Hà Nội, TP.HCM tiêu thụ thịt thú rừng nhiều nhất

21/10/2022 14:39 GMT+7

Hà Nội và TP.HCM đang là những thị trường tiêu thụ thịt thú rừng nhiều nhất và điều này sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang con người.

Đó là cảnh báo được đưa ra tại cuộc họp báo phát động Chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị, diễn ra tại Hà Nội sáng nay 21.10, do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Ông Nguyễn Văng Long cảnh báo ngày càng có nhiều bệnh từ động vật lây cho con người, trong đó có nguyên nhân từ sử dụng thịt thú rừng làm thực phẩm

Hoàng Phan

Theo ban tổ chức, chiến dịch truyền thông này hướng đến người dân ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là các quốc gia đang tiêu thụ nhiều động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim, thú được bày bán nhiều ở chợ dân sinh và các nhà hàng.

Người tiêu dùng ăn thịt động vật hoang dã làm gia tăng nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học, gia tăng tội phạm về săn bắn, vận chuyển và mua bán động vật hoang dã. Đây cũng là nguy cơ rất lớn các bệnh từ động vật có thể lây truyền sang con người.

Chia sẻ tại họp báo, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc quốc gia WWF - Việt Nam, cho biết đa số những dịch bệnh nguy hiểm đã xuất hiện trước đây phần lớn đều xuất phát từ động vật hoang dã. Theo đó, mỗi mắt xích trong quá trình tiếp xúc với động vật hoang dã đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh.

Bà Jan Vertefeuille, Cố vấn cấp cao về vận động chính sách của WWF - Mỹ, cho rằng các đợt bùng phát dịch bệnh, thậm chí đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã. Theo thống kê trong 30 năm trở lại đây, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lây truyền từ động vật.

Bà Jan Vertefeuille cũng cho biết, nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã nói chung đang biến Việt Nam trở thành một điểm nóng mua bán các sản phẩm này. Theo nghiên cứu của WWF và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ cho thấy, 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng qua. Trong khi, tỷ lệ này ở Việt Nam cao nhất với 14% và thấp nhất ở Myanmar với 4%.

Theo bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, Cố vấn của WWF - Việt Nam, qua khảo sát thực tế, đối tượng tiêu thụ thịt thú rừng nhiều nhất nằm ở Hà Nội và TP.HCM. Người tiêu dùng sản phẩm thịt động vật hoang dã có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng và thường sử dụng thịt thú rừng trong các dịp liên hoan tại các nhà hàng.

Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), nhấn mạnh thế giới ghi nhận sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật hoang dã lây sang người. Trong đó, điển hình như Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS/HIV), Ebola, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-Cov), dịch Covid-19 hay bệnh đậu mùa khỉ. Cũng theo ông Long, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm xuất hiện những dịch bệnh này là do việc sử dụng thịt thú rừng làm thực phẩm.

Đại diện Cục Thú y dẫn chứng thống kê từ Tổ chức Thú y thế giới, trong vòng 60 năm qua đã có 335 bệnh mới nổi xuất hiện trên người. Trong đó, 144 tác nhân gây bệnh (chiếm 43%) có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đặc biệt từ các loài linh trưởng, thú ăn thịt (cầy, cáo), dơi, chim hoang dã, tê tê,…

Theo ông Nguyễn Văn Tín, Quản lý chương trình Bảo tồn các loài hoang dã thuộc WWF - Việt Nam, qua các nghiên cứu khảo sát của WWF, động cơ chính khiến người dân, đặc biệt là người dân thành thị ăn thịt thú rừng là bởi họ tin đây là món ăn tươi, ngon, giúp chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc bồi bổ sức khỏe. Theo đó, chiến dịch truyền thông này sẽ khoanh vùng hướng đến đối tượng mục tiêu là người tiêu dùng thành thị, kéo dài từ nay đến hết tháng 1.2023.

“Chiến dịch mong muốn giúp người dân thành thị thay đổi thói quen tiêu thụ thịt thú rừng và việc tiêu thụ thịt thú rừng không đáng để họ đánh cược sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng khi hành vi này có thể làm phát sinh và lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật sang người", ông Tín nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.