Mùa xuân nơi địa đầu

16/02/2014 09:00 GMT+7

Không ai còn cảm thấy cái lạnh cắt da, cắt thịt ở đỉnh núi Rồng (nơi xây dựng cột cờ Lũng Cú), bởi niềm hạnh phúc ngập tràn khi lần đầu tiên được đặt chân đến nơi địa đầu của Tổ quốc...

Mùa xuân nơi địa đầu
Đôi vợ chồng sắp cưới cùng “phượt” lên cột cờ Lũng Cú để ghi dấu những giây phút thiêng liêng - Ảnh: Diệu Hiền

Từ trung tâm TP.Hà Giang, vượt qua 154 km đường núi, với hàng nghìn con dốc, khúc quanh tay áo hiểm trở, chúng tôi đặt chân đến cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) khi trời bắt đầu về chiều.

Tự hào

Từng đoàn, từng đoàn người cùng nhau leo bộ lên 283 bậc đá dựng đứng để đến cột cờ. Đứng ngay dưới chân cột cờ, có thể thấy được kiến trúc điêu khắc quen thuộc, khá gần với cột cờ Hà Nội. Chân và bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh, mô phỏng hoa văn mặt trống đồng Đông Sơn, cùng những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử đất nước, con người và tập quán của đồng bào dân tộc vùng miền núi này. Tiếp tục leo lên một cầu thang ngoằn ngoèo trong lòng cột cờ cao chừng 30 m, để được đặt chân đến đỉnh cột cờ, ngay cạnh lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc. Lá cờ Việt Nam to rộng, với diện tích 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, đang mạnh mẽ tung bay trong gió trời lồng lộng. Và thật kỳ lạ, không ai bảo ai, tất cả cùng nhau đứng lại, nhìn lên lá cờ, trang nghiêm chào. Niềm tự hào chen lẫn cảm giác hạnh phúc đến nghẹt thở trong tôi vào giây phút ấy. Xung quanh tôi, những bạn trẻ trong trang phục cờ đỏ sao vàng cùng 2 chữ Việt Nam trước ngực, ai cũng lặng mình đứng dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc.

“Chúng em là những sinh viên học ở Hà Nội, cùng tập trung nhau từ hơn 1 tháng trước để chuẩn bị cho chuyến đi. 10 người chúng em bắt đầu hành trình bằng 5 xe máy, lên Hà Giang, rồi chinh phục đoạn đường dốc núi để đến được cột cờ Lũng Cú, nơi điểm đầu cực Bắc của Tổ quốc. Đối với lớp trẻ chúng em, có thể đến được những nơi như thế này, mới cảm nhận được tất cả niềm tự hào và sự thiêng liêng. Bản thân em, khi được đặt chân đến nơi này, cảm thấy vô cùng xúc động. Và đây là chuyến “phượt” mà em sẽ nhớ mãi trong suốt cuộc đời mình!”, Trần Hồng Anh, sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ cảm xúc khi đứng dưới lá cờ Tổ quốc. 

Với người dân nơi đây, hình ảnh những bạn trẻ từ khắp mọi miền đất nước, trên những chiếc xe máy đến với vùng cao nguyên này để chinh phục nơi địa đầu Tổ quốc, là hết sức quen thuộc. “Cứ bắt đầu từ tháng 10 cho đến hết tháng 2 năm sau, nơi đây như đều có mùa xuân ngự trị, bởi cảnh sắc những tháng này rất đẹp, có hoa tam giác mạch, hoa đào nở, có những hàng cây sa mộc xanh rì, có những cơn mưa xuân dịu nhẹ và đặc biệt những cao nguyên đá trập trùng vào những tháng này như được tô thêm màu sắc. Đối với chúng tôi, sự có mặt của các bạn trẻ từ vùng xuôi thực sự đã làm cho mùa xuân ấy thêm rộn ràng. Bởi chính các bạn hun đúc hơn niềm tự hào về vùng đất địa đầu Tổ quốc!”, anh Hoàng Văn Tân, một người dân Lũng Cú, nói với sự tự hào.

Mùa xuân nơi địa đầu 1
Từ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú nhìn xuống, những bản làng người Lô Lô, Thèn Tả bình yên

Hạnh phúc nơi địa đầu

Trời càng về chiều, mặt trời xuống núi rất nhanh. Lúc này, tôi mới cảm nhận được vì sao đây là nơi duy nhất trên bờ của nước ta có thể ngắm mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía tây. Khung cảnh nơi đây khi hoàng hôn trở nên tuyệt đẹp. Từ trên cao nhìn xuống bên dưới, những bản làng của người H’Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo... với những căn nhà nhỏ nối nhau tạo thành những chuỗi dài, chen lẫn những ruộng bậc thang uốn lượn, như một bức tranh trù phú. Từ đỉnh cột cờ, có thể nhìn thấy hai hồ nước trong vắt với diện tích hàng nghìn mét vuông, được người dân nơi đây ví như hai mắt rồng. Đây chính là nguồn nước quý báu cho người dân ở những bản làng khu vực lân cận trên cao nguyên đá này. Đáng nói, dù nằm cách mặt nước biển hơn 1.400 m, nhưng hai “mắt rồng” này không bao giờ cạn nước. Nhờ vậy, nơi đây luôn đầy đủ nước uống, nước sinh hoạt cho những người dân Lô Lô, Thèn Tả đang ngày đêm cùng bộ đội giữ gìn phên giậu Tổ quốc.

Và trong không gian chiều tà đầy mê hoặc ở cột cờ Lũng Cú, một hình ảnh tuyệt đẹp hơn xuất hiện nơi đây: một đôi vợ chồng sắp cưới đến từ Quảng Ninh lên chụp ảnh cưới. Người chồng là một quân nhân trẻ. Hai vợ chồng, với váy cưới, máy ảnh, máy quay phim, cùng nhau “phượt” đến nơi này để ghi khắc lại những hình ảnh nơi cột mốc của Tổ quốc. “Vợ chồng em mê phượt, em lại là quân nhân, nên mong ước được chụp những tấm ảnh cưới nơi đây đối với chúng em là vô cùng thiêng liêng. Không rủ được ai đi cùng, vậy là hai vợ chồng quyết tâm tự thực hiện chuyến đi và mong ước của chúng em đã thành hiện thực!”, người chồng trẻ bộc bạch với đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Tôi loay hoay giúp đỡ hai vợ chồng chụp ảnh, quay phim, trời sập tối lúc nào không hay. Vậy là cùng vội vã xuống núi để kịp vượt hơn 24 km đường núi quanh co để về Đồng Văn, mà chưa kịp hỏi tên đôi vợ chồng trẻ. Thật đáng tiếc!

Trên đường về, trời tối đen như mực, chỉ có thể nhìn thấy nhau bằng những ánh đèn xe máy nhấp nháy. Ngược hướng chúng tôi, hàng trăm chiếc xe máy như những con đom đóm lập lòe, nối đuôi nhau vẫn miệt mài chạy lên. Người bạn đồng hành của tôi, cũng là người vùng này, nói những bạn trẻ đó đêm nay sẽ cắm trại ở các bản làng của Lũng Cú, chờ đến sáng sớm mai ngắm bình minh trên cột cờ... 

Nơi đặt trống vua khẳng định chủ quyền

Cột cờ Lũng Cú có từ rất lâu đời. Theo sử sách, tại nơi này, Lý Thường Kiệt đã cho treo một lá cờ khi ông hội quân trấn ải biên thùy, và nơi này được coi là cột mốc cao nhất đánh dấu biên cương lãnh thổ. Thời đó cột cờ được làm bằng gỗ cây sa mộc. Tương truyền, thời Tây Sơn, sau khi thắng quân xâm lược phương bắc, Hoàng đế Quang Trung đã đặt một trống đồng rất lớn tại cột cờ, và mỗi canh giờ gióng lên 3 hồi để khẳng định chủ quyền đất nước, nên Lũng Cú là cách gọi chệch âm từ tiếng H’Mông là Long Cổ (trống của vua).

Năm 1978, Đồn biên phòng Lũng Cú tôn tạo, dựng lại cột cờ cao trên 10 m bằng gỗ sa mộc.

Năm 1991, nhân dân nơi này đã tìm một cây pơ mu cao gần 13 m, cùng 20 thanh niên trai tráng vận chuyển lên đỉnh núi Rồng làm cột cờ.

Đến năm 2010, sau 196 ngày thi công, trùng tu nâng cấp, cột cờ quốc gia Lũng Cú hoàn thành, với phần chân cột cao 20,25 m, đường kính ngoài thân rộng 3,8 m. Trên cột cờ là cán cờ cao 12,9 m và lá cờ diện tích 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam.

Diệu Hiền

>> Thiêng liêng cột cờ Lũng Cú
>> Tổ quốc hiên ngang cột cờ Lũng Cú 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.