Hải quan đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp

12/10/2023 10:00 GMT+7

Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm khiến thu ngân sách của ngành hải quan bị ảnh hưởng đáng kể. Nhằm thực hiện mục tiêu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, ngành hải quan đã thực hiện loạt chính sách đột phá, đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại.

Năm 2023, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước cho ngành Hải quan là 425.000 tỉ đồng. Tuy vậy, đến giữa tháng 9, tổng số thu được ghi nhận mới đạt khoảng 63% dự toán. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Hải quan đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tính sơ bộ đến giữa tháng 9 năm nay, xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm khoảng 12%, tương ứng giảm gần 63 tỉ USD về số tuyệt đối so cùng kỳ. Trong đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu chủ lực giảm mạnh. Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho hay, mọi năm, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu chịu thuế tăng từ 8 - 13%. Cá biệt có năm tăng tới 24%. Tuy nhiên, năm nay không những không tăng mà còn giảm hơn 19% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến thu ngân sách toàn ngành giảm mạnh.

Hải quan đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp  - Ảnh 1.

Những nỗ lực của ngành Hải quan đã tạo hiệu ứng lan tỏa, tác động lớn mang yếu tố bền vững

Nhận định tình hình khó khăn ngay từ quý 1, nhiều Cục Hải quan địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách ở mức cao nhất và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Xuống tận nơi gặp doanh nghiệp đóng góp số thu lớn để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh cũng như lắng nghe đề xuất, giải pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ phía doanh nghiệp…

Đáng lưu ý, để doanh nghiệp tập trung cho sản xuất kinh doanh, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị chưa thực hiện kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch đối với các trường hợp chưa cần thiết; chỉ thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó tập trung các giải pháp chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế; hải quan cửa khẩu rà soát, đánh giá rủi ro và tăng cường kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, không chịu thuế đối với các doanh nghiệp chế xuất, gia công, sản xuất xuất khẩu...

Trong bối cảnh doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và khó khăn hậu đại dịch, ngành Hải quan đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về tạo thuận lợi thương mại. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết: "Những cải cách, nỗ lực của ngành nhằm mục đích khơi thông dòng chảy thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Năm 2022, Việt Nam lần đầu tiên đạt được quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu 700 tỉ USD vào năm 2022. Công tác đẩy mạnh tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đã và đang được triển khai đồng bộ, quyết liệt trong năm nay, đặc biệt trong những tháng cuối năm, khi hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp hơn".

Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại như: tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh theo khuyến nghị của WCO; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trang thiết bị hiện đại vào kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan… Cùng với đó, ngành Hải quan sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tiếp tục cắt giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.