Hơn 100.000 người mất thu nhập ổn định do Formosa

20/07/2016 14:08 GMT+7

Theo báo cáo của Chính phủ, sự cố ô nhiễm môi trường Formosa gây ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100.000 người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc.

Những con số cụ thể, cập nhật về thiệt hại bước đầu trong vụ Formosa xả thải ra môi trường có thể định lượng đã được Chính phủ báo cáo tới các đại biểu Quốc hội.

Tại báo cáo tình hình - kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và kế hoạch những tháng cuối năm mà Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng gửi đến Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh sự cố ô nhiễm môi trường biển đã làm cá chết tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế gây hậu quả nghiêm trọng hủy hoại môi trường biển, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân, mà còn tác động xấu đến phát triển các ngành sản xuất khác, đến xuất khẩu, du lịch...

Tính toán sơ bộ, sự cố ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100 nghìn người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc.

Bên cạnh đó, thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng; Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha, tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch; trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống bị nhiễm độ mặn cao, môi trường suy giảm nên tôm chậm lớn, xuất hiện bệnh và có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác; có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000m3), tương đương 140 tấn cá; 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; trên 10 ha nuôi cua bị chết do sự cố môi trường.

Ca-chet
Cá chết tại ven biển miền Trung do Formosa xả thải Thanh Nien

Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2015; việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh bị giảm sút nghiêm trọng. Trong đó, sản phẩm khai thác ngoài 20 hải lý (vùng được coi là an toàn) vẫn có giá bán giảm 30 - 50%; sản phẩm khai thác trong 20 hải lý thì không tiêu thụ được.

Tổng hợp mới nhất cho thấy, hiện nay, tại Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn (chiếm 70% công suất kho lạnh toàn tỉnh). Chưa kể, sản lượng thủy sản khai thác của Hà Tĩnh đã giảm 16.000 tấn (giảm 6%); Quảng Bình giảm 23.600 tấn (giảm 8,7%); Quảng Trị giảm 16.000 tấn (giảm 14,3%); Thừa Thiên - Huế giảm 13.300 tấn (giảm 30%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính phủ nhìn nhận, đối với sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng đã có các chỉ đạo quyết liệt; đã yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương và thận trọng trong việc tìm ra nguyên nhân và đối tượng gây ô nhiễm, bảo đảm đầy đủ căn cứ khoa học và pháp lý, các biện pháp được xử lý khách quan, có các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn khắc phục và hỗ trợ phục hồi sản xuất, nuôi trồng; phục hồi môi trường đánh bắt hải sản của người dân, tạo việc làm và ổn định đời sống nhân dân ở các vùng bị ảnh hưởng, đã nhận được sự ủng hộ và đồng tình của dư luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.