Hành trình 'gập ghềnh xa' của Văn Cao

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
09/11/2023 06:55 GMT+7

Trên hành trình "gập ghềnh xa" của mình, Văn Cao để lại thứ âm nhạc mê đắm và oai hùng, để lại thơ phủ định Thơ mới.

Từ tiền chiến tới kháng chiến

PGS-TS Trần Hoài Anh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, đã có tham luận về vị trí của âm nhạc Văn Cao trong giai đoạn 1954 - 1975 ở miền Nam. Theo ông, khi đó, qua chất giọng đặc biệt và đầy quyến rũ của các ca sĩ như Thái Thanh, Lệ Thu, Duy Trác… nhạc của Văn Cao được các hãng băng, đĩa "tranh nhau" thu âm phát hành, người yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt. Nghiên cứu này được công bố tại hội thảo khoa học "Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao", do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư và Báo Nhân Dân tổ chức ngày 8.11 tại Hà Nội.

Nhạc sĩ Văn CaoẢNH: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nhạc sĩ Văn Cao

NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

PGS-TS Trần Hoài Anh đề cập Băng nhạc thứ 9 của Mây Hồng với chủ đề thu âm những bài ca tiền chiến hay nhất, trong đó có bài Trương Chi. Tới Băng nhạc thứ 10 của Mây Hồng lại giới thiệu Thiên thai với giọng hát Thái Thanh và Suối mơ với giọng hát Lệ Thu… Ngoài ra NXB Kẻ sĩ đã ấn hành tập nhạc tiền chiến vào tháng 6.1970, trong đó giới thiệu nhiều nhạc sĩ tài danh như Phạm Duy, La Hối, Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Lê Thương... Trong tập nhạc này Văn Cao được giới thiệu các bài Suối mơ, Trương Chi, Thiên thai, Bến xuân (Đàn chim Việt).

PGS-TS Trần Hoài Anh cho rằng như vậy, trong đời sống văn nghệ miền Nam 1954 - 1975, nhạc Văn Cao mà đặc biệt là các ca khúc tiền chiến, đã có một vị trí quan trọng trong thị hiếu thẩm mỹ người yêu nhạc. Ông cũng trích dẫn: "Chính vì vậy, khi luận về những tác giả âm nhạc thời tiền chiến, Lê Thương chia sẻ đầu tiên phải kể đến Văn Cao, nhạc sĩ nổi bật từ năm 1945 với những tác phẩm Thiên thai, Trương Chi, Buồn tàn thu, được ưa thích khắp nơi".

PGS-TS Trần Hoài Anh cũng đề cập về một Văn Cao khác. Một Văn Cao mà theo họa sĩ Tạ Tỵ "đã biết đói, biết rét, biết đau khổ trước khi làm người lớn. Vì thế, sự hiện diện của Văn Cao ở một hàng ngũ cách mạng nào đó trước 1945, người ta đừng lấy làm lạ, phải coi như một lẽ đương nhiên. Kẻ thù đã đẩy chẳng riêng gì Văn Cao mà cả dân tộc đứng lên đòi quyền sống". Đó là Văn Cao tự nguyện dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Pháp với tư cách một người nghệ sĩ - chiến sĩ, để rồi từ đó thay đổi tư duy âm nhạc của mình. Ông đã tìm cho mình những cảm hứng sáng tạo mới trong cuộc chiến đấu oai hùng của dân tộc, và từ trong cách mạng của ngày tiền khởi nghĩa, ông viết Tiến quân ca.

PGS-TS Trần Hoài Anh cũng trích dẫn Lê Thương - một người nhiều năm làm giảng sư ở Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn trước 1975. Ông Lê Thương cho rằng cả ở thời kỳ tiền chiến và kháng chiến, Văn Cao không chỉ là một nhạc sĩ tài năng mà còn là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của âm nhạc Việt Nam hiện đại. Với tư cách chiến sĩ, Văn Cao sáng tác thật nhiều nhạc chiến đấu: Tiến quân ca, Bắc Sơn, Chiến sĩ Việt Nam...

Người đại diện thế hệ

PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), cho rằng hành trình thơ của Văn Cao là một hành trình phủ định Thơ mới. "Văn Cao bắt đầu viết thơ từ trước năm 1945 và trong đó có dấu vết của những người cùng thời. Đó là một hành trình đi qua thơ định thể, đi qua thơ vần bằng để hướng đến thơ tự do, thơ không vần và khai thác tận độ những kết hợp ngữ nghĩa bất thường của từ. Thoạt tiên đó là một khuynh hướng tồn tại bên lề, nhưng sau đó lại trở thành một khuynh hướng mạnh khi bắt gặp nhu cầu đổi mới thơ của thế hệ nhà thơ xuất hiện sau năm 1970 và đặc biệt, sau khi thơ cùng với đất nước quay về với trạng thái thời bình sau năm 1975. Thơ Văn Cao nằm trong khuynh hướng đó", ông Thạch phân tích.

Nhân dân thủ đô đón chào đoàn quân chiến thắng trở về ẢNH: TTXVN

Nhân dân thủ đô đón chào đoàn quân chiến thắng trở về

TTXVN

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý đánh giá Văn Cao không để lại một gia tài tác phẩm đồ sộ. Ông chỉ có chừng 40 ca khúc và một tập thơ được xuất bản nhưng dấu ấn tác giả rất rõ nét. Ông Quý trích dẫn những ca ngợi của dịch giả Cao Nhị: "Cả nước quý Văn Cao, không phải chỉ vì anh là tác giả Tiến quân ca mà là Tiếng đàn muôn điệu (chữ của Thế Lữ) của cả mấy thế hệ, kể cả Cách mạng Tháng 8 đến bây giờ… Ôi, một thời để sống, một thời để yêu, duy danh định nghĩa, xin gọi nó là một thời Văn Cao".

Ông Quý cho rằng để đạt được tầm mức đại diện thế hệ đó, Văn Cao không dừng lại ở phạm vi người sáng tác thuần túy mà hướng tới mẫu hình một nhà nghệ sĩ tạo lập tư tưởng, luôn thôi thúc khai phá. Điều này Văn Cao cũng từng tuyên ngôn từ góc độ người làm thơ: "Phải đi tìm những tư tưởng trong thực tế ở những con người đang hằng ngày túi bụi xây dựng. Càng tới gần cái cuộc sống đầy mâu thuẫn đấu tranh là càng như đi gần lại một kho thuốc nổ. Nhưng cũng có người can đảm biết làm nổ để mở đường". Ông Quý đánh giá: "Con đường mà Văn Cao đã "làm nổ" đó là một hành trình "gập ghềnh xa" qua những miền thơ ca và âm nhạc, phản chiếu một thế kỷ lưu lạc của một thế hệ sáng tạo".

PGS-TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN, nhắc tới việc ngày 13.8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. "Ông trở thành tác giả của Quốc ca đầu tiên của VN, đồng thời cũng là một trong những gương mặt quan trọng nhất của tân nhạc, một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất trong nền âm nhạc VN thời kỳ này", ông Quân nói.

Tuy nhiên, ông Quân cũng nhắc tới "món nợ" với Văn Cao của những nhạc sĩ làm công tác sáng tác, biểu diễn, lý luận. Đó là việc chưa có được bản chuẩn về bản phổ cũng như diễn tấu đúng tinh thần của Văn Cao, đúng tinh thần của bài hát quốc ca. "Làm sao để cả nước và quốc tế cảm nhận khi Tiến quân ca thể hiện bằng nhạc cụ nào, cũng giữ nguyên được tinh thần của ca khúc. Hiện nay, các bản Quốc ca đều đang được hòa âm phối khí khác nhau. Vì vậy, tại diễn đàn này, tôi cũng bày tỏ tiếng nói của các nhà chuyên môn về âm nhạc để chúng ta cùng nghiên cứu", ông Quân nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.