường. Còn nếu vào mùa mưa, thời tiết mát mẻ, dễ chịu, tôi tắt luôn máy lạnh và chỉ sử dụng quạt máy, chuyện này vừa tiết kiệm điện vừa tốt cho bệnh viêm họng mãn tính của tôi.

Tôi nghĩ rằng, nguồn tài nguyên điện, nước không là vô hạn, nếu bản thân mỗi một cá nhân, mỗi một hộ gia đình, cơ quan và doanh nghiệp cùng chung tay hành động, vì sự tiết kiệm được mỗi giờ, mỗi ngày sẽ là rất cao, góp phần làm cho cuộc sống, môi trường sống của chúng ta sẽ trở nên thân thiện, trong lành hơn.

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.

Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.

Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.